Giấc ngủ là thời gian để cơ thể phục hồi và tái tạo năng lượng. Trung bình, thời gian ngủ của mỗi người là 1/3 cuộc đời. Quan trọng là vậy, nhưng nhiều người vẫn có những nhận thức sai lầm về giấc ngủ.
Lầm tưởng số 1: Ngủ ngáy không gây hại
Trong một số trường hợp, ngủ ngáy hay ngáy khi ngủ có thể là dấu hiệu của một tình trạng đe dọa tính mạng, được gọi là chứng ngưng thở khi ngủ. Những cơn ngưng thở khi ngủ có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút và có thể lặp lại hàng chục lần mỗi giờ. Sự gián đoạn hơi thở như vậy sẽ khiến bạn thức giấc hoặc ngủ không sâu, dẫn đến mệt mỏi trong cả ngày hôm sau.
Hơn nữa, hơi thở gián đoạn sẽ làm giảm lượng oxy trong máu và từ đó gây ra những tổn thương cho tim và mạch máu. Ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý khác như tăng huyết áp, đột quỵ và đái tháo đường.
Ngưng thở khi ngủ có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, dùng thiết bị hỗ trợ thông khí ví dụ máy trợ thở áp lực dương liên tục (Continuous positive airway pressure – CPAP). Nguyên tắc hoạt động của máy là cung cấp một dòng khí ấm và ẩm liên tục, đồng thời tạo ra một áp lực dương trên đường thở, khiến cho hoạt động hít vào và thở ra của cơ thể được diễn ra một cách liên tục.
Ngoài ra, ngáy ngủ còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác, gây mệt mỏi cho đôi bên.
Lầm tưởng số 2: Bạn có thể “ngủ bù” sau khi bị mất ngủ, thiếu ngủ
Phần lớn mọi người đều cho rằng, nếu hôm trước bị thiếu ngủ thì hôm sau ngủ bù lại là được. Tuy nhiên, thực tế thì sự bù đắp này không hoàn toàn hiệu quả.
Việc ngủ thêm có thể giúp bạn cảm thấy bớt buồn ngủ nhưng không thể đảo ngược hoàn toàn những ảnh hưởng tiêu cực mà việc mất ngủ đã gây ra trước đó. Đặc biệt, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như béo phì, tăng huyết áp, thay đổi tâm trạng và hành vi.
Vì vậy, việc duy trì giấc ngủ đầy đủ và đều đặn là điều rất quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống, công việc và học tập.
Lầm tưởng số 3: Càng lớn tuổi, bạn càng cần ngủ ít hơn
Thời gian ngủ khuyến cáo đối với người lớn là 7 – 9 tiếng mỗi ngày. Mặc dù một số người có thể cần ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn, nhưng đa số đều cần ngủ đủ thời lượng này mỗi ngày.
Người lớn tuổi thường thức giấc nhiều lần trong đêm, dẫn đến giảm thời gian và chất lượng giấc ngủ. Ngoài vấn đề sinh lý của người lớn tuổi, thì lý do gây gián đoạn giấc ngủ thường là tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị mà người cao tuổi đang sử dụng.
Do tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ trong đêm nên người lớn tuổi thường có xu hướng chợp mắt nhiều lần trong ngày.
Lầm tưởng số 4: Buồn ngủ khi lái xe thì chỉ cần mở cửa kính, bật nhạc
Buồn ngủ hoặc trong trạng thái lơ mơ, không tỉnh táo khi lái xe rất nguy hiểm. Những giải pháp như bật nhạc, mở cửa kính khi lái xe chỉ hỗ trợ được phần nào, chứ không giúp tỉnh táo ngay được. Uống cà phê hay trà có thể giúp bạn vượt qua cơn buồn ngủ, nhưng cũng cần khoảng 20-30 phút mới phát huy tác dụng.
Bởi vậy, nếu cảm thấy buồn ngủ khi đang lái xe, tốt nhất là nên dừng xe lại một lúc, để tránh gây nguy hiểm cho bản thân mình và người khác.
Để tránh tình trạng buồn ngủ, không tỉnh táo khi lái xe, tốt nhất là nên sắp xếp thời gian để ngủ đủ giấc vào đêm hôm trước.
Lầm tưởng số 5: Ngủ gật trong lớp, trong phòng họp là thái độ không tốt
Học sinh ngủ gật trong lớp học hoặc người đi làm ngáp ngủ trong phòng họp đơn giản chỉ là do họ bị thiếu ngủ, cơ thể cần được nghỉ ngơi.
Để khắc phục tình trạng này, không có cách nào hiệu quả hơn là ngủ đủ giấc vào đêm hôm trước. Trẻ em, thanh thiếu niên cần ngủ nhiều hơn người trưởng thành và người cao tuổi. Bởi vậy, mỗi gia đình nên sắp xếp thời gian sinh hoạt cho phù hợp.
Tài liệu tham khảo
1. National Institute of Child Health and Human Development, What are some myths about sleep? Last Reviewed Date April 29, 2019
2. National Sleep Foundation. (n.d.). Myths and facts about sleep. Retrieved March 26, 2019
3. National Heart, Lung, and Blood Institute. (n.d.). Sleep apnea. Retrieved June 12, 2017