Viêm màng não là khi chất lỏng quanh não và tủy sống bị viêm do vi khuẩn hoặc vi rút. Bệnh có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nên cần biết một số dấu hiệu viêm màng não để điều trị kịp thời.
Viêm màng não là gì?
Viêm màng não là tình trạng viêm chất lỏng và màng não bao quanh vùng não và tủy sống. Hiện tượng sưng do viêm màng não thường gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như nhức đầu, sốt và cứng cổ.
Hầu hết các trường hợp viêm màng não xuất phát từ nguyên nhân do nhiễm vi rút tuy nhiên cũng có thể là do nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm. Tùy từng trường hợp, đôi khi có trường hợp có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nhiều người nhiễm bệnh có thể biến chứng nguy hiểm tới tính mạng nếu không được điều trị kháng sinh khẩn cấp.
Chính vì thế việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh là rất cần thiết để đi cấp cứu và điều trị kịp thời.
Triệu chứng bệnh viêm màng não
Các biểu hiện bệnh viêm màng não ban đầu có thể tương tự với cảm lạnh hoặc cảm cúm. Các triệu chứng có thể tăng nặng trong vài giờ hoặc vài ngày mắc bệnh.
Dấu hiệu khi mắc viêm màng não ở người từ 2 tuổi trở lên:
- Sốt cao đột ngột
- Cứng cổ
- Đau đầu dữ dội với cơn đau khác thường
- Nhức đầu kèm theo buồn nôn hoặc nôn mửa
- Khó tập trung hoặc lẫn
- Co giật
- Buồn ngủ hoặc khó tỉnh táo
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Chán ăn hoặc không muốn uống nước
- Phát ban trên da
Dấu hiệu mắc viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Sốt cao
- Khóc liên tục
- Ngủ nhiều và gắt ngủ
- Khó thức dậy sau khi ngủ
- Trẻ lờ đờ, mệt mỏi
- Phản xạ bú mẹ kém
- Không tỉnh để ăn theo đúng bữa
- Nôn mửa
- Phồng phần thóp trên đỉnh đầu
- Căng cứng cơ thể và cổ
Trẻ sơ sinh bị viêm màng não sẽ quấy khóc và khó dỗ dành hơn bình thường và trẻ có thể khóc nhiều hơn khi được bế nên gia đình cần lưu ý.
Bệnh viêm màng não có nguy hiểm không?
Hãy đi khám ngay lập tức khi bạn hoặc người thân có các dấu hiệu tương tự như triệu chứng viêm màng não. Có thể kể tới như:
- Sốt cao
- Đau đầu dữ dội không ngừng
- Nôn mửa
- Cứng cổ
Bệnh viêm màng não do vi khuẩn là tình trạng rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong chỉ trong vài ngày nếu không được điều trị kháng sinh kịp thời. Điều trị chậm trễ sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.
Nếu trong gia đình hoặc bạn bè có người bị viêm màng não, thì nên bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc tiêm vắc xin phòng viêm màng não.
Nguyên nhân gây viêm màng não
Nhiễm vi rút là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm màng não, sau đó là nhiễm trùng do vi khuẩn và hiếm khi là do nhiễm nấm và ký sinh trùng. Vì nhiễm trùng do vi khuẩn có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh nên việc xác định nguyên nhân bệnh là điều cần thiết.
Viêm màng não do vi khuẩn
Vi khuẩn xâm nhập vào máu và di chuyển tới não và tủy sống gây viêm màng não do vi khuẩn. Tuy nhiên, cũng có thể vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào màng não. Đó là do nhiễm trùng tai hoặc xoang, vỡ hộp sọ hoặc có thể là do một cuộc phẫu thuật (dù rất hiếm).
Một số chủng vi khuẩn có thể gây ra viêm màng não cấp tính, gồm:
- Streptococcus pneumoniae (Phế cầu khuẩn): Vi khuẩn ngày là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm màng não ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn ở Hoa Kỳ. Phế cầu khuẩn cũng thường gây ra viêm phổi hoặc viêm tai giữa, viêm xoang. Có thể tiêm mũi vắc xin phế cầu để ngăn ngừa loại nhiễm trùng này.
- Neissera meningitidis (Vi khuẩn não mô cầu): Vi khuẩn này là một nguyên nhân phổ biến khác gây ra viêm màng não do vi khuẩn. Những vi khuẩn này thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên nhưng có thể gây viêm màng não mô cầu khi chúng xâm nhập vào máu. Đây là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan, ảnh hưởng phần lớn tới thanh thiếu niên và thanh niên. Chúng có thể lây lan ở trong các trường nội trú, khu ký túc xá,… Để phòng bệnh thì bạn nên tiêm ngừa vắc xin viêm não mô cầu. Tuy nhiên, ngay cả khi đã tiêm vắc xin thì khi tiếp xúc gần với người bị viêm màng não mô cầu cũng vẫn nên theo dõi và thăm khám bác sĩ để ngăn ngừa lây bệnh.
- Haemophilus influenzae: Vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp b (Hib) từng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên vắc xin Hib mới được tiêm chủng rộng rãi giúp làm giảm đáng kể số ca mắc bệnh.
- Vi khuẩn Listeria: Vi khuẩn này thường thấy trong pho mát, xúc xích, đồ ăn chưa được khử trùng. Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Vi khuẩn Listeria có thể vượt qua hàng rào nhau thai và gây nhiễm trùng ở cuối thai kỳ gây tử vong cho thai nhi.
Viêm màng não do vi rút
Viêm màng não do vi rút thường nhẹ và tự khỏi. Một số loại vi rút gây ra viêm màng não trong đó một số loại có thể gây ra cả triệu chứng tiêu chảy kèm các triệu chứng khác.
Viêm màng não do nấm
Viêm màng não do nấm ít phổ biến hơn nhiều so với các dạng vi khuẩn hoặc vi rút. Người khỏe mạnh hiếm khi mắc phải bệnh này. Tuy nhiên những người có hệ miễn dịch suy yếu như người bệnh AIDS dễ có khả năng mắc phải.
Viêm màng não do ký sinh trùng
Viêm màng não do ký sinh trùng rất hiếm gặp. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng thường liên quan tới động vật – sau khi ăn các loại động vật như ốc sên, rắn, cá hoặc gia cầm bị nhiễm ký sinh trùng hoặc trứng của chúng, hay có thể ăn phải sản phẩm chứa ký sinh trùng. Nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn nếu ăn đồ ăn sống hoặc nấu chưa chín kĩ. Loại viêm màng não này không lây truyền cho người khác.
Viêm màng não mạn tính
Khi các sinh vật phát triển chậm (như nấm hoặc vi khuẩn mycobacteria gây bệnh lao) xâm nhập vào màng và chất lỏng bao quanh não sẽ gây ra tình trạng viêm màng não mạn tính. Viêm màng não mạn tính phát triển trong hai tuần hoặc hơn. Các dấu hiệu bệnh cũng tương tự như viêm màng não cấp tính.
Nguyên nhân khác
Viêm màng não cũng có thể do một số nguyên nhân không lây nhiễm như: dị ứng thuốc, bệnh ung thư, bệnh viêm nhiễm, bệnh lupus, phẫu thuật não,…
Chẩn đoán và điều trị viêm màng não
Chẩn đoán bệnh
Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh cần đi khám ngay. Người bệnh sẽ được hỏi về tình trạng các chứng bệnh, độ cứng cổ và nhận biết các nốt phát ban trên da để nhận biết có phải do vi khuẩn không. Đồng thời, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm:
- Xét nghiệm máu để tìm vi khuẩn
- Chụp CT hoặc MRI não bộ để tìm khu vực bị sưng hoặc viêm
- Xét nghiệm dịch quanh tủy để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị
Điều trị viêm màng não phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Viêm màng não do vi khuẩn cần điều trị bằng kháng sinh ngay tức thì. Bác sĩ có thể kê cho người bệnh loại kháng sinh tổng hợp hoặc phổ rộng trước khi họ tìm ra chính xác loại vi khuẩn nào gây bệnh. Sau khi tìm ra, bác sĩ sẽ chuyển sang một loại thuốc nhắm vào loại vi khuẩn nhiễm phải. Người bệnh cũng có thể kết hợp sử dụng corticosteroid để giảm viêm.
Viêm màng não do vi rút thường tự khỏi mà không cần dùng tới thuốc điều trị. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc giảm đau không kê đơn nếu bị sốt hoặc đau nhức người. Nếu một loại vi rút như herpes hoặc cúm gây ra bệnh, người bệnh cũng có thể dùng thuốc kháng vi rút.
Thuốc chống nấm có thể điều trị viêm màng não do nấm.
Biến chứng của bệnh viêm màng não
Viêm màng não có thể gây ra các biến chứng nặng ở người lớn và trẻ em, đặc biệt nếu trì hoãn điều trị. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Co giật
- Tổn thương thần kinh
- Mất thính giác
- Gặp vấn đề về trí nhớ
- Khó tập trung để học tập
- Suy thận
- Shock
- Tử vong
Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời thì ngay cả những người bị viêm màng não nặng cũng có thể phục hồi tốt.
Phương pháp phòng ngừa viêm màng não
Vi khuẩn hoặc vi rút gây viêm màng não có thể lây lan qua ho, hắt hơi, hôn hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống, bàn chải đánh răng hoặc thuốc lá.
Hãy áp dụng các cách sau để ngăn ngừa nhiễm bệnh:
- Rửa tay thường xuyên: Hãy rửa tay cẩn thận để tránh lây lan vi trùng. Đối với trẻ hãy dậy bé vệ sinh tay từ sớm, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ở nơi công cộng về và sau khi sờ vào động vật. Chỉ cho trẻ cách rửa và rửa tay kĩ lưỡng để loại bỏ vi khuẩn và vi rút trên tay.
- Thực hành vệ sinh tốt: Không dùng chung đồ uống, thức ăn, ống hút, dụng cụ ăn uống, son dưỡng môi hoặc bàn chải đánh răng với bất kỳ ai khác. Hướng dẫn trẻ tránh dùng chung các dụng cụ này với người khác.
- Giữ gìn sức khỏe cá nhân: Duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục thường xuyên và ăn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi
- Đối với phụ nữ mang thai, nên cẩn trọng khi chọn thức ăn: Tránh ăn các loại thịt nguội, xúc xích, thịt sống để giảm nguy cơ mắc phải vi khuẩn listeria.
- Tiêm vắc xin đầy đủ: Hãy thực hiện tiêm chủng đúng theo lịch của bác sĩ để phòng ngừa các bệnh có thể gây viêm màng não do vi khuẩn gồm cả vắc xin cúm và viêm phổi.
Đào Tâm