Ngày 20/9/2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép lưu hành một loại thuốc điều trị đái tháo đường type 2 ở người lớn có tên là Rybelsus đường uống với thành phần chính là semaglutide.
Sơ lược về bệnh đái tháo đường type 2 và nguyên tắc điều trị
Đái tháo đường type 2 là dạng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để giữ đường huyết (glucose) ở mức bình thường, hoặc insulin đã được sản xuất không thực hiện được chức năng vận chuyển đường từ máu vào tế bào. Từ đó dẫn đến nồng độ đường trong máu tăng cao.
Các thuốc điều trị đái tháo đường có tác động khác nhau trong quá trình hình thành, chuyển hóa và thải trừ đường trong cơ thể, bao gồm một số cơ chế như sau: kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin, giảm tiết glucagon, giảm sản xuất glucose ở gan, tăng đào thải glucose qua nước tiểu, giảm hấp thu glucose tại ruột,…
>> Xem thêm Tăng nguy cơ suy tim khi dùng thuốc trị tiểu đường thường xuyên?
Cơ chế tác dụng của thuốc Rybelsus
Rybelsus là thuốc chủ vận GLP-1 đường uống. Để giải thích cơ chế này, trước hết cần làm rõ khái niệm GLP-1.
GLP-1 là một hormone bình thường trong cơ thể người có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu đường từ ruột vào máu, ngăn cản gan tổng hợp quá nhiều glucose và báo hiệu cho tuyến tụy tăng tiết insulin khi nồng độ glucose trong máu tăng lên sau ăn.
Tại sao cơ thể có loại hormone hữu hiệu như thế mà hiện tượng tăng đường huyết vẫn xảy ra? Lý do là, sau khi được tiết ra, GLP-1 chỉ tồn tại trong thời gian vài phút, chúng bị phân hủy bởi một enzyme có tên là DPP-4. Ở người bệnh đái tháo đường type 2, nồng độ GLP-1 thường ở trạng thái thiếu hụt.
Như vậy các thuốc có cơ chế giống GLP-1 được tạo ra nhằm bù đắp sự thiếu hụt này, đồng thời, kéo dài thời gian tồn tại của chúng trong cơ thể. Đây cũng chính là cơ chế của semaglutide – thành phần chính có trong thuốc Rybelsus.
Ưu điểm của Rybelsus so với thuốc cùng nhóm trước đó
Nhóm thuốc chủ vận GLP-1 đã được biết đến từ năm 2005 với sự ra đời của BYETTA (exenatide). Trước khi Rybelsus được cấp phép lưu hành, toàn bộ thuốc nhóm chủ vận GLP-1 được bào chế dạng thuốc tiêm dưới da, Rybelsus là thuốc đầu tiên trong nhóm được bào chế dạng viên nén và dùng đường uống. Ưu điểm này giúp cho việc sử dụng thuốc của người bệnh được dễ dàng và thuận tiện hơn, từ đó tăng khả năng tuân thủ điều trị của người bệnh.
Hiệu quả của thuốc Rybelsus
Rybelsus có thể được chỉ định đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường khác và đều cho thấy hiệu quả.
Khi so sánh hiệu quả của thuốc với giả dược: Sau 26 tuần điều trị, 69% số người bệnh dùng liều 7mg/ngày và 77% số người bệnh dùng liều 14mg/ngày có chỉ số HbA1C giảm xuống dưới 7%, trong khi chỉ 33% người bệnh sử dụng giả dược đạt được mức kiểm soát trên.
Tác dụng không mong muốn của Rybelsus
Thuốc Rybelsus có tác dụng phụ tiềm ẩn là làm tăng nguy cơ u tế bào C tuyến giáp (thyroid c-cell tumors), và thuốc này không phải lựa chọn đầu tay trong điều trị đái tháo đường.
Rybelsus được cảnh báo liên quan đến nguy cơ viêm tụy cấp, bệnh võng mạc do đái tháo đường, hạ đường huyết, tổn thương thận cấp và phản ứng quá mẫn. Vẫn chưa xác định liệu Rybelsus có được sử dụng với người bệnh hiện mắc viêm tụy cấp hay không. Nguy cơ hạ đường huyết tăng lên khi phối hợp Rybelsus với nhóm thuốc điều trị đái tháo đường khác như sulfonylurea hoặc insulin.
Tác dụng không mong muốn của thuốc Rybelsus chủ yếu là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, giảm cảm giác ngon miệng, ăn không tiêu, táo bón.
Những người không nên sử dụng thuốc Rybelsus:
- Người bệnh đái tháo đường type 1
- Bệnh nhân nhiễm toan ceton do đái tháo đường
- Người từng bị ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc có người thân trong gia đình từng bị ung thư tuyến giáp thể tủy
- Người bị hội chứng đa u tuyến nội tiết type 2.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Rybelsus:
- Rybelsus nên uống trước ăn hoặc trước khi sử dụng các thuốc đường uống khác ít nhất 30 phút, với không quá ½ cốc nước (tương đương 125ml).
- Người bệnh đái tháo đường chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, uống đúng liều lượng và thời gian để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Tài liệu tham khảo
1. “FDA approves first oral GLP-1 treatment for type 2 diabetes” FDA news release September 20, 2019
2. Vinh Bui and Joshua J. Neumiller, “Oral Semaglutide”, Clinical Diabetes 2018 Oct; 36(4): 327-329