Giải đáp thắc mắc “Giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?”

Giảm tiểu cầu là tình trạng thường gặp đối với người bệnh sốt xuất huyết hoặc một số bệnh khác. Tìm hiểu chi tiết giảm tiểu cầu là gì và bệnh này liệu có nguy hiểm không để biết cách chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

giảm tiểu cầu
Giảm tiểu cầu là bệnh gì và có nguy hiểm không?

Giảm tiểu cầu là gì?

Máu được tạo ra từ một số loại tế bào. Đó là:

  • Hồng cầu
  • Bạch cầu
  • Tiểu cầu

Giảm tiểu cầu là khi không có đủ lượng tiểu cầu trong máu. Chức năng của tiểu cầu là giúp đông máu và cầm máu. Mỗi tiểu cầu chỉ sống được khoảng 10 ngày, cơ thể sẽ làm mới tiểu cầu liên tục bằng cách sản xuất tiểu cầu mới từ trong tủy xương.

Đối với người khỏe mạnh, lượng tiểu cầu thường nằm trong khoảng 150.000 – 400.000 tiểu cầu trên mỗi microlit máu lưu thông. Giảm tiểu cầu là khi lượng tiều cầu giảm xuống dưới 150.000.

>> Xem thêm Tìm hiểu về chứng giãn tĩnh mạch

Nguyên nhân dẫn tới giảm tiểu cầu trong máu

Giảm tiểu cầu có rất nhiều nguyên nhân. Giảm tiểu cầu hấu hết không di truyền nhưng lại có thể do di truyền nếu là do bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.

Tiểu cầu bị mắc kẹt tại lá lách

Lá lách là cơ quan nhỏ nằm dưới khung xương sườn bên trái. Lá lách giúp chống lại nhiễm trùng và lọc các chất không mong muốn ra khỏi máu. Lá lách to có thể chứa quá nhiều tiểu cầu làm giảm lượng tiểu cầu trong tuần hoàn.
Giảm sản xuất tiểu cầu do mắc bệnh

giảm tiểu cầu
Người bị sốt xuất huyết rất dễ bị giảm tiểu cầu xuống thấp

Giảm tiểu cầu thứ cấp còn do bị mắc một số bệnh:

  • Nhiễm virus: Thủy đậu, virus parvovirus, viêm gan C, HIV.
  • Sốt xuất huyết
  • Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
  • Bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính
  • Giảm tiểu cầu miễn dịch do dùng thuốc
  • Nhiễm trùng huyết, bệnh nhiễm trùng nặng do vi khuẩn trong máu
  • Nhiễm vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) trong hệ tiêu hóa

Một số loại thuốc gây giảm tiểu cầu:

  • Thuốc chữa bệnh tim mạch, chống co giật và nhiễm trùng
  • Sử dụng thuốc có chứa heparin – một chất làm loãng máu được sử dụng để ngừa cục máu đông.

Nên hỏi ý kiến bác sĩ để có thể thay thế một loại thuốc nào khác không làm giảm tiểu cầu trong máu. Khi đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng hoặc đổi thuốc cho bạn.

Tăng phân hủy tiểu cầu

Một số tình trạng khiến cơ thể dùng hết hoặc phá hủy tiểu cầu nhanh hơn mức chúng được sản xuất, dẫn đến sự thiếu hụt tiểu cầu trong máu. Trong đó có:

  • Phụ nữ mang thai: Giảm tiểu cầu khi mang thai thường nhẹ và sớm cải thiện sau khi sinh con.
  • Giảm tiểu cầu miễn dịch: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của giảm tiểu cầu là tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động bất thường. Các kháng thể thay vì tấn công ổ nhiễm trùng thì quay ngược lại tấn công chính tiểu cầu của cơ thể.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối: Đây là tình trạng hiếm gặp khi các cục máu đông nhỏ đột ngột hình thành khắp cơ thể, dùng lượng lớn tiểu cầu.
  • Hội chứng tăng ure huyết tán huyết: Rối loạn này hiếm gặp nhưng khiến lượng tiểu cầu giảm mạnh, phá hủy hồng cầu và làm suy giảm chức năng thận.

>> Xem thêm Tổng hợp các bệnh lý về mạch máu có thể bạn chưa biết

Các triệu chứng giảm tiểu cầu dễ nhận thấy

giảm tiểu cầu
Người bị giảm tiểu cầu dễ bị chảy máu chân răng

Thông thường khi bị giảm tiểu cầu người bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, trường hợp nặng sẽ dễ dàng nhận thấy:

  • Chảy máu: Thường chảy máu răng hoặc chảy máu mũi. Phụ nữ có thể bị rong kinh hoặc chảy máu âm đạo bất thường. Có thể thấy máu trong nước tiểu hoặc phân.
  • Phát ban trên da: Trên da xuất hiện nhiều nốt đỏ, phẳng và có kích thước bằng đầu đinh ghim. Bạn sẽ thấy chúng chủ yếu ở chân và bàn chân, xuất hiện thành từng đám. Bác sĩ thường gọi là đốm xuất huyết.
  • Vết thâm và bầm tím trên da: Chảy máu nhiều ở vùng dưới da và khi ấn vào không chuyển sang màu trắng. Dễ xuất hiện vết bầm khi va đập. Đây là do rò rỉ máu từ các mạch máu nhỏ.

Giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?

Đối với phần lớn trường hợp thì giảm tiểu cầu không phải là một vấn đề quá lớn. Tuy nhiên nếu bị giảm tiểu cầu nặng thì bạn có thể bị chảy máu ở nướu, đi tiểu ra máu,…

Nếu tiểu cầu giảm xuống dưới 10.000 tiểu cầu trên mỗi microlit là trường hợp rất nguy hiểm. Mặc dù hiếm gặp nhưng nếu giảm tiểu cầu nghiêm trọng có thể gây chảy máu vào não và có thể gây tử vong.

Chẩn đoán và điều trị giảm tiểu cầu

Chẩn đoán

Để biết được bạn có bị giảm tiểu cầu hay không bác sĩ sẽ cần thực hiện các bước:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm công thức máu hoàn chỉnh xác định số lượng tế bào máu, bao gồm cả tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu.
  • Khám sức khỏe tổng thể: Bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu chảy máu dưới da và sờ bụng xem lá lách có bị to không. Bác sĩ cũng sẽ hỏi thăm về các bệnh bạn đã mắc và thuốc đang sử dụng.

Phương pháp điều trị

Tình trạng giảm tiểu cầu có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều năm. Người bị giảm tiểu cầu nhẹ không cần điều trị. Đối với những người cần điều trị giảm tiểu cầu, thì cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Nếu triệu chứng giảm tiểu cầu là do một bệnh lý có từ trước hoặc do thuốc thì chỉ cần giải quyết nguyên nhân đó có thể chữa khỏi.

giảm tiểu cầu
Người có tiểu cầu giảm xuống quá thấp thì có thể được chỉ định truyền tiểu cầu

Một số cách điều trị khác:

  • Truyền máu hoặc truyền tiểu cầu: Nếu mức tiểu cầu của bạn giảm quá thấp, bác sĩ sẽ thay lượng máu đã mất bằng cách truyền các tế bào hồng cầu hoặc tiểu cầu đóng gói.
  • Sử dụng thuốc: Nếu vấn đề liên quan đến hệ miễn dịch, bác sĩ sẽ kê thuốc tăng số lượng tiểu cầu. Thuốc ưu tiên lựa chọn có thể là corticosteroid. Hoặc nếu không bác sĩ sẽ kê thuốc mạnh hơn để ức chế hệ miễn dịch của bạn.
  • Phẫu thuật: Nếu phương pháp điều trị khác không có hiệu quả bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ lá lách của bạn.
  • Thay huyết tương: Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối có thể cần cấp cứu bằng cách thay huyết tương.

Tự chăm sóc bản thân tại nhà khi bị giảm tiểu cầu

Đối với trường hợp giảm tiểu cầu nhẹ bạn có thể hoạt động bình thường nhưng nên thay đổi cách sinh hoạt để tránh bị tổn thương. Tránh các môn thể thao hoạt động mạnh.

Nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau xanh để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nên hỏi bác sĩ xem bạn có nên tránh một số loại thức ăn chư mướp đắng, nước ngọt ăn kiêng và thực phẩm ăn kiêng hay không.

Bạn cũng không nên dùng các loại thuốc dễ khiến xuất huyết hơn như aspirin và ibuprofen.

Đào Tâm