Que thử thai là dụng cụ hữu hiệu giúp phát hiện mang thai sớm, thậm chí trước khi chậm kinh. Nếu sử dụng đúng, que thử thai sẽ cho kết quả chính xác tới 99%.
1. Que thử thai hoạt động như thế nào?
Tất cả các loại que thử thai đều hoạt động trên nguyên tắc phát hiện sự có mặt của hormone human chorionic gonadotrophin (hCG) trong nước tiểu. Hormone này có nguồn gốc từ hợp bào nuôi, bắt đầu được tiết ra sau khi trứng được thụ tinh và làm tổ tại tử cung. Quá trình này kéo dài khoảng 6 ngày kể từ khi trứng được thụ tinh.
Kết quả thử sẽ có tối đa 2 vạch hiển thị: Vạch thứ nhất luôn luôn xuất hiện với màu đậm thể hiện que thử vẫn có hiệu quả; vạch thứ hai xuất hiện do phản ứng của chất chỉ thị màu với hormone hCG. Do đó, nếu vạch thứ 2 xuất hiện chứng tỏ bạn đã có thai, nếu không có vạch này, có thể bạn không có thai.
Kết quả dương tính hầu như là sự khẳng định bạn đã có thai, tuy nhiên kết quả âm tính chưa thể khẳng định bạn không mang thai. Nếu vẫn nghi ngờ, bạn nên thử lại lần thứ 2 vào thời điểm khác phù hợp hơn hoặc tới cơ sở y tế để làm xét nghiệm.
>> Xem thêm Phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục ở phụ nữ có thai và cho con bú
2. Khi nào tôi có thể dùng que thử thai?
Bạn có thể kiểm tra xem mình đã có thai hay chưa bằng que thử thai ngay từ ngày chậm kinh đầu tiên. Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không rõ ngày đầu của chu kỳ tới, bạn có thể kiểm tra bằng que thử sau tối thiểu 21 ngày kể từ ngày quan hệ gần nhất không sử dụng các biện pháp tránh thai để có kết quả chính xác nhất. Việc kiểm tra sớm hơn có thể cho kết quả chưa rõ ràng hoặc âm tính giả.
Một số loại que thử có độ nhạy cao có thể phát hiện tình trạng có thai sớm, trước khi bạn bị chậm kinh hoặc 10 ngày sau khi quan hệ mà không dùng biện pháp tránh thai. Bạn lưu ý kiểm tra thông tin trên que thử để có lựa chọn phù hợp.
Bạn có thể thử thai vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không nhất thiết là buổi sáng. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác và rõ ràng nhất, bạn nên lấy mẫu nước tiểu và thử thai vào buổi sáng bởi lúc này, nước tiểu đậm đặc nhất trong ngày. Nếu bạn thử vào thời điểm khác trong ngày, không nên uống nhiều nước hoặc các loại đồ uống khác để tránh hòa loãng nồng độ hCG trong nước tiểu.
>> Xem thêm Ảnh hưởng của u nang buồng trứng tới thai kỳ của bạn
3. Độ chính xác của que thử thai ra sao?
Que thử thai có độ chính xác rất cao, tới 99%. Kết quả này chính xác nhất nếu bạn thử sau khi chậm kinh. Kết quả sẽ thiếu chính xác nếu que thử hết hạn hoặc bạn sử dụng không đúng cách. Do đó, hãy chắc chắn rằng bạn kiểm tra hạn sử dụng khi mua que thử và sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Một số lưu ý:
- Nếu bạn lấy mẫu nước tiểu mà không thử trong vòng 15 phút thì có thể dẫn đến kết quả sai lệch.
- Khi thử thai bằng que thử, nồng độ hCG trong nước tiểu cần đạt đủ lớn để có thể cho kết quả dương tính. Hormone hCG bắt đầu được bài tiết khi trứng đã thụ tinh làm tổ tại tử cung, nồng độ hormone trong máu và nước tiểu sẽ tăng gấp đôi sau 2-3 ngày trong thời gian tiếp theo. Xét nghiệm máu có độ nhạy cảm cao hơn, có thể phát hiện được sự có mặt của hCG ngay từ khi nồng độ hormone này còn rất thấp. Điều này có nghĩa, xét nghiệm máu có thể phát hiện được có thai hay không từ rất sớm, khoảng 6-8 ngày sau khi trứng rụng.
>> Xem thêm Nguyên nhân và cách điều trị vô sinh nữ
4. Thuốc có ảnh hưởng đến kết quả thử thai không?
Hầu hết các loại thuốc không ảnh hưởng đến kết quả thử thai, bao gồm cả kháng sinh và thuốc tránh thai.
Tuy vậy, vẫn có một số loại thuốc gây kết quả dương tính trong khi bạn không hề có thai. Những loại thuốc đó bao gồm:
- Promethazine: thường dùng trong điều trị dị ứng
- Thuốc điều trị Parkinson
- Thuốc giải lo âu như diazepam
- Thuốc chống loạn thần như clozapine
- Thuốc lợi tiểu: thường dùng trong điều trị suy tim hoặc tăng huyết áp
- Thuốc chống động kinh
- Thuốc hỗ trợ sinh sản.
Nếu bạn sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản (chứa hCG) và muốn thử thai, bạn cần chờ 14 ngày sau khi kết thúc điều trị để có kết quả chính xác.
Tài liệu tham khảo:
1. “Pregnancy Tests”, Planned Parenthood. Accessed date: 5th December 2019
2. “Doing a pregnancy test – Your pregnancy and baby guide”, The National Health Service (NHS), last reviewed: 1 October 2018
3. “How accurate are home pregnancy tests?”, The National Health Service (NHS), last reviewed: 13 November 2018
4. “Home pregnancy tests: Can you trust the results?”, Mayo Clinic 12 January, 2019
5. “Will a pregnancy test work if I’m on the pill?” The National Health Service (NHS), last reviewed: 10 July 2018