Rối loạn chuyển hóa khiến nhiều bệnh nguy hiểm gia tăng

Khoảng 19% dân số Việt Nam đang mang trong mình hội chứng rối loạn chuyển hóa. Đây là cửa ngõ cho nhiều bệnh nguy hiểm tấn công, nếu không có giải pháp tự bảo vệ, rối loạn chuyển hóa sẽ phát triển theo chiều hướng rất nguy hiểm.

Trong cơ thể luôn luôn có những quá trình “chuyển hóa” của các chất liên quan đến mọi hoạt động và sức khỏe của chúng ta. Khi bị rối loạn ở một mức độ nào đó thì cơ thể có thể tự cân bằng và điều chỉnh. Khi không thể tự điều chỉnh được thì cơ thể sẽ bị các rối loạn chức năng âm thầm, có khi kéo dài hàng nhiều năm, với rất ít các biểu hiện nên rất dễ bị bỏ qua. Muộn hơn sẽ dẫn đến những rối loạn cùng xảy ra trong một hội chứng có tên gọi là hội chứng chuyển hóa với những nguy cơ và thách thức thật sự.

Rối loạn lipid máu
Hội chứng chuyển hóa khi rối loạn về lipid máu gây nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Hội chứng chuyển hóa là những rối loạn về lipid máu, béo bụng, tăng huyết áp, tăng acid uric máu, thừa cân, béo phì, rối loạn dung nạp đường huyết. Hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành…), đái tháo đường, gout… Hội chứng rối loạn chuyển hóa hiện đang ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Kiểm soát bệnh ngoài việc dùng thuốc bạn cần thay đổi lối sống tích cực với một chế độ ăn uống, luyện tập khoa học.

Nguyên nhân hội chứng rối loạn chuyển hóa

Hội chứng rối loạn chuyển hóa có liên quan tới tình trạng đề kháng insulin. Insulin là một hormone do tuyến tụy sản xuất ra có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Bình thường thức ăn sẽ được tiêu hóa thành đường glucosse. Glucose này được máu mang tới các tổ chức của cơ thể, ở đó các tế bào sẽ sử dụng glucose làm nguồn năng lượng.

Để glucose vào được trong tế bào cần có insulin. Ở người có đề kháng insulin, glucose không thể vào tế bào một cách dễ dàng. Lúc đó, cơ thể phản ứng bằng cách sản suất nhiều hơn các insulin để giúp glucose vào tế bào. Kết quả là nồng độ insulin tăng cao trong máu. Tình trạng này đôi khi dẫn đến tiểu đường khi tuyến tụy không có khả năng tiết đủ insulin để điều chỉnh đường huyết về mức bình thường.

Insulin
Insulin – Chìa khóa vận chuyển glucose vào tế bào

Bên cạnh đó, nồng độ insulin máu tăng lên sẽ làm tăng triglycerid máu và các chất béo khác. Tất cả các yếu tố đó ảnh hưởng tới gan, thận và làm cho huyết áp cao hơn lên. Tất cả các tác hại do hiện tượng kháng insulin gây ra trên đây sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và các bệnh khác.

Rối loạn chuyển hóa thường có tỷ lệ nhiễm bệnh cao đối với những người có dấu hiệu về tuổi tác, chỉ số cơ thể, tiểu sử bệnh…

– Tuổi:  Nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa tăng lên với tuổi, tỷ lệ mắc bệnh < 10% ở lứa tuổi 20, tăng lên đến 40% ở lứa tuổi 60. Tuy nhiên, các dấu hiệu báo trước Hội chứng chuyển hóa có thể thấy ở tuổi niên thiếu.

– Béo phì: Chỉ số khối cơ thể (BMI) – là số đo của cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. BMI > 23, tình trạng béo bụng (vòng 2 > 80cm đối với Nữ và > 90cm đối với Nam) làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa.

Béo bụng
Béo bụng làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa

– Tiền sử tiểu đường: nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa cao hơn ở người có tiền sử gia đình có người bị tiểu đường type 2 hoặc bản thân có tiền sử bị tiểu đường khi mang thai.

– Các tình trạng bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa: Tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản và hormone sinh dục nữ.

Chẩn đoán hội chứng rối loạn chuyển hóa

– Vòng bụng rộng: ≥  94cm ở nam giới, và   ≥  80cm ở nữ giới (theo Hội Đái tháo đường quốc tế) hoặc Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) > 25 (theo WHO dành riêng cho châu Á).

insulin của bệnh đái đường
Cơ chế hoạt động của insulin của người bình thường và người bị bệnh đái tháo đường

Và 2 trong số các dấu hiệu sau:

– Glucose-máu khi đói cao  ≥  5,6 mmol/L ( ≥  100 mg/dL) (hoặc đang điều trị đái tháo đường).

– HDL-cholesterol giảm:

Nam  ≤ 1,03 mmol/L (≤ 40 mg/dL).

Nữ  ≤ 1.28 mmol/L (≤ 50 mg/dL).

– Triglyceride tăng  ≥ 1,7 mmol/L ( ≥ 150 mg/dL).

– Huyết áp cao  ≥ 130/85 mmHg (hoặc đang điều trị cao huyết áp).

Hội chứng chuyển hóa thường được định nghĩa là một nhóm các chứng bệnh – cao huyết áp, tăng đường – máu, dư thừa mỡ trung tâm hay bất thường về cholesterol – xảy ra đồng thời, làm tăng nguy cơ bệnh tim-mạch và các vấn đề khác về sức khỏe như đột quỵ, đái tháo đường… Khi bạn chỉ có đơn độc một trong các chứng này thì không có nghĩa là bạn bị hội chứng chuyển hóa. Tuy vậy, bất kỳ một chứng nào trong số đó cũng đều có thể làm tăng nguy cơ, và khi có nhiều hơn các chứng bệnh phối hợp thì nguy cơ càng lớn hơn.

Các chứng bệnh chính trong hội chứng chuyển hóa

Tỉ lệ các chứng bệnh trong hội chứng chuyển hóa đều có thể tăng lên nhiều lần so với người bình thường, ví dụ nguy cơ của đái tháo đường tăng gấp 5 lần và của bệnh tim mạch xơ – mỡ tăng gấp 1,5 – 3 lần… Ở người đái tháo đường, nguy cơ bệnh tim – mạch cũng tăng lên và đó là nguyên nhân tử vong hàng đầu của bệnh nhân đái tháo đường. Hai chứng bệnh quan trọng nhất của hội chứng chuyển hóa: thừa cân (do béo phì trung tâm, dễ đưa đến các bệnh lý tim – mạch) và tình trạng kháng insulin (được coi là rối loạn trung tâm vì các chứng bệnh trong hội chứng chuyển hóa có liên quan mật thiết với nhau và lúc đầu đều thông qua các liên hệ với yếu tố kháng insulin này, dẫn đến tăng đường – máu và tăng mỡ – máu…).

bệnh tim - mạch
Ở người đái tháo đường, nguy cơ bệnh tim – mạch cũng tăng lên

Dự phòng và điều trị hội chứng chuyển hóa

Mục đích chính của điều trị hội chứng chuyển hóa là nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh tim – mạch và đái tháo đường tuýp 2. Các nội dung chính của điều trị là: giảm lượng mỡ – máu, giảm LDL-cholesterol (cholesterol “xấu”), hạ huyết áp và giảm lượng đường – máu xuống mức được khuyến cáo, và bỏ thuốc lá.

Thay đổi lối sống điều quan trọng hàng đầu, để đề phòng và giảm nhẹ các nguy cơ ngắn và dài hạn. Can thiệp vào lối sống bao gồm:

– Ăn uống hợp lý: giảm lượng ăn các chất béo và đường; ăn nhiều rau, hạt, củ, quả, thịt nạc và cá, tránh dùng các thực phẩm chế biến với dầu thực vật (dễ tạo ra các acid béo không no), hạn chế dùng các thực phẩm chế biến (thường có nhiều muối và được cho thêm đường).

– Chế độ ăn Địa Trung Hải: nhiều dầu ôliu

Chế độ ăn Địa Trung Hải cũng rất đáng tham khảo: giàu mỡ “tốt” (dầu olive), chứa tỷ lệ carbohydrat và protein hợp lý (như cá và gà).

Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn Địa Trung Hải: chất béo tốt (dầu ôliu), chứa carbonhydrat và protein hợp lý (cá và gà)

– Tập thể lực: tập nặng vừa phải ví dụ như đi bộ, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 – 7 ngày trong tuần.

– Giảm cân nặng: giảm cân nặng giúp giảm nguy cơ bệnh tim. Mục tiêu là giảm 7 – 10% cân nặng hiện có của bạn, cần ăn giảm đi 500 – 1.000 calo/ngày để đạt chỉ số trọng lượng cơ thể (BMI) dưới 25 kg/m2.

– Giảm LDL-cholesterol và giảm huyết áp: bằng cách giảm cân, tập thể dục, kết hợp dùng thuốc khi cần.

– Bỏ thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của các vấn đề về tim-mạch.

– Dùng aspirin liều thấp cho những người có nguy cơ tăng đông máu trong hội chứng này.

– Điều trị thuốc: dùng thêm thuốc khi cần thiết để kiểm soát huyết áp, giảm LDL-cholesterol, kiểm soát đường – máu…

Để phòng tránh các rối loạn chuyển hóa: cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất là tầm soát sớm theo định kỳ để biết tình trạng sức khỏe của mình và chủ động điều chỉnh. WHO khuyến cáo: tầm soát định kỳ những bệnh lý thường gặp, tầm soát những nhóm bệnh nhất định trên những đối tượng nhất định (nhóm nguy cơ). Bộ Y tế cũng đã quy định rõ việc các cơ sở y tế phải khám sức khỏe và xét nghiệm định kỳ ít nhất mỗi năm một lần cho người lao động. Phát hiện sớm các rối loạn là cách duy nhất để ngăn ngừa nguy cơ bệnh lý diễn ra.