Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Tìm hiếu viêm phế quản là gì, cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả cho bé.
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là khi các ống dẫn khí tới phổi (còn gọi là ống phế quản) bị viêm và sưng lên. Người bị viêm phế quản sẽ bị sổ mũi, ho dai dẳng và có nhiều đờm.
Phân loại viêm phế quản:
- Viêm phế quản cấp: phổ biến hơn. Các triệu chứng thường kéo dài trong vài tuần nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng.
- Viêm phế quản mạn tính: nghiêm trọng hơn do bệnh dễ tái phát hoặc không hết hẳn.
Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản
Triệu chứng của viêm phế quản cả cấp và mạn tính đều liên quan tới các vấn đề về hô hấp, có thể kể tới như:
- Tức ngực
- Ho có đờm có thể trong suốt, trắng, vàng hoặc xanh lá
- Khó thở
- Thở khò khè hoặc nghe thấy tiếng huýt sáo khi thở
Các triệu chứng của viêm phế quản cấp có thể còn bao gồm:
- Đau nhức cơ thể và ớn lạnh
- Sốt nhẹ
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi
- Đau họng
Ngay cả khi các triệu chứng khác của viêm phế quản cấp không còn, ho vẫn có thể kéo dài sau đó vài tuần khi các ống phế quản đang lành lại và hết sưng. Nếu bệnh diễn tiến lâu hơn thì có thể là nguyên nhân khác.
Nếu bạn mới bị ho, sốt hoặc khó thở, hãy đi khám xem có khả năng bị nhiễm virus Covid-19 hay không?
Đối với bệnh viêm phế quản mạn tính, ho kéo dài ít nhất 3 tháng và tái phát ít nhất 2 năm liên tiếp.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản
Thông thường, virus cảm lạnh hoặc cúm gây ra viêm phế quản cấp tính. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể gây ra viêm phế quản.
Trong cả hai trường hợp, khi cơ thể chống lại virus hay vi khuẩn thì các ống phế quản bị sưng lên và tiết nhiều chất nhầy. Đồng nghĩa là đường thở bị thu hẹp để hô hấp qua phổi dẫn tới hiện tượng khó thở.
Các nguyên nhân dẫn tới viêm phế quản mạn tính gồm:
- Không khí ô nhiễm và chất độc hại gây hại cho phổi như khói, bụi hóa học.
- Hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc thụ động trong thời gian dài.
Yếu tố nguy cơ dẫn tới viêm phế quản
Viêm phế quản cấp và mạn tính dễ xảy ra đối với người:
- Hút thuốc
- Bị hen suyễn và viêm mũi dị ứng
- Người có hệ miễn dịch yếu. Tình trạng này xảy ra cả với người lớn tuổi và mắc các bệnh mạn tính cũng như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngay cả khi cảm lạnh cũng có thể gây biến chứng viêm phế quản.
- Trong gia đình có người bị bệnh phổi.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Gọi cho bác sĩ khi người bệnh bị ho kèm theo những triệu chứng:
- Ho ra máu hoặc chất nhầy đặc hoặc sẫm màu
- Mất ngủ
- Ho kéo dài quá 3 tuần
- Đau ngực
- Không nói được
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Sốt trên 38°5C
- Thở khò khè hoặc khó thở
Viêm phế quản có thể dẫn đến viêm phổi dù trường hợp này hiếm. Thông thường, bệnh không gây biến chứng nguy hiểm.
Chẩn đoán bệnh viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản được chẩn đoán dựa vào thăm khám và theo dõi các triệu chứng của người bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi về cơn ho như bị ho bao lâu và đờm như thế nào. Bác sĩ cũng nghe phổi để xem có bất thường gì không.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần làm một số xét nghiệm tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Một số xét nghiệm gồm:
- Kiểm tra nồng độ oxy trong máu: Thực hiện với cảm biến trên ngón chân hoặc ngón tay
- Xét nghiệm chức năng phổi: Người bệnh sẽ hít thở vào thiết bị gọi là phế dung để kiểm tra khí phế thũng và hen suyễn
- Chụp X-quang phổi: Để kiểm tra viêm phổi hoặc bệnh khác có khả năng gây ho
- Xét nghiệm máu: Để xác định dấu hiệu nhiễm trùng hoặc đo lượng Oxy và Co2 trong máu của bạn
- Xét nghiệm đờm để loại trừ các bệnh do vi khuẩn gây ra: Có thể do ho gà (bệnh gây những cơn ho dữ dội, khó thở).
Điều trị viêm phế quản
Trong hầu hết các trường hợp, viêm phế quản cấp tính tự biến mất trong vòng vài tuần.
Nếu bệnh là do vi khuẩn (trường hợp hiếm) bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh. Trong trường hợp, người bệnh bị hen suyễn hoặc dị ứng, thở khò khè thì bác sĩ sẽ kê thuốc xịt hen phế quản. Đây là phương pháp giúp mở đường thở và dễ thở hơn.
Một số phương pháp giảm các triệu chứng viêm phế quản cấp gồm:
- Uống nhiều nước: Uống từ 8 – 12 cốc nước mỗi ngày giúp làm loãng đờm và dễ ho hơn.
- Nghỉ ngơi nhiều
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn: Dùng aspirin, ibuprofen hoặc naprofen để trị viêm. Bạn có thể dùng acetaminophen để điều trị cả cơn đau và sốt.
- Dùng máy tạo độ ẩm hoặc hơi nước: Tắm nước nóng giúp thông mũi và làm loãng đờm.
- Uống thuốc ho không kê đơn: Có thể dùng siro ho hoặc thuốc long đờm để làm lỏng chất nhầy và dễ ho hơn.
Phương pháp điều trị viêm phế quản mạn tính nhằm giảm các triệu chứng:
- Các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản để làm giãn đường thở
- Dụng cụ làm sạch chất nhầy giúp bệnh nhân ho ra đờm dễ dàng hơn.
- Liệu pháp oxy giúp dễ thở hơn.
Phòng ngừa viêm phế quản
Để giảm nguy cơ bị viêm phế quản cấp tính hoặc bùng phát bệnh viêm phế quản mạn tính, bạn hãy:
- Tránh xa khói thuốc lá
- Tiêm vắc xin cúm hàng năm
- Rửa tay thường xuyên
- Hãy đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đặc biệt là khi ở gần những nơi khói bụi độc hại.
Đào Tâm