Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Nếu phụ huynh quá chủ quan trong việc phòng ngừa và chăm sóc, biến chứng bệnh tay chân miệng nguy hiểm có thể xảy ra.
Tay chân miệng là bệnh gì?
Bệnh tay chân miệng do virus thuộc họ Enterovirus gây ra. Các nguyên nhân phổ biến của bệnh tay chân miệng là:
- Coxsackievirus A16 thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tay chân miệng. Các coxsackievirus khác cũng có thể gây bệnh.
- Coxsackievirus A6 cũng có thể gây ra bệnh tay chân miệng với các triệu chứng nghiêm trọng.
- Enterovirus 71 (EV-A71) có liên quan đến các ca bệnh và đợt bùng phát ở Đông Nam Á. EV-A71 có liên quan đến các bệnh nghiêm trọng như viêm não, mặc dù hiếm gặp.
Bệnh tay chân miệng lây lan bằng cách nào?
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm. Một người bị nhiễm bệnh có thể truyền virus cho người khác qua các con đường sau:
- Chất tiết ở mũi và họng, chẳng hạn như nước bọt, nước dãi hoặc chất nhầy ở mũi
- Dịch từ mụn nước hoặc vảy
- Phân
Những người bị bệnh tay chân miệng thường dễ lây lan nhất trong tuần đầu tiên bị bệnh. Đôi khi người bệnh có thể truyền virus cho người khác trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi các triệu chứng biến mất hoặc ngay cả khi không có triệu chứng gì.
Một người có thể bị bệnh tay chân miệng do:
- Tiếp xúc với các giọt nhỏ có chứa virus từ mũi, miệng của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi
- Chạm vào người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc thân mật như hôn, ôm hoặc dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống
- Chạm vào phân của người bị bệnh, chẳng hạn như thay tã, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của mình.
- Chạm vào các đồ vật và bề mặt có virus, như tay nắm cửa hoặc đồ chơi, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của mình
- Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể lây truyền khi sử dụng nguồn nước bị nhiễm virus chẳng hạn như nuốt phải nước trong bể bơi nếu nước không được xử lý đúng cách bằng clo và bị nhiễm phân của người bị bệnh tay chân miệng.
>> Xem thêm Hướng dẫn cách bảo vệ trẻ khỏi bệnh tay chân miệng
Biến chứng của bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng thường không nghiêm trọng. Hầu hết các triệu chứng đều cải thiện trong vòng 7 đến 10 ngày. Các biến chứng do bệnh tay chân miệng rất hiếm, nếu có thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát vào ngày thứ 2 – 5 của bệnh.
Một số biến chứng có thể gặp là:
Mất nước
Một số người, đặc biệt là trẻ nhỏ, có thể bị mất nước nếu không nạp đủ chất lỏng vào cơ thể do vết loét miệng gây đau nên không muốn ăn hay uống.
Rụng móng tay và móng chân
Biến chứng này hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Biến chứng này chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Trong những trường hợp được báo cáo, người bệnh thường bị mất móng trong vòng vài tuần sau khi bị bệnh. Móng thường tự mọc lại, không cần phải can thiệp.
Viêm màng não do virus
Mặc dù rất hiếm, một số ít người mắc bệnh tay chân miệng bị viêm màng não do virus với các triệ chứng sốt, nhức đầu, cứng cổ hoặc đau lưng. Người nhiễm bệnh cần phải nhập viện trong vài ngày, thậm chí có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp sớm.
Viêm não hoặc tê liệt
Virus có thể khiến người bệnh bị viêm não hoặc tê liệt, không thể cử động các bộ phận của cơ thể.
Biến chứng bệnh tim mạch
Viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch, với các dấu hiệu: mạch nhanh, đổ mồ hôi, da nổi vân tím, chân tay lạnh, huyết áp cao có thể không đo được mạch và huyết áp… là những biến chứng có thể xảy ra do bệnh tay chân miệng.
Biến chứng trên hô hấp
Bệnh nhân thở nhanh, nôn, khò khè, ngực rút lõm, hơi thở rít thanh quản, không đều. Trong trường hợp phù phổi cấp, người bệnh sủi bọt hồng, khó thở, da tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng.
Để phòng tránh những biến chứng đáng tiếc do bệnh tay chân miệng gây ra, cần nhận biết được những dấu hiệu nặng của bệnh để cho bệnh nhân nhập viện ngay lập tức.
Các dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng là:
- Trẻ quấy khóc dai dẳng, nôn ói nhiều
- Thường xuyên giật mình ngay cả khi ngủ
- Sốt cao không hạ trên 39oC, không hạ sốt sau khi đã dùng thuốc hạ sốt thông thường
- Thở khó, thở rít, tay chân lạnh.
DS Phan Thu Hiền