Phân biệt ho khan và ho có đờm – Hiểu đúng để điều trị đúng

Cùng là triệu chứng ho, nhưng ho khan và ho có đờm có thể do những nguyên nhân khác nhau và điều trị cũng rất khác biệt. Nắm rõ sự khác biệt này để điều trị ho đúng cách.

Phân biệt ho khan
Điều trị ho khan và ho có đờm khác nhau như thế nào?

Triệu chứng ho khan và ho có đờm

Để phân biệt ho khan và ho có đờm cần xem xét lại triệu chứng của mỗi loại:

Ho khan là tình trạng ho khô, không có đờm hay chất nhầy, kèm cảm giác ngứa họng. Trong nhiều trường hợp, khi bênh nhân càng ho cảm giác ngứa họng lại càng tăng lên tiếp tục kích thích phản xạ ho. Điều này khiến cơn ho không thể kiểm soát và có xu hướng kéo dài, có thể kèm theo hoặc gây ra một số triệu chứng như đau rát họng, mất tiếng, sưng họng…

Ho có đờm là phản xạ ho có kèm theo dịch nhầy, đờm. Dịch nhầy từ trong đường hô hấp (như mũi, xoang, phế quản, phổi) được tiết ra. Đờm bao gồm chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu, các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào đường hô hấp. Ho có đờm là phản xạ của cơ thể nhằm tống đờm ra ngoài.

Nguyên nhân gây ho khan và ho đàm có gì khác biệt?

Nguyên nhân chủ yếu gây ra triệu chứng ho là do nhiễm trùng đường hô hấp, có thể do virus hoặc vi khuẩn. Ngoài ra, bệnh nhân hen phế quản cũng có cả hai triệu chứng ho khan và ho có đờm. Tuy nhiên, ho có đờm thường phổ biến hơn.

Có thể dựa vào tính chất đờm để nhận biết nguyên nhân từng bệnh như:

  • Hen phế quản: Ho khan hoặc có đờm nhầy trong
  • Viêm đường hô hấp do virus: Ho khan hoặc có đờm trong
  • Viêm đường hô hấp do vi khuẩn: Ho khan hoặc có đờm đục trắng, vàng, xanh
  • Viêm phổi do trực khuẩn lao: Ho khan hoặc có đờm vàng nâu, có thể lẫn máu
Phân biệt ho khan
Virus và vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ho

Ngoài nhiễm trùng đường hô hấp, một số nguyên nhân khác cũng gây ho, gồm:

  • Do hít phải dị vật đường hô hấp: gây ho khan
  • Do trào ngược dạ dày thực quản: gây ho có đờm
  • Do dị ứng: ho khan, có thể ho có đờm
  • Do thuốc: sau khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, điển hình là các thuốc ức chế men chuyển như captopril, enalapril, lisinopril…
  • Do suy tim kèm sung huyết phổi: gây ho khan
  • Do ung thư phổi: gây ho khan, ho có đờm, ho ra máu

Nhìn chung, bất kỳ triệu chứng ho khan do nguyên nhân gì, nếu kéo dài mà không được điều trị, có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn gây ra ho có đờm sau đó.

Khi nào bệnh nhân cần đi khám?

Nếu ho kèm theo các triệu chứng sau người bệnh nên đi khám để được điều trị:

  • Sốt
  • Khò khè, đau ngực
  • Đổ mồ hôi, ớn lạnh
  • Ho khạc đờm có mùi hôi, tanh, đặc, có màu sậm, vàng, xanh, nâu, đỏ
  • Ho dai dẳng kéo dài
  • Đang sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp gây ho

Thuốc điều trị ho khan và ho có đờm khác nhau như thế nào?

Ho vốn là phản xạ để bảo vệ cơ thể. Phân biệt ho khan với ho có đờm thì ho có đờm giúp làm sạch đường hô hấp, tống đờm và tác nhân gây bệnh ra ngoài. Ho khan do hít phải dị vật cũng là một phản xạ có lợi. Tuy nhiên, một số tình trạng ho khan là dấu hiệu báo động một vấn đề hoặc bệnh lý nào đó cần điều trị.

Ngoài ra, trong bất kỳ trường hợp nào, nếu triệu chứng ho quá nặng, kéo dài có thể khiến cơ thể mệt mỏi, làm nặng hơn triệu chứng viêm và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì cần biết cách phân biệt ho khan và ho có đờm để chọn đúng phương pháp điều trị kịp thời.

1. Điều trị ho khan

  • Thuốc chứa dextromethorphan, codein để ức chế phản xạ ho
  • Thuốc kháng histamin giúp giảm nhanh cơn ho
  • Nên tránh sử dụng các thuốc ức chế ho kết hợp thuốc long đờm vì không mang lại tác dụng gì mà còn làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ.
  • Dùng thuốc điều trị bệnh lý nguyên nhân: ho do thuốc điều trị tăng huyết áp thì cần đổi thuốc, ho do hen phế quản thì cần điều trị bệnh hen…
Phân biệt ho khan
Cần lựa chọn các loại thuốc khác nhau phù hợp với tình trạng ho

2. Điều trị ho có đờm

  • Thuốc long đờm: acetylcysteine, ambroxol, bromhexine, guaifenesin, terpin…
  • Tránh dùng thuốc ức chế phản xạ ho kết hợp với thuốc long đờm vì có thể gây khó khăn cho mục đích long đờm và tống đờm ra ngoài.
  • Tránh dùng thuốc histamin vì có thể làm khô dịch tiết và ứ đọng đờm trong phế quản, phổi, họng…
  • Dùng thuốc điều trị bệnh lý nguyên nhân: thuốc trị trào ngược dạ dày thực quản, thuốc kháng sinh trị nhiễm khuẩn…

Lưu ý, các hoạt chất trong Tây y thường tập trung vào một mục đích hoặc là ức chế phản xạ ho tại thần kinh trung ương hoặc là giúp long đờm để phản xạ ho diễn ra thuận lợi, nhưng không có tác dụng trong việc cải thiện nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, các thuốc cần được lựa chọn kỹ lưỡng theo từng trường hợp nhất định.

Các biện pháp hỗ trợ không dùng thuốc

Ngoài việc dùng thuốc, có thể kết hợp một số biện pháp khác để hỗ trợ giảm triệu chứng ho, đẩy nhanh tốc độ hồi phục bệnh.

Một số biện pháp có thể áp dụng ngay:

  • Dùng dung dịch xịt họng thảo dược

Để giảm ho khan và ho có đờm, có thể sử dụng dung dịch xịt họng thảo dược, tiêu biểu như dung dịch Xịt Họng Nhất Nhất.

Dung dịch Xịt Họng Nhất Nhất có chứa các dược liệu như xạ can, kim ngân hoa, bạch chỉ, lá trầu không, hoàng bá, ngũ vị tử, hoa đu đủ đực, lá đào… đều có công dụng trong việc hỗ trợ giảm ho, ngứa họng.

Phân biệt ho khan
Xịt họng giúp hỗ trợ điều trị ho khan, ho có đờm
  • Uống nhiều nước

Uống ít nhất 8-10 ly nước mỗi ngày giúp làm ẩm cổ họng, ngăn ngừa khô họng.

  • Dùng máy tạo ẩm

Khi thời tiết hanh khô và khi dùng điều hòa nhiệt độ, có thể dùng máy tạo độ ẩm/máy phun sương, sẽ giúp niêm mạc mũi họng không bị khô.

  • Vệ sinh mũi họng sạch

Súc miệng, súc họng bằng nước muối ấm hàng ngày giúp sát khuẩn họng, giảm ho.

  • Bảo vệ mũi họng

Nếu bị dị ứng thì nên đóng cửa sổ trong mùa có nhiều phấn hoa. Khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang, tránh nơi có khói thuốc lá, bụi bẩn.

  • Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên

Có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục hàng ngày giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, tránh nhiễm virus, vi khuẩn.

Trên đây là những thông tin giúp phân biệt ho khan và ho có đờm, cũng như các biện pháp điều trị với từng loại ho. Bạn có thể tham khảo để áp dụng với trường hợp của mình.

DS. Thanh Loan