Hướng dẫn cách bảo vệ trẻ khỏi bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus cực kỳ phổ biến (gây ra bởi coxsackievirus), đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể dẫn đến viêm màng não hoặc viêm não rất nguy hiểm.

Bất kỳ bạn nhỏ nào bị nhiễm tay chân miệng cũng phải trải qua giai đoạn cực kỳ khó chịu. Các nguyên tắc vệ sinh đơn giản nhưng cực kỳ cần thiết như rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng là cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ em khỏi bệnh tay chân miệng.

  1. Rửa tay thường xuyên

Bệnh tay chân miệng lây lan qua việc tiếp xúc với dịch tiết cơ thể, và chủ yếu qua phân bị nhiễm virus. Nếu rửa tay đúng cách và thường xuyên, bạn sẽ giảm đáng kể tỷ lệ mắc phải hoặc truyền virus. Người lớn thường có khả năng miễn dịch với bệnh tay chân miệng và hiếm khi biểu hiện các triệu chứng nhưng vẫn có thể truyền virus cho trẻ em. Rửa tay sau khi đi vệ sinh, hắt hơi hoặc ho, hoặc thay tã, sau khi tiếp xúc với các bề mặt có khả năng bị nhiễm virus có thể ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus.

Người lớn cần rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa việc lây lan virus cho trẻ nhỏ

Khi rửa tay bạn nên:

  • Sử dụng xà phòng và nước ấm.
  • Rửa tay trong ít nhất 20 giây.
  • Đảm bảo làm sạch cổ tay, giữa các ngón tay và dưới đầu móng tay.
  • Rửa lại bằng nước sạch và lau khô bằng khăn sạch
  1. Dạy trẻ rửa tay đúng cách và thường xuyên

Vì sức khỏe và sự an toàn của trẻ nhỏ, rửa tay đúng cách là một trong những nhiệm vụ đầu tiên bố mẹ nên dạy cho bé. Thiết lập thói quen rửa tay ngay từ khi con bé, con bạn sẽ giảm tỷ lệ mắc phải hoặc lây lan cho người khác rất nhiều bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh tay chân miệng. Trước tiên bố mẹ nên rửa tay cho trẻ sau đó hướng dẫn và giám sát cho đến khi bé có thể tự làm đúng cách. Ngoài ra, móng tay của bé nên được cắt tỉa và giữ gìn sạch sẽ.

  1. Giữ gìn vệ sinh khi ho và hắt hơi

Dịch tiết mũi và miệng cũng có thể làm lây lan virus gây bệnh tay chân miệng. Bố mẹ nên dạy trẻ ho hoặc hắt hơi vào tay áo hoặc khuỷu tay, hoặc khăn giấy sạch, không ho và hắt hơi vào bàn tay.

Bố mẹ nên dạy trẻ ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy thay vì lòng bàn tay

Ngoài ra cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi để giảm thiểu sự lây lan của bệnh. Có thể sáng tạo các câu chuyện, bài hát và trò chơi làm công cụ giảng dạy và nhắc nhở sẽ khiến trẻ ghi nhớ lâu hơn.

  1. Cẩn thận với những đồ vật dùng chung

Giữ ngón tay và các đồ vật dùng chung hạn chế tiếp xúc với miệng và mũi. Bất kỳ cha mẹ có con nhỏ nào cũng đều thấy rất khó khăn trong việc ngăn cản trẻ em ngoáy mũi, mút ngón tay cái hoặc đưa bất kỳ đồ vật nào vào mũi hoặc miệng. Đây chính là một trong những con đường lây lan bệnh tay chân miệng.

Người lớn và trẻ em nên hạn chế tối thiểu việc ăn chung, dùng chung cốc, bàn chải đánh răng, khăn hoặc quần áo. Làm sạch đồ chơi, đồ vật dùng chung và các bề mặt chung thường xuyên đặc biệt là trong trường học, nhà trẻ.

=> Xem thêm: Những sự thật chưa biết về bệnh tay chân miệng

Đồ chơi cho các bé nên được vệ sinh để hạn chế lây lan bệnh

  1. Cho trẻ có triệu chứng bệnh ở nhà

Nếu con bạn được chẩn đoán hoặc chỉ nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, hãy để bé nghỉ học, tránh xa đám đông. Bố mẹ nên thông báo cho nhà trường về tình trạng của con mình để có thể cảnh báo tới các phụ huynh khác và khử trùng lớp học.

  1. Không lơ là cảnh giác ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm

Giai đoạn biểu hiện triệu chứng của bệnh tay chân miệng có thể chỉ kéo dài từ 3 đến 5 ngày, hoặc thường xuyên hơn trong 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, ngay cả sau khi các triệu chứng giảm bớt, khả năng lây lan vẫn tồn tại trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Do đó cần giữ chế độ vệ sinh cao trong ít nhất vài ngày sau khi các triệu chứng biến mất. Trẻ khi đã khỏi các triệu chứng có thể quay lại trường học nhưng cần đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh để tránh lây lan bệnh cho bạn học.

DS Phan Thu Hiền