8 Sai lầm làm chậm quá trình phục hồi sau phẫu thuật

Phẫu thuật dù lớn hay nhỏ thì đều cần có thời gian để cơ thể phục hồi. Tuy nhiên vì không tham khảo ý kiến bác sĩ, nhiều người mắc phải 8 sai lầm sau làm chậm quá trình phục hồi sau phẫu thuật.

phục hồi sau phẫu thuật
Sau thời gian phẫu thuật người bệnh cần thời gian để sức khỏe trở lại bình thường

1. Làm việc nặng quá sớm

Theo các bác sĩ, làm việc nặng quá sớm sau phẫu thuật làm tăng nguy cơ bị ngã và tổn thương. Vết thương sau mổ chưa lành đã có vết thương mới dễ khiến bạn phải quay lại bệnh viện.

Bạn có thể thực hiện các hoạt động đơn giản nhẹ nhàng nhưng cần tránh các hoạt động nặng gây mất sức. Bạn có thể đi bộ hàng ngày nhưng không được nâng bất cứ vật gì trên 3 kg.

Tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ về các hoạt động có thể làm và không nên làm sau phẫu thuật.

2. Nằm lâu trên giường

phục hồi sau phẫu thuật
Không nên nằm quá lâu trên giường sau phẫu thuật dễ gây nhiều biến chứng

Ngược lại với những người thích làm việc quá sớm là những người vì lo sợ nên lại nằm lâu sau phẫu thuật. Ngay khi bạn không cần nằm truyền nước và đặt ống thông thì nên ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh.

Nằm lâu trên giường có thể gây ra một loạt vấn đề như: các cục máu đông, viêm phổi, suy yếu cơ.

Ngay cả khi bạn thấy vô cùng mệt mỏi sau mổ thì cũng nên cố gắng hoạt động. Bởi khi bạn cố gắng tập đi và di chuyển xung quanh sẽ cảm thấy giảm bớt mệt mỏi. Khi di chyển cũng giúp ích cho tiêu hóa. Ruột của bạn có thể hoạt động kém sau khi phẫu thuật nhưng đi lại nhẹ nhàng sẽ giúp tăng nhu động ruột.

3. Không sử dụng thuốc đúng toa bác sĩ kê

Một số người bệnh sau phẫu thuật tự ý giảm thuốc giảm đau vì nghe nói có chất gây nghiện và dễ gây táo bón, buồn nôn hoặc nôn ói.

Nhưng cơn đau sau phẫu thuật có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ, sự thèm ăn và khả năng đi lại của bạn. Chính vì thế mà vết thương sau mổ lâu lành hơn.

4. Không đảm bảo dinh dưỡng với đồ ăn đồ uống mỗi ngày

phục hồi sau phẫu thuật
Đảm bảo dinh dưỡng sau phẫu thuật để nhanh có năng lượng hồi phục sức khỏe

Nếu bạn bị buồn nôn hoặc chưa đi nặng thì có thể bạn không cảm thấy thèm ăn. Nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo đủ năng lượng.

Thức ăn giúp cung cấp cho cơ bắp của bạn năng lượng và chất lỏng để giữ cho cơ thể đủ nước. Khi không đảm bảo dinh dưỡng, quá trình phục hồi hậu phẫu có thể bị đình trệ.

5. Không làm vật lý trị liệu

Nhiều người cho rằng mình có thể tự hồi phục sau mổ mà không cần tới vật lý trị liệu. Tuy nhiên, nên làm một hoặc hai buổi sau phẫu thuật sẽ giúp bạn nhanh hồi phục hơn.

Còn đối với người trải qua cuộc phẫu thuật lớn thì vật lý trị liệu là “chìa khóa” để nhanh hồi phục. Đây là cách giúp bạn khỏe hơn và hồi phục an toàn nên hãy thực hiện nghiêm túc.

6. Quay lại làm việc quá sớm

Đối với người vẫn còn đi làm thì việc muốn quay lại làm việc càng sớm càng tốt sau phẫu thuật được coi như một mục tiêu.

Tuy nhiên theo các chuyên gia thì quay trở lại với công việc quá sớm sau mổ không có hiệu quả cao. Bởi khi mới phẫu thuật, người bệnh chưa thể làm việc một cách nhanh nhẹn, chưa kể có thể đưa ra quyết định không chính xác.

Vì thế hãy lên kế hoạch nghỉ ngơi và nên hỏi bác sĩ khi nào mình có thể đi làm lại.

7. Lái xe ngay sau khi rời bệnh viện

phục hồi sau phẫu thuật
Người sau phẫu thuật không được lái xe ngay lập tức

Nếu bác sĩ yêu cầu bạn không được lái xe dù trong 2 tuần hay 2 tháng thì đều có nguyên nhân. Thời gian phản ứng sau khi mổ của bạn có thể chậm hơn và bạn dễ gây ra tai nạn. Vì thế, cho tới khi bạn sẵn sàng thì hãy nhờ người thân chở đi hoặc đi taxi, xe bus…

8. Bỏ qua các bài tập thở

Đối với người phẫu thuật bụng, tim, phổi hoặc cột sống, bác sĩ có thể yêu cầu cần tập các bài tập để giúp phục hồi sau khi gây mê, đặc biệt là các bài tập thở.

Bài tập thở giúp mở rộng phổi và loại bỏ chất nhầy tụ ở đó. Tập thở đúng cách cũng giúp bạn giữ được sự bình tĩnh, không bị căng thẳng, chán nản trong thời gian chờ đợi cơ phể phục hồi.

Đào Tâm