Tại sao việc tiêm phòng vắc xin cúm lại quan trọng?

Mỗi năm trên thế giới có hàng triệu người bị cúm, hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến cúm. Tiêm phòng vắc xin cúm là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh và mức độ nặng của triệu chứng.

tiêm phòng vắc xin cúm
Tiêm vắc xin cúm hàng năm là cách bảo vệ tốt nhất trước mỗi mùa cúm

Bệnh cúm là bệnh gì?

Cúm là một bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra. Vi rút lây lan từ người này sang người khác qua dịch tiết từ mũi, miệng, ví dụ như khi hắt hơi.

Về mặt y học, bệnh cúm là một tên gọi khác của bệnh do influenza vi rút gây ra. Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, phát triển chủ yếu ở phổi. Mọi người thường gọi bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các loại vi rút khác gây ra là bệnh cúm, nhưng điều này không chính xác. Những bệnh nhiễm trùng khác thường được phân loại là nhiễm trùng đường hô hấp trên và do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh cúm thường gây sốt cao hơn, khó chịu hơn và đau nhức cơ thể nghiêm trọng hơn các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Vi rút cúm được chia thành ba loại, được ký hiệu là A, B và C. Loại cúm A và B là nguyên nhân gây nhiều ca bệnh đường hô hấp xảy ra hầu như vào mùa đông hàng năm. Cúm C thường gây bệnh hô hấp rất nhẹ hoặc không có triệu chứng gì, không gây dịch và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng như các loại cúm A và B. Các vi rút loại A được chia thành các phân nhóm và được đặt tên dựa trên sự khác biệt về hai loại protein bề mặt của vi rút được gọi là hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Có 16 kiểu con H đã biết và 9 kiểu con N đã biết.

tiêm phòng vắc xin cúm
Các loại vi rút cúm phổ biến

Tại sao nên tiêm vắc xin phòng ngừa cúm?

Cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Trong khi với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút khác, các triệu chứng thường nhẹ và hầu hết mọi người có thể tiếp tục làm việc hoặc đi học khi bị nhiễm, nhưng với bệnh cúm, các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài, khiến mọi người phải nghỉ học hoặc đi làm.

Bội nhiễm có thể xảy ra như một biến chứng của bệnh cúm. Bội nhiễm là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra cùng với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn cũng là một loại nhiễm trùng nghiêm trọng, và nhiễm trùng đồng thời do vi rút và vi khuẩn có thể gây suy giảm chức năng của phổi và cơ thể. Ở người già và trẻ nhỏ, nó có thể gây tử vong. Do tính chất lây nhiễm, tỷ lệ mắc bệnh, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thời gian gián đoạn đến công việc và học tập, nguy cơ tử vong, việc tiêm phòng cúm trở nên đặc biệt quan trọng.

Mặc dù đã có những loại thuốc điều trị cúm, nhưng chúng rất đắt, không hiệu quả như tiêm vắc xin cúm và cần phải được dùng trong vòng 24-48 giờ sau khi bắt đầu có triệu chứng mới mang lại hiệu quả.

>> Xem thêm Chảy nước mũi trong và hắt hơi: Triệu chứng cảm cúm hay bị dị ứng

tiêm phòng vắc xin cúm
Thuốc điều trị cúm cần được dùng sớm sau khi có triệu chứng

Các loại vắc xin cúm

Mỗi năm, vi rút cúm đều có sự đột biến nhanh chóng, hình thành các phân nhóm mới của vi rút, làm cho vắc xin được sử dụng trong những năm trước đó không hiệu quả. Do đó phải chuẩn bị một loại vắc-xin mới có hiệu lực chống lại các loại vi-rút cúm dự kiến sẽ lưu hành trong mùa cúm sắp tới, được gọi là vắc-xin cúm theo mùa.

Đây là lý do mà việc tiêm phòng vắc xin cúm được yêu cầu nhắc lại hàng năm với loại vắc xin phù hợp với các chủng cúm đang phổ biến hiện nay.

Các nhà khoa học có thể dự đoán chính xác loại vi rút cúm nào sẽ gây nhiễm trùng và điều chế vắc xin thích hợp. Thông thường, vi rút được sử dụng để điều chế vắc xin cúm được nuôi trong trứng. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hiện có thể tiêm vắc xin cúm một cách an toàn cho những người bị dị ứng với trứng. Vi rút cúm cũng có thể được tạo ra bằng công nghệ tái tổ hợp không liên quan đến việc phát triển vi rút cúm thực sự trong trứng. Thông thường hiệu quả chống lại vi rút cúm sẽ đạt được trong vòng hai tuần kể từ khi tiêm.

Vắc xin cúm gồm 2 dạng là tiêm và xịt mũi:

Vắc xin tiêm

Vắc xin cúm là vắc xin bất hoạt, có nghĩa là nó có chứa vi rút cúm đã bị tiêu diệt, hoặc vắc xin tái tổ hợp, có nghĩa là vắc xin được sản xuất hoàn toàn không sử dụng các hạt vi rút. Sau khi tiêm, vắc xin sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra phản ứng miễn dịch đối với vi rút cúm.

Vắc xin cúm dạng tiêm được sử dụng một liều duy nhất, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Có hai loại vắc xin: vắc xin hóa trị ba nhắm vào ba chủng vi rút cúm, vắc xin hóa trị bốn nhắm vào bốn chủng. Cả hai loại vắc xin hóa trị ba và hóa trị bốn đều có sẵn dưới dạng tiêm bắp. Các chế phẩm vắc xin đặc biệt cho những người trên 65 tuổi tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.

Vắc xin xịt mũi

Vắc xin cúm dạng xịt qua mũi được cấp phép lần đầu tiên vào năm 2003. Nó được dùng để chống lại các chủng vi rút tương tự như vắc xin cúm nhưng khác ở chỗ nó chứa các vi rút cúm sống bị suy yếu để không gây ra các triệu chứng cúm nghiêm trọng. Các triệu chứng nhẹ có thể xảy ra như một tác dụng phụ của việc tiêm phòng bao gồm chảy nước mũi, nhức đầu, đau họng và ho. Trẻ em được chủng ngừa cũng có thể bị sốt nhẹ và đau nhức cơ.

Vắc xin hoạt động như thế nào để ngăn ngừa bệnh cúm?

Vắc xin ngừa cúm kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể trong cơ thể để chống lại vi rút cúm. Khi vi rút xâm nhập vào người được tiêm chủng, các kháng thể sẽ tấn công và tiêu diệt vi rút, ngăn ngừa nhiễm trùng. Tiêm phòng cúm không bảo vệ chống lại sự lây nhiễm do các tác nhân khác gây ra.

Khi nào nên tiêm phòng cúm?

Việc tiêm phòng cúm nên bắt đầu trước khi vi rút cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Phải mất khoảng hai tuần để vắc xin tạo ra đủ phản ứng kháng thể chống lại vi rút. Ở Việt Nam, vi rút cúm xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3, 4, 9 và 10 hàng năm.

Những ai nên tiêm phòng cúm?

Mọi cá nhân trên 6 tháng tuổi đều nên tiêm phòng cúm theo mùa. Mặc dù tất cả mọi người đều nên tiêm chủng, nhưng điều này đặc biệt quan trọng đối với một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng như người bệnh hen suyễn, tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, phụ nữ mang thai và những người trên 65 tuổi, người chăm sóc và sống chung với những người trong nhóm nguy cơ này cũng phải tiêm phòng.

tiêm phòng vắc xin cúm
Người trên 65 tuổi nên tiêm phòng cúm hàng năm

Những ai không nên tiêm phòng cúm?

Những người chống chỉ định tiêm phòng vắc xin cúm bao gồm:

  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi
  • Những người đã từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắc xin cúm hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc xin
  • Những người có tiền sử mắc hội chứng Guillain-Barré

Các loại vắc xin cúm khác nhau được cấp phép cho những độ tuổi khác nhau. Bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ chỉ định loại vắc xin phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

DS Phan Thu Hiền