Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp trẻ nhiễm Adenovirus dẫn tới nhập viện, thậm chí tử vong. Vậy đây là bệnh gì và mức độ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ nhiễm bệnh.
Adenovirus là gì?
Adenovirus là một nhóm vi rút có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau. Hiện tại đã có hơn 50 chủng Adenovirus được phát hiện. Loại nhiễm trùng này xảy ra quanh năm chứ không cứ là vào thời điểm giao mùa.
Adenovirus lây nhiễm vào niêm mạc mắt, đường thở, phổi, ruột, đường tiết niệu và hệ thần kinh của bạn. Nhiễm loại vi rút ngày sẽ dễ dẫn tới sốt cao, ho, viêm họng, tiêu chảy và đau mắt đỏ.
Nhiễm trùng xảy ra ở trẻ em thường xuyên hơn ở người lớn, tuy nhiên bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh. Thường trẻ nhỏ trước khi lên 10 tuổi đều có thể mắc ít nhất 1 chủng Adenovirus.
Thông thường người nhiễm Adenovirus sẽ chỉ có các triệu chứng nhẹ và tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng hơn ở người có hệ miễn dịch kém. Chính vì thế trẻ nhỏ nhiễm chủng vi rút này rất dễ phải nhập viện để điều trị.
Con đường lây nhiễm của Adenovirus
Cũng như các loại vi rút khác thì Adenovirus rất phổ biến ở những nơi đông trẻ nhở như trường mẫu giáo, trung tâm vui chơi, trại hè…
Vi rút rất dễ lây lan. Chúng sẽ truyền sang cho người khác khi có ai đó đang nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Các giọt chứa vi rút sẽ bay vào không khí và đọng lại ở các bề mặt.
Trẻ nhỏ có thể nhiễm vi rút nếu chúng chạm tay vào người có nhiễm vi rút hoặc đồ chơi, đồ vật đã được người bị nhiễm bệnh cầm và sau đó chạm tay vào miệng, mũi và mắt. Adenovirus lây lan nhanh chóng với trẻ em vì đây là đối tượng thường xuyên cho tay lên mặt và cho tay vào miệng.
Người lớn cũng có nguy cơ nhiễm Adenovirus khi thay tã. Hoặc nếu bạn ăn thứ ăn bị nhiễm vi rút do người chế biến không rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh. Có thể bị nhiễm vi rút ở trong nước, chẳng hạn nếu đi tắm ở các hồ nhỏ hoặc bể bơi không được vệ sinh đúng cách. Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm vi rút kiểu này thường hiếm khi xảy ra.
Triệu chứng trẻ nhiễm Adenovirus
Mỗi loại Adenovirus có thể ảnh hưởng đến trẻ với hình thức khác nhau, chúng có thể gây ra một số bệnh:
- Viêm phế quản: Khiến cho trẻ bị ho, sổ mũi, ớn lạnh
- Cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác: Ngạt và chảy nước mũi, ho, đau họng và sưng hạch.
- Ho khan: Ho khan, khó thở, có âm thanh khi thở vào.
- Nhiễm trùng tai: Đau tai, khó chịu và sốt
- Đau mắt đỏ: Mắt đỏ, chảy dịch từ mắt, chảy nước mắt, cảm giác như có bụi ở trong mắt.
- Viêm phổi: Trẻ bị sốt, ho và khó thở.
- Nhiễm trùng dạ dày và ruột: Tiêu chảy, nôn mửa, nhức đầu, sốt, co thắt dạ dày.
- Viêm màng não và tủy sống: Nhức đầu, sốt, sưng cổ, buôn nôn và nôn mửa.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nóng rát và đau khi tiểu tiện, tiểu rắt tiểu són và có thể xảy ra tình trạng tiểu ra máu.
Nếu bạn cho rằng trẻ nhỏ có thể mắc Adenovirus gây ra một trong các triệu chứng này thì hãy đưa trẻ đi khám sớm. Đặc biệt với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi thì cần đi khám khẩn cấp.
Hãy gọi cho bác sĩ nếu trẻ có một trong các triệu chứng nguy hiểm sau:
- Khó thở
- Sưng quanh mắt
- Sốt cao không hết sau vài ngày
- Có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như tã ít hơn so với thường ngày, khóc không thấy nước mắt.
- Trẻ ngủ kém, quấy khóc, đau ngực, khó chịu ở vùng tai và chảy dịch tai
Các phương pháp chẩn đoán Adenovirus
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng sức khỏe cho trẻ và có thể thực hiện thêm một trong các xét nghiệm sau để biết được rằng có vi rút hoặc vi khuẩn gây ra nhiễm trùng hay không. Cụ thể:
- Xét nghiệm máu: Y tá sẽ lấy mẫu máu của trẻ từ tĩnh mạch trên cánh tay trẻ để làm xét nghiệm vi rút.
- Xét nghiệm nước tiểu: Cần lấy mẫu nước tiểu của trẻ để thực hiện xét nghiệm
- Que test mũi: Y tá sẽ dùng tăm bông để lấy mẫu chất nhầy từ mũi của trẻ để xét nghiệm vi rút có trong đó không.
- Xét nghiệm phân: Bố mẹ sẽ cần thu mẫu phân của trẻ tại nhà và thực hiện xét nghiệm sau đó trong khoảng 2 giờ để có kết quả chính xác nhất.
- Chụp X – quang ngực: Trẻ sẽ nằm trên bàn chụp X – quang để kỹ thuật viên sử dụng một lượng nhỏ bức xạ để chụp ảnh bên trong ngực của trẻ. Film chụp sẽ cho bác sĩ hình ảnh rõ hơn về tim và phổi của trẻ.
Cách điều trị khi trẻ nhiễm Adenovirus
Thuốc kháng sinh không có khả năng điều trị nhiễm vi rút nói chung và Adenovirus nói riêng vì những loại thuốc này chỉ tiêu diệt vi khuẩn. Trẻ em thường hết bệnh chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, đối với một số loại nhiễm trùng như đau mắt đỏ hoặc viêm phổi thì bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc hơn nữa.
Đối với các trẻ có hệ miễn dịch yếu kèm các triệu chứng tăng nặng sẽ cần điều trị tại bệnh viện để hồi phục nhanh chóng.
Đối với các bé có triệu chứng nhẹ hơn thì bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau giúp cải thiện triệu chứng cho trẻ:
- Cho bé uống nhiều chất lỏng: Trẻ bị mất nước do sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Khi đó trẻ rất dễ mất nước. Nên bổ sung cho bé nước điện giải, nước ép trái cây để giữ nước cho bé.
- Thông tắc mũi: Giúp trẻ xì mũi thường xuyên. Đối với trẻ sơ sinh chưa biết xì mũi thì hãy nhỏ vào giọt nước muối sinh lý vào mũi bé. Sau đó, mẹ dùng dụng cụ hút mũi để hút hết chất nhầy trong mũi cho bé.
- Sử dụng máy tạo ẩm phun sương: Hơi ẩm sẽ giúp làm dịu khi bị nghẹt mũi và giúp cho bé thở dễ dàng hơn.
- Hạ sốt: Mẹ nên hỏi bác sĩ xem có thể cho trẻ uống hạ sốt chứa acetaminophen (Efferagal, Paracetamol, Hapacol) hoặc chứa ibuprofen (Motrin) để giảm đau và hạ sốt hay không. Nên tránh không cho trẻ uống các loại thuốc chứa aspirin, bởi trẻ dùng loại thuốc này có thể dẫn tới một tình trạng bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye.
Đối với trẻ nhỏ bị mất nước nghiêm trọng có thể cần phải nằm viện để trị bệnh. Các phương pháp điều trị tại viện gồm:
- Truyền dung dịch IV: là loại chất lỏng đưa qua một ống mỏng, linh hoạt ở trong tĩnh mạch.
- Đặt sonde dạ dày: Một ống nhỏ được đặt qua mũi vào dạ dày của trẻ gọi là ống thông để truyền chất lỏng hoặc chất lỏng dinh dưỡng cho bé.
Biện pháp ngừa nhiễm Adenovirus ở trẻ nhỏ
Để ngăn chặn sự lây lan Adenovirus ở trẻ thì cần:
- Rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ nhỏ. Sử dụng xà phòng và nước ấm và chà rửa tay trong ít nhất 20 giây. Xả sạch và lau khô bằng khăn sạch.
- Rửa tay cho trẻ nhỏ thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Che miệng và mũi của trẻ mỗi khi bé hắt hơi và ho.
- Tránh cho bé tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm bệnh
Đối với trẻ đang điều trị nội trú trong bệnh viện, để tránh lây nhiễm chéo nhân viên y tế có thể cần phải mặc quần áo cách ly đặc biệt khi vào phòng bệnh. Chúng có thể gồm áo choàng bệnh viện, găng tay và khẩu trang.
Đào Tâm