Không chỉ gây bệnh đường hô hấp, Adenovirus còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý khác. Tìm hiểu về bệnh do Adenovirus và các triệu chứng khi mắc, sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả.
1. Adenovirus gây ra những bệnh gì?
Adenovirus có thể tồn tại trong môi trường khá lâu. Ở nhiệt độ phòng, Adenovirus tồn tại được khoảng 30 ngày, ở 37 độ C, virus sống được 15 ngày, ở -200 độ C có thể sống được nhiều năm. Adenovirus bị phá hủy với nước sôi 1000C, tia cực tím, cloramin, bị mất độc lực nhanh và chết ở 56 độ C trong 3 đến 5 phút.
Adenovirus thường được biết đến với khả năng gây viêm đường hô hấp. Nhưng thực tế, đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh đường tiêu hóa, mắt, đặc biệt là với trẻ em.
Adenovirus gây viêm họng cấp
Viêm họng cấp do Adenovirus thường gặp ở trẻ em và có thể lây lan nhanh thành dịch chủ yếu do tuýp 4 và 7. Biểu hiện thông thường của bệnh bao gồm:
- Sưng họng
- Ho
- Chảy nước mũi
- Đau đầu
- Một số trường hợp sốt cao đến 39 độ C
Bệnh có thể khỏi nhanh sau 3-4 ngày hoặc kéo dài 7-14 ngày.
Adenovirus gây viêm giác mạc – kết mạc
Bệnh viêm giác mạc – kết mạc hay đau mắt đỏ do virus Adeno thường là tuýp 8, 9 và 37 gây ra xuất hiện thành dịch chủ yếu vào mùa hè, phổ biến lây nhiễm qua nước ở hồ bơi, khăn mặt.
Bệnh có biểu hiện viêm cấp tính:
- Kết mạc đỏ một hoặc cả hai bên
- Chảy dịch trong
- Nếu không xử lý đúng cách có thể bội nhiễm vi khuẩn
Adenovirus gây viêm họng kết mạc
Thường do tuýp Adenovirus 3 và 7 gây nên. Triệu chứng tương tự như viêm họng kèm theo viêm kết mạc.
- Khởi phát sốt nhẹ trong khoảng 3-5 ngày
- Viêm mũi
- Viêm họng
- Sưng hạch 2 bên cổ
- Đau mắt
- Sợ ánh sáng
- Mắt nhìn mờ
Sau khoảng 7 ngày tạo thành những đám thâm nhiễm tròn trên giác mạc và kéo dài khoảng 2 tuần, trường hợp nặng có thể để lại những vết mờ giác mạc, giảm đi trong vài tuần hoặc để lại sẹo vĩnh viễn.
Adenovirus gây viêm phổi
Thường do các tuýp 3, 4, 7 và 14 gây ra, chiếm tỷ lệ 10% các trường hợp viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ.
- Sốt cao 39 độ C
- Chảy nước mũi
- Sưng hạch
- Ho
Có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng với tỷ lệ tử vong lên đến 8 – 10%.
Adenovirus gây bệnh viêm dạ dày, ruột
Adenovirus là nguyên nhân phổ biến thứ 2 sau Rotavirus trong các bệnh tiêu chảy do virus ở trẻ nhỏ. Các biểu hiện thường gặp bao gồm:
Đi ngoài nhiều nước kéo dài khoảng 7 ngày
- Sốt
- Nôn, buồn nôn
- Có thể kèm theo các bệnh viêm đường hô hấp và viêm kết mạc
Các tuýp Adenovirus gây viêm dạ dày ruột phổ biến gồm tuýp 31, 40, 41. Virus sẽ được đào thải qua phân và tạo ra các chu trình lây nhiễm mới.
Adenovirus gây viêm bàng quang ở trẻ em
Adenovirus có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang ở trẻ, phổ biến là 2 tuýp 11 và 12, thường gây bệnh ở bé trai nhiều hơn. Triệu chứng thường gặp là:
- Đi tiểu ra máu
- Đau buốt
- Tiểu rắt
Ngoài ra Adenovirus cũng có thể gây bệnh ở niệu đạo, tử cung, lây truyền qua đường tình dục hay ở một số người có thể nhiễm virus nhưng không có biểu hiện bệnh gọi là thể ẩn tạo thành nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng.
Với những người đã mắc Adenovirus, sau khi điều trị khỏi sẽ có miễn dịch cao với tuýp gây bệnh nhưng không có miễn dịch chéo với các tuýp còn lại.
2. Adenovirus lây nhiễm như thế nào?
Trong thời kỳ mang bệnh và người mang virus thể ẩn không phát bệnh là những nguồn lây Adenovirus trong cộng đồng.
Adenovirus lây lan qua đường hô hấp, qua nguồn nước bị nhiễm virus, đặc biệt qua các vùng nước hồ bơi, tiếp xúc gián tiếp với đồ dùng có chứa virus của người nhiễm bệnh.
Adenovirus có đặc tính dễ lây lan, tồn tại lâu, dễ bùng phát thành dịch, do vậy nếu phát hiện bản thân hoặc những người xung quanh có các biểu hiện nghi ngờ, cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
3. Ai dễ bị nhiễm Adenovirus?
Adenovirus có thể gây bệnh cho mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp hơn ở những đối tượng có hệ miễn dịch kém hoặc chưa hoàn thiện như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính.
4. Phòng tránh lây nhiễm Adenovirus
- Sử dụng nguồn nước sạch, hạn chế sử dụng nước hoặc đồ dùng nơi công cộng
- Hạn chế đến các khu vực có dịch, nhất là địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như hồ bơi trong vùng dịch
- Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung khăn mặt với người khác
- Thường xuyên vệ sinh mũi, họng
- Giữ vệ sinh đồ dùng cá nhân, thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng, phơi dưới ánh nắng.
- Hạn chế tiếp xúc người khác khi có biểu hiện viêm đường hô hấp và hạn chế tiếp xúc với những người nghi nhiễm bệnh.
5. Điều trị các bệnh lý do Adenovirus
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh do Adenovirus.
Khi phát sinh bệnh, chủ yếu người bệnh được dùng thuốc điều trị triệu chứng, chăm sóc và nâng cao thể trạng, hạn chế nguồn lây bệnh.
Trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn kết hợp.
Adenovirus rất dễ lây lan cho cộng đồng do khả năng tồn tại tốt ngoài môi trường đồng thời có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm đặc biệt là ở trẻ em và những người có sức đề kháng yếu.
Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh và theo dõi các triệu chứng, nếu có những dấu hiệu nặng cần tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị phù hợp.
DS Thanh Loan