Thoái hóa khớp gối là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi gây đau và dần dẫn đến mất khả năng vận động. Tìm hiểu ngay phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Hiệp hội Cơ Xương Khớp Châu Âu.
Triệu chứng và diễn biến bệnh thoái hóa khớp gối
Thoái hoá khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, chuyển hoá và chấn thương.
Triệu chứng điển hình bao gồm:
- Đau khớp
- Lục khục khớp khi vận động
- Cứng khớp dưới 30 phút diễn biến ngày càng nặng theo tuổi tác
Thoái hóa khớp có thể dẫn đến nhuyễn hoá, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn làm mất khả năng vận động.
Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% các trường hợp thoái hóa khớp gối.
Phân loại thoái hóa khớp gối
Thoái hoá khớp gối nguyên phát
Đây là tình trạng xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi, nhưng chiếm phần lớn các trường hợp. Bệnh có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều khớp, tiến triển chậm.
Yếu tố di truyền, nội tiết và chuyển hoá (mãn kinh, đái tháo đường…) làm gia tăng tình trạng thoái hóa.
Thoái hoá khớp gối thứ phát
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân có thể do các chấn thương (như gãy xương khớp) khiến trục khớp thay đổi, các bất thường trục khớp gối bẩm sinh hoặc sau các tổn thương viêm khác tại khớp gối (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm mủ, bệnh gút…).
Tìm hiểu phác đồ điều trị thoái hóa khớp gối theo Hiệp hội Cơ Xương Khớp Châu Âu
Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp gối là cải thiện triệu chứng, hạn chế khả năng biến dạng khớp, cải thiện chức năng vận động, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Lựa chọn thuốc hoặc phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối theo diễn biến của triệu chứng với 4 bước như lưu đồ bên dưới.
Lưu ý: Đây là phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Hiệp hội Cơ Xương Khớp Châu Âu. Phác đồ này chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để áp dụng hoặc không.
1. Điều trị thoái hóa khớp gối bước 1
Bệnh nhân có thể giảm đau bằng paracetamol hoặc phối hợp với các thuốc giảm triệu chứng tác dụng chậm (SYSADOA) phổ biến nhất là glucosamine, diacerein. Nếu vẫn còn triệu chứng đau có thể kết hợp sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) tại chỗ.
Paracetamol
Khi sử dụng liên tục để giảm đau có nguy cơ cao gây tác dụng phụ trên gan đặc biệt là ở người cao tuổi. Một số bằng chứng ghi nhận tổn thương gan (tăng men gan) đáng kể và suy giảm chức năng gan ở bệnh nhân sử dụng kéo dài trên 6 tháng.
Trên thực tế bệnh nhân Việt Nam đặc biệt là người cao đa phần đã có sẵn tâm lý sợ thuốc giảm đau ảnh hưởng đến chức năng gan/thận/dạ dày và ngại sử dụng thuốc giảm đau, không muốn sử dụng liên tục, không coi đây là nhóm thuốc điều trị bệnh lý. Do vậy, bệnh nhân thường chỉ sử dụng thuốc giảm đau khi các triệu chứng rất khó chịu, việc kết hợp thuốc giảm đau, bao gồm cả các thuốc dùng tại chỗ khiến nhiều người e ngại.
Glucosamine
Glucosamin sulfate 1500mg thuộc nhóm thuốc giảm triệu chứng chậm, thời gian phát huy hiệu quả sau khoảng 2-3 tháng. Các bằng chứng cho thấy chỉ glucosamine sulfate 1500mg giúp giảm triệu chứng thoái hóa khớp gối. Nếu sau 2-3 tháng các triệu chứng không cải thiện, thì không nên dùng thuốc.
Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm trên thị trường có hàm lượng glucosamine thấp (250 – 500mg/viên) và phổ biến ở dạng muối Glucosamin HCL ở dạng thực phẩm bổ sung.
Một số thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng glucosamine hydrochloride không giúp giảm triệu chứng thoái hóa khớp. Lưu ý, loại glucosamin này khá phổ biến trong nhiều sản phẩm.
Diacerein
Diacerein cũng thuộc nhóm thuốc có tác dụng chậm, thời gian phát huy tác dụng sau khoảng 4 tuần. Tuy nhiên, tại Mỹ, loại thuốc này không được ưu tiên vì có thể gây tác dụng phụ là tiêu chảy.
2. Điều trị thoái hóa khớp gối bước 2
Uống thuốc giảm đau không steroid (NSAID)
Khi việc sử dụng paracetamol, thuốc giảm đau tại chỗ và các thuốc tác dụng chậm không có tác dụng, người bệnh thường được chỉ định uống thuốc giảm đau NSAIDs.
Việc lựa chọn loại thuốc cụ thể nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh. Lạm dụng thuốc NSAIDs có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, suy giảm chức năng thận, nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, rung nhĩ và tử vong.
Do tác dụng phụ ở dạ dày khá phổ biến, nên người bệnh thường được yêu cầu dùng kèm thuốc ức chế bơm proton để giảm tác dụng phụ.
Tiêm acid hyaluronic, corticoid vào khớp
Khi các triệu chứng nặng hơn, người bệnh có thể được chỉ định tiêm hyaluronate hoặc tiêm corticoid.
Tiêm hyaluronate có chi phí tùy thuộc vào loại thuốc và đơn vị điều trị từ khoảng 1tr – 7tr/ liều tiêm. Một đợt tiêm 3 – 5 mũi. Tiêm collagen nội khớp bản chất chính là tiêm hyaluronate. Biện pháp này có chi phí điều trị cao, phải được tiến hành tại các cơ sở chuyên khoa uy tín.
Tiêm corticoid có thể gây ra một số nguy cơ nếu không thực hiện đúng cách, như nhiễm khuẩn khớp, rách gân, tổn thương cơ, nặng hơn có thể để lại các di chứng.
Việc thực hiện tiêm nội khớp cần cẩn trọng, bởi có thể gây ra các tác dụng phụ toàn thân như giữ muối và nước, xáo trộn cân bằng điện giải, làm giảm khả năng miễn dịch, nguy cơ dị ứng, tăng nguy cơ tăng huyết áp, suy tim co thắt, tăng đường huyết…
Tiêm corticoid không dành cho người nhiễm vi khuẩn, siêu vi, nấm, bệnh gút, vẩy nến, người bệnh tiểu đường, người bệnh tim mạch, phụ nữ có thai, đang cho con bú.
3. Điều trị thoái hóa khớp gối bước 3
Người bệnh có thể được chỉ định dùng các thuốc giảm đau opioid như tramadol hoặc bổ sung các thuốc giảm đau thần kinh khác phổ biến là nhóm thuốc chống trầm cảm như duloxetine.
4. Điều trị thoái hóa khớp gối bước 4
Bước cuối cùng trong điều trị thoái hóa khớp là phẫu thuật thay toàn bộ khớp. Nếu bệnh nhân phẫu thuật, thì bác sĩ thường chỉ định các thuốc giảm đau mức độ cao nhất với nhóm giảm đau opioid (morphin và các thuốc tương tự).
Tìm hiểu điều trị thoái hóa khớp gối bằng thuốc y học cổ truyền
Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính diễn biến nặng dần, cần điều trị lâu dài. Vì bệnh diễn biến ngày càng nặng nên việc dùng nhiều thuốc giảm đau, kháng viêm có thể dẫn đến nhờn thuốc, tăng nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Các biện pháp như tiêm hay phẫu thuật khớp lại có chi phí khá cao.
Do vậy, xu hướng hiện nay được nhiều người bệnh lựa chọn là áp dụng thuốc Đông y, với đặc tính an toàn và phù hợp với bệnh mạn tính. Người bệnh có thể sử dụng thuốc Tây y trong các đợt cấp để giảm nhanh triệu chứng sưng đau, kết hợp thêm thuốc Đông y để tác động dần dần vào cơ địa, hỗ trợ giảm các vấn đề do thoái hóa xương khớp.
Ds. Thanh Loan