Tuyến giáp là tuyến nội tiết vô cùng quan trọng với cơ thể, có vai trò thiết yếu trong việc chuyển hóa và phát triển. Bởi vậy, phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh sẽ giúp việc điều trị hiệu quả, tránh những biến chứng xấu ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình cánh bướm nằm tại cổ, ngay trên xương quai xanh. Đây là một trong các tuyến nội tiết của cơ thể, nơi sản sinh ra hormon. Hormon tuyến giáp kiểm soát tốc độ nhiều hoạt động chuyển hóa của cơ thể, bao gồm: tốc độ đốt cháy năng lượng và nhịp tim đập. Đối với trẻ em, hormon tuyến giáp giúp kiểm soát sự phát triển của cơ thể, cấu trúc của xương, sự phát triển đặc trưng giới (thời kỳ dậy thì) và nhiều chức năng khác.
Có những bệnh lý nào tại tuyến giáp?
Mắc các vấn đề tuyến giáp có thể gây ra nhiều triệu chứng như: thay đổi đột ngột về cân nặng, năng lượng, tình trạng tiêu hóa và cảm xúc. Đây có thể là triệu chứng của một trong những bệnh lý:
- Bướu cổ
- Cường giáp
- Suy giáp
- Ung thư tuyến giáp
- Nhân giáp (nang)
- Viêm giáp
Những bệnh lý tuyến giáp thường xảy ra ở nữ giới hoặc người trên 60 tuổi. Bệnh cũng có khả năng di truyền. Nguyên nhân của những tình trạng này thường do rối loạn tự miễn (hệ miễn dịch tự tấn công và phá hủy các tế bào bình thường của chính cơ thể).
Bướu cổ
Là tình trạng tuyến giáp to bất thường. Tình trạng này có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng đôi khi lại là triệu chứng của một bệnh lý tuyến giáp khác như nang giáp, viêm tuyến giáp hoặc ung thư tuyến giáp. Triệu chứng chủ yếu là sưng tại vùng cổ. Bướu có thể to tới mức nhìn thấy hoặc sờ thấy. Trường hợp bướu cổ rất to có thể gây cảm giác nghẹn, ho, khó nuốt hoặc khó thở.
Cường giáp
Là tình trạng hormon tuyến giáp được bài tiết quá mức, nhiều hơn lượng cơ thể cần cho các quá trình chuyển hóa.
Ban đầu, những biểu hiện cường giáp chưa xuất hiện rõ ràng nên thường bị bỏ qua. Theo thời gian, tình trạng tăng chuyển hóa có thể gây ra những triệu chứng như:
- Ăn nhiều nhưng sụt cân;
- Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực hoặc loạn nhịp;
- Cảm giác lo lắng, bồn chồn, cáu gắt; khó ngủ;
- Đổ mồ hôi nhiều;
- Tiêu chảy hoặc tăng nhu động ruột;
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hoặc ít hơn bình thường…
Bên cạnh đó, cường giáp còn làm tăng nguy cơ loãng xương. Thực tế, cường giáp có thể ảnh hưởng tới xương trước khi người bệnh có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ sau mãn kinh hoặc người có nguy cơ loãng xương cao.
Suy giáp
Suy giáp hay còn gọi là thiểu năng tuyến giáp, xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormon tuyến giáp. Cũng như cường giáp, triệu chứng của suy giáp hình thành rất chậm, khoảng vài năm. Đầu tiên, người bệnh có thể có biểu hiện mệt mỏi, trở nên chậm chạp. Sau đó là những biểu hiện của tình trạng chuyển hóa chậm, bao gồm: lạnh người, táo bón, yếu cơ, tăng cân (mặc dù không ăn nhiều hơn), đau cơ khớp, da khô và nhợt, nhịp tim chậm,…
Ngoài nguyên nhân do yếu tố tự miễn, suy giáp còn có thể là hậu quả của quá trình điều trị cường giáp hoặc quá trình xạ trị điều trị một số loại ung thư nhất định hoặc cắt bỏ tuyến giáp.
Nhân giáp (hoặc nang giáp)
Đây là bệnh lý tuyến giáp rất phổ biến đặc trưng bởi sự sưng lên 1 phần của tuyến giáp. Nang có thể cứng hoặc chứa đầy dịch lỏng hoặc máu. Người bệnh có thể có 1 hoặc nhiều nang giáp.
Hầu hết các nang giáp không gây nên triệu chứng gì và không phải ung thư. Một số trường hợp nang giáp sản xuất quá nhiều hormon tuyến giáp gây nên tình trạng cường giáp hoặc khi nang quá to sẽ gây khó nuốt hoặc khó thở. Đôi khi người bệnh có thể tự nhìn thấy hoặc cảm thấy nang giáp bằng cách soi gương và nâng nhẹ cằm, nang giáp sẽ di chuyển lên xuống khi nuốt.
Tài liệu tham khảo:
1. “Thyroid Diseases”, Dept. of Health and Human Services Office on Women’s Health, last reviewed: 13 June 2018
2. “Thinking About Your Thyroid: Get to Know This Small but Mighty Gland”, National Institutes of Health, September 2015
3. “Thyroid Disease” Kids Health, accessed date: 27 December 2019