Tìm hiểu cách điều trị, phòng bệnh thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ (Cervical spondylosis) là bệnh lý mạn tính khá phổ biến gây ảnh hưởng tới hơn 85% người trên 60 tuổi. Bệnh tiến triển chậm, thường gặp ở người lớn tuổi và có thể liên quan đến tư thế vận động.

Thoái hóa cột sống cổ rất phổ biến ở người trên 60 tuổi

Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ

Bệnh có biểu hiện rất đa dạng, tùy theo vị trí cột sống cổ bị tổn thương mà có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời, thường gồm 4 hội chứng chính sau:

  • Hội chứng cột sống cổ: đau, có thể kèm theo co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ; đau tăng lên ở tư thế cổ thẳng hoặc cúi đầu kéo dài. Mệt mỏi, căng thẳng, lao động nặng, thay đổi thời tiết đặc biệt bị nhiễm lạnh cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
  • Hội chứng rễ thần kinh cổ: tùy theo vị trí rễ tổn thương (một bên hoặc cả hai bên) mà đau lan từ cổ xuống tay bên đó. Có thể đau tại vùng gáy, đau quanh khớp vai. Đau sâu trong cơ xương, người bệnh có cảm giác nhức nhối; có thể kèm cảm giác kiến bò, tê rần dọc cánh tay, có thể lan đến các ngón tay. Đau tăng lên khi vận động cột sống cổ ở các tư thế (cúi, ngửa, nghiêng, quay) hoặc khi ho, hắt hơi, ngồi lâu… Có thể kèm theo hiện tượng chóng mặt, yếu cơ hoặc teo cơ tại vai, cánh tay bên tổn thương.
Đau và co cứng cơ cạnh cột sống là triệu chứng thoái hóa cột sống cổ
  • Hội chứng động mạch đốt sống: nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt thường xảy ra vào buổi sáng; có khi kèm chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mờ mắt, nuốt vướng; đau tai, lan ra sau tai, đau khi để đầu ở một tư thế nhất định.
  • Hội chứng ép tủy: tùy theo mức độ và vị trí tổn thương mà biểu hiện chỉ ở tay hoặc cả thân và chân. Dáng đi không vững, đi lại khó khăn; yếu, liệt hoặc teo cơ chân tay, dị cảm.

Ngoài ra, người bệnh thoái hóa cột sống cổ cũng có những biểu hiện khác như dễ cáu gắt, thay đổi tính tình, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng làm việc…

Chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống cổ

Hiện tại vẫn chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán xác định bệnh lí thoái hóa cột sống cổ. Chẩn đoán cần dựa trên triệu chứng của người bệnh và kết quả chẩn đoán hình ảnh, bao gồm: chụp X-quang cột sống cổ, cộng hưởng từ hoặc CT-scan.

Kết quả chẩn đoán hình ảnh là một trong những tiêu chí để chẩn đoán xác định

Điều trị thoái hóa cột sống cổ

Nguyên tắc điều trị:

  • Cần phối hợp phương pháp nội khoa (dùng thuốc) và phục hồi chức năng, luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống cổ, tránh tái phát.
  • Áp dụng các liệu pháp giảm đau theo mức độ nhẹ – vừa – nặng. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, không sử dụng thuốc giảm đau kéo dài, cần sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất để giảm thiểu tác dụng không mong muốn.
  • Cần tăng cường các nhóm thuốc điều trị bệnh theo nguyên nhân.

Điều trị cụ thể

  • Dùng thuốc:

Người bệnh có thể được kê đơn các thuốc giảm đau như: paracetamol, tramadol, thuốc giảm đau chống viêm không steroid (diclifenac, ibuprofen,…); thuốc giãn cơ hay các thuốc corticoid tiêm cạnh cột sống. Bên cạnh đó, người bệnh có thể lựa chọn các vị thuốc hoặc bài thuốc đông y giúp điều trị nguyên nhân và tránh tái phát bệnh.

Lưu ý không dùng thuốc giảm đau kéo dài
  • Phục hồi chức năng:
    • Cần thực hiện các bài tập vận động vùng cổ, đặc biệt với bệnh nhân đã mang nẹp cổ thời gian dài, bệnh nhân có công việc ít vận động vùng cổ.
    • Nghỉ ngơi, giữ ấm, tránh thay đổi tư thế cột sống cổ đột ngột.
    • Các liệu pháp vật lý trị liệu: sử dụng nhiệt, sóng siêu âm… Có thể kéo giãn cột sống cổ, tuy nhiên, nên thực hiện với mức độ tăng dần từ từ.
Các biện pháp phục hồi chức năng nên được phối hợp với phác đồ điều trị thuốc
  • Điều trị ngoại khoa:

Phẫu thuật cột sống có thể được chỉ định với người bệnh thoái hóa cột sống cổ có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng, trượt đốt sống độ 3-4 hoặc đã thất bại với điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau 3 tháng.

Phòng bệnh

Sự thoái hóa hình thành theo độ tuổi là yếu tố khó có thể ngăn ngừa. Do đó, cách phòng bệnh chủ yếu tác động vào 2 yếu tố khác là: dị tật tại cột sống cổ và mức độ vận động. Do đó, cần phát hiện sớm và điều trị các dị tật này; tránh các tư thế cột sống cổ bị quá tải do vận động và trọng lượng như gánh, vác, nâng, đỡ… và tránh các động tác mạnh đột ngột tại cột sống này.