4 bệnh lý răng miệng thường gặp

Những kiến thức về răng miệng cũng như kỹ năng chăm sóc răng miệng ở nước ta vẫn chưa thật sự rộng rãi. Người dân không có thói quen đến bệnh viện để thăm khám định kỳ. Dưới đây là một số bệnh lý răng miệng thường gặp phải mà mọi người nên lưu ý.

Sâu răng

Hầu hết mọi người đều có nguy cơ mắc sâu răng, nhưng đối tượng phổ biến và thường gặp nhất vẫn là trẻ em. Nguyên nhân chính gây sâu răng là do thói quen vệ sinh răng miệng. Mảng bám thức ăn thừa trên răng không được vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn có sẵn trong khoang miệng sinh sôi nảy nở, hình thành chấm đen li ti. Theo thời gian, những lỗ sâu này phát triển rộng hơn, gây cảm giác đau nhức, khó khăn khi nhai. Những cơn đau hay ê buốt bất ngờ khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nóng cũng có thể là triệu chứng của sâu răng. Sâu răng nặng gây biến chứng viêm tủy đau dữ dội. Nếu không có sự can thiệp của nha sĩ, sâu răng sẽ ảnh hưởng đến các răng bên cạnh.

Cách phòng chống bệnh sâu răng mang lại hiệu quả cao nhất vẫn là giữ vệ sinh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kì 6 tháng/lần. Ngoài ra, nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và hạn chế ăn đồ ngọt, nước uống có ga vào buổi tối.

Cần khám răng định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý răng miệng.

Viêm lợi

Lợi là hàng rào bảo vệ ngoài cùng của tổ chức quanh răng chống lại vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn và các sang chấn. Viêm lợi xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa sự chống đỡ của hệ miễn dịch tại chỗ và vi khuẩn nằm trong mảng bám răng và vôi răng.

Mảng bám răng là một màng dính nằm trên bề mặt răng, gồm có vi khuẩn, chất nhầy và vụn thức ăn, trên màng dính này các chất cặn khoáng của nước bọt sẽ lắng đọng lên tạo thành vôi răng. Bệnh gây tổn thương đến mô bao quanh và nâng đỡ răng. Lợi của người bệnh sẽ bị sưng đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng. Viêm lợi tiến triển nặng có thể dẫn đến viêm quanh răng, mất răng.

Để phòng viêm lợi cần đi khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và cạo vôi răng, việc chải răng đúng cách cũng rất quan trọng, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng dưới nướu, hạn chế hiệu quả bệnh viêm lợi.

>> Xem thêm Biến chứng của bệnh viêm lợi là gì?

Viêm tủy răng

Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn từ bệnh về sâu răng, chúng thâm nhập vào từ lỗ sâu răng và qua các cuống răng… Ngoài ra, bệnh viêm tủy răng còn phát hiện bởi các nguyên nhân khác như do hóa chất (nhiễm độc chì, thủy ngân…), do yếu tố vật lý (sang chấn, thay đổi áp suất môi trường, vỡ hay mẻ răng, do chấn thương làm đứt mạch máu nuôi tủy răng, mòn răng quá nhiều, hay viêm tủy do viêm quanh răng… Viêm tủy răng cấp: Biểu hiện thường xuất hiện những cơn đau từng cơn dữ dội, đau chảy cả nước mắt, nước mũi, cơn đau càng tăng khi gặp nóng lạnh như thức ăn và nước uống lọt vào chỗ sâu. Nhiều trường hợp có mủ dẫn đến đau giật như mạch đập, như gõ trống trong tai, răng đau có cảm giác lung lay…

>> Xem thêm Chăm sóc răng miệng đúng cách như thế nào?

Tủy răng hoại tử

Đây là trường hợp răng không được điều trị viêm tủy và đã dẫn đến hoại tử. Sẽ không còn xuất hiện cơn đau ở bệnh nhân nữa. Tuy nhiên răng chết tủy không được điều trị sẽ dẫn đến các bệnh về viêm quanh chóp chân răng, áp-xe quanh chóp răng…

Tùy vào mức độ đau nhức của người bệnh, bác sĩ sẽ khám và chỉ định phương pháp điều trị chính xác và phù hợp nhất. Nếu cơn đau của bệnh nhân nhẹ, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn thì có thể theo dõi tủy răng, nếu răng bị sâu, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch ổ sâu  rồi trám kín bằng hydroxit canxi, hạn chế cho răng tiếp xúc với những đồ kích thích nóng, lạnh, chua, ngọt. Nếu những cơn đau giảm dần thì sẽ không cần lấy tủy răng nữa và theo dõi trong khoảng thời gian 1 tháng. Nếu cơn đau không có dấu hiệu giảm đi mà nó ngày càng tăng lên thì bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ tủy răng.

>> Xem thêm Bạn có biết 90% người dân Việt Nam gặp các vấn đề răng miệng

Lời khuyên phòng bệnh đơn giản tại nhà

Để phòng các bệnh lý răng miệng, biện pháp đầu tiên, đơn giản nhất để nâng cao sức khỏe răng miệng, đó là việc giữ vệ sinh răng miệng. Chải sạch răng ít nhất 3 lần mỗi ngày, kết hợp với sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám, thức ăn trên bề mặt răng và giữa các kẽ răng. Thường xuyên thay bàn chải mới, trung bình khoảng 3 tháng 1 lần.

Tiếp theo, cần giữ chế độ ăn cân bằng, hạn chế các bữa ăn vặt giữa bữa ăn chính. Duy trì việc đến nha sĩ kiểm tra tình trạng răng miệng 6 tháng 1 lần, để được tư vấn và điều trị kịp thời các bệnh lý về răng miệng. Ngoài ra, cần đến nha sĩ khi có một trong những biển hiện sau: đau răng – miệng, chảy máu nướu răng, miệng có mùi hôi, khô miệng, cảm giác ê buốt răng, cảm giác nóng rát trong miệng, thay đổi vị giác, giắt thức ăn thường xuyên giữa các kẽ răng, các vết loét, các vết thay đổi màu sắc trong miệng… Tất cả các dấu hiệu trên đều cần được khám, tư vấn để phát hiện sớm các bệnh lý nặng, ngăn ngừa biến chứng nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân.