Thuốc chữa bệnh da thường gặp mùa mưa lũ

Mưa lũ gây ngập lụt, ô nhiễm nguồn nước là nguyên nhân gây nên một số bệnh lý trên da hay hệ tiêu hóa. Ðối với những bệnh ngoài da như ghẻ, nước ăn chân, viêm da mủ…bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh đúng cách, người dân cần sử dụng thêm một số loại thuốc đặc trị để bệnh nhanh thoái lui và không để lại di chứng nặng nề như sẹo xấu.

viêm da mùa lũ
Tiếp xúc với nước bẩn trong mùa lũ dễ gây bệnh viêm da mùa lũ

Nguyên nhân gây bệnh da liễu trong mùa lũ

Do tiếp xúc với nước bẩn: Vào mùa mưa lũ, lượng nước bị ứ đọng gây ngập lụt. Kèm theo lượng nước này là các loại chất thải bị cuốn theo như rác sinh hoạt, chất thải của động vật… làm cho nước bị nhiễm bẩn, tạo điều kiện cho vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh ngoài da. Khi con người tiếp xúc nhiều với nước bẩn này dễ mắc một số bệnh ngoài da như nước ăn chân, viêm da mủ, viêm nang lông, viêm kẽ do vi khuẩn, ghẻ… với những triệu chứng bệnh thường thấy như ngứa, nổi mụn nước hoặc mụn mủ, da mẩn đỏ, kích thích gây khó chịu. Nặng hơn, vết thương có thể ăn sâu, lan rộng, sưng, đau và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt.

>> Xem thêm Tổng quan về bệnh viêm da cơ địa: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển mạnh: Một số loại vi khuẩn thường trú trên da khi gặp điều kiện thuận lợi như độ ẩm cao, ướt sẽ nhân lên gây bệnh bao gồm: Staphylococcus (tụ cầu), Streptococcus (liên cầu),  Enterobacter, Proteus, Corynebacterium, Micrococcus… Bên cạnh đó, những vi nấm sợi Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum, nấm men Candida albicans hay nấm Blastomycetes cũng là nguyên nhân gây bệnh da liễu phổ biến trong mùa lũ. Ngoài ra, một nguyên nhân mặc dù ít gặp hơn nhưng không thể không kể đến là các loại ký sinh trùng như Sarcoptes scabies gây bệnh ghẻ hay ấu trùng của một số loại giun sán.

viêm da mùa lũ
Nước ăn chân, một bệnh thường gặp trong mưa lũ.

Thuốc chữa bệnh phụ thuộc nguyên nhân

Để điều trị các bệnh về da liễu, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các bác sĩ có phác đồ điều trị, lựa chọn nhóm thuốc, liều dùng và đường dùng cho phù hợp. Tuy trong đa số các trường hợp bệnh da do tiếp xúc với nước bẩn mùa lũ, bệnh nhân chỉ cần dùng những loại thuốc bôi, rửa ngoài da là có thể kiểm soát được tình trạng bệnh. Song, nếu dùng thuốc tại chỗ không đem lại hiệu quả như mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc có tác dụng toàn thân theo đường uống, thậm chí là đường tiêm để đạt được hiệu quả điều trị cao hơn.

Bệnh da do vi khuẩn hay vi nấm: Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi sinh vật như vi khuẩn hay vi nấm, có thể lựa chọn những kháng sinh kháng khuẩn thuộc nhóm beta lactam, cyclin, macrolid hay quinolon như tetracyclin, oxacyllin, erythromycin, clindamycin và các kháng sinh kháng nấm như ketoconazole, itraconazol, miconazol, econazol, amphotericin B, griseofulvin, terbinafin…

viêm da
Tùy thuộc từng nguyên nhân viêm da mà bệnh nhân cần chọn thuốc bôi hay uống phù hợp

Do ấu trùng giun sán: Với trường hợp nguyên nhân gây bệnh là ấu trùng giun sán, bệnh nhân có thể được dùng các thuốc chứa hoạt chất có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng như albendazol, thiabendazol, mebendazol.

Bệnh ghẻ: Bệnh nhân nên dùng các thuốc bôi ngoài da có chứa diethyl phtalat (D.E.P), crotamintan 10%, benzyl benzoat.

Các thuốc giảm ngứa: Bệnh nhân có thể dùng thêm các thuốc kháng histamin hoặc thuốc chống viêm corticosteroid. Paracetamol hay các thuốc không steroids (NSAIDs) khác sẽ được dùng trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đau mức độ từ nhẹ đến trung bình.

Kết hợp với các thuốc điều trị nguyên nhân, triệu chứng, bệnh nhân cần được bổ sung các vitamin như vitamin A, C, E để nâng cao thể trạng và hỗ trợ điều trị bệnh.

>> Xem thêm Giải pháp đối phó với viêm da dị ứng tiếp xúc

Biện pháp ngăn chặn bệnh da do ngập lụt

Ngay sau khi lũ rút, người dân cần dọn vệ sinh môi trường sống và tìm kiếm nguồn nước sạch để sử dụng. Hạn chế tối đa lội hoặc ngâm mình nơi nước bẩn, tù đọng. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, cần trang bị đầy đủ giày, ủng, găng tay… Khi đã tiếp xúc với nước bẩn, cần tắm rửa ngay bằng nước sạch, lau khô (nhất là những vùng dễ đọng nước như kẽ ngón chân, ngón tay). Không mặc quần áo ẩm ướt.

Nên có sẵn những dung dịch sát khuẩn như dung dịch cồn iod, nước oxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B… để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn. Với những người đã bị bệnh, cần tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Không dùng chung quần áo, khăn mặt, chậu giặt với người chưa mắc bệnh để tránh bệnh lây lan trong cộng đồng. Tránh gãi để hạn chế làm tổn thương lan rộng. Khi bị bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị bệnh đúng cách.

 Theo suckhoedoisong.vn

ThS.DS. Mai Ngọc Tú