5 sai lầm cần tránh khi giữ ấm bàn chân vào mùa đông

Rất ít người biết rằng đôi bàn chân có vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe. Bàn chân được coi là “lá phổi thứ hai” của cơ thể nên ai cũng cần giữ ấm bàn chân để phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là vào mùa đông. Để giữ ấm và chăm sóc bàn chân, bạn cần tránh ngay một số sai lầm thường gặp như dưới đây.

giữ ẩm bàn chân
Giữ ấm bàn chân vào mùa đông sẽ giúp phòng bệnh nhiều bệnh tật

Đổ lỗi cho thời tiết

Nhiệt độ thấp trong mùa đông là nguyên nhân chính khiến bàn chân bị lạnh. Bạn cần giữ ấm bàn chân ngay khi ra khỏi chăn hoặc sử dụng các dụng cụ/thiết bị làm ấm để hỗ trợ như: tất chân, túi chườm hoặc đèn sưởi.

Nếu chân bạn vẫn lạnh cóng mặc dù ngồi trong phòng ấm áp và đã áp dụng các biện pháp trên, thì rất có thể bạn đang mắc một vấn đề sức khỏe như: suy giảm chức năng tuyến giáp hay hội chứng Raynaud – bệnh lý co thắt mạch máu ngoại vi khi gặp lạnh hoặc các tình huống căng thẳng. Các bệnh lý mạn tính khác như đái tháo đường cũng có thể làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên và ảnh hưởng đến cảm giác của chân.

Nếu bạn bị một trong số những tình trạng này, bạn cần tới bác sĩ để kiểm tra, đồng thời, trao đổi về một số thuốc có tác dụng (hoặc tác dụng phụ) gây hạn chế dòng máu trong lòng mạch, dẫn đến trầm trọng thêm tình trạng này.

Để chân ướt kéo dài

Nếu chân bị ướt, bạn nên lau khô, thay dép và đi tất ngay khi có thể. Đi giày dép ướt, đặc biệt trong thời tiết lạnh có thể gây nên tình trạng “bợt da chân”. Đây là tình trạng da chân bị trắng bợt, teo da. Để chân ướt lâu ngày còn gây ra tình trạng nước ăn chân. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu không được điều trị sớm.

giữ ẩm bàn chân
Chân bị ướt kéo dài dễ dẫn đến “bợt da chân”

Làm ấm chân một cách đột ngột

Nếu chân bạn lạnh cóng do đi ngoài trời lạnh, một việc rất tự nhiên khi về đến nhà là làm cách nào đó cho chân ấm lên nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, việc cấp nhiệt cho bàn chân đóng băng một cách đột ngột có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

giữ ẩm bàn chân
Làm ấm đột ngột bàn chân lạnh có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe

Bàn chân lạnh khi được tiếp xúc ngay với một nguồn nhiệt như đèn sưởi nhiệt độ cao có thể làm giãn đột ngột các mạch máu nhỏ tại bàn chân. Điều này có thể dẫn đến tình trạng vỡ thành mạch, chảy máu trong và thậm chí là biểu hiện “phát cước”. Đây là hiện tượng xảy ra do thiểu năng tuần hoàn máu ngoại vi, dẫn đến mô và tế bào không được cấp máu đầy đủ, tình trạng này gây ra các triệu chứng: đau nhức, sưng, đỏ bàn chân.

Cách tốt nhất để làm ấm bàn chân đó là làm ấm một cách từ từ. Thay vì đưa ngay chân vào nguồn nhiệt, bạn nên xỏ chân vào dép bông đi trong nhà và đi lại để tăng cường tuần hoàn máu tới chân, từ đó chân sẽ ấm dần lên.

Đi giày dép ấm cả ngày

Giày dép ấm sẽ góp phần giữ ấm chân trong mùa đông, tuy nhiên, khi đó chân bạn sẽ rất dễ ra mồ hôi. Nhiệt độ ấm và ẩm ướt như vậy sẽ khiến chân dễ bị nhiễm khuẩn hoặc một số vấn đề khác.

Ngay khi tới một nơi ấm áp, bạn nên thay giày dép để tránh tình trạng ẩm ướt chân kéo dài. Đồng thời, bạn nên tháo tấm lót giày và lật úp giày dép lại để giày được khô thoáng, tránh cho nấm phát triển.

Đi giày cao gót thường xuyên

Đi giày đế cao có thể khiến bạn tự tin hơn, thanh lịch hơn, tuy nhiên, bạn nên cân nhắc lại, bởi giày cao gót có thể gây ra một số vấn đề bởi chúng giữ đôi chân ở trạng thái không tự nhiên. Bàn chân có xu hướng đổ về phía trước, dồn trọng lực về đầu ngón chân và phần xương cầu bàn chân. Tư thế này có thể làm chân bạn bị phồng rộp hoặc móng chân đâm vào thịt.

giữ ẩm bàn chân
Khi chọn giày cao gót cần sử dụng các biện pháp hỗ trợ để chăm sóc bàn chân

Bạn có thể bảo vệ đôi chân bằng cách sử dụng một miếng lót mũi giày bằng silicon và băng khớp ngón chân để bảo vệ chân khi đi giày cao gót. Tuy vậy, nếu vẫn thấy chân bị đau, co cứng, bạn nên chuyển sang một đôi giày đế thấp, thoải mái.

Tài liệu tham khảo:

1. Gillian Harvey, “Winter foot care mistakes to avoid”, Patient, Published on: 05-Dec-18

2. “Chilblains – Symptoms and causes”, Mayo Clinic, Nov. 27, 2018