Sự khác nhau giữa bệnh do nhiễm vi khuẩn và vi rút

Mắc bệnh do nhiễm vi khuẩn hay vi rút có một số dấu hiệu đặc trưng. Nhận biết nhiễm trùng do vi khuẩn hay vi rút giúp việc điều trị hiệu quả hơn.

nhiễm vi khuẩn và vi rút
Tìm hiểu sự khác nhau giữa nhiễm vi khuẩn và vi rút để điều trị

Nhiễm vi khuẩn và vi rút là gì?

Nhiễm vi khuẩn

Vi khuẩn có thể ở trong hoặc trên cơ thể người. Không phải tất cả vi khuẩn đều có hại. Chỉ một số ít vi khuẩn gây nhiễm trùng ở người. Những vi khuẩn này được gọi là vi khuẩn gây bệnh.

Nhiễm vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Nhiễm vi rút

Vi rút là một loại vi sinh vật nhỏ bé, thậm chí còn nhỏ hơn vi khuẩn. Giống như vi khuẩn, chúng rất đa dạng và có nhiều hình dạng và tính năng khác nhau.

Vi rút cần tế bào hoặc mô sống để phát triển. Chúng xâm nhập vào các tế bào của cơ thể, sử dụng các thành phần của tế bào để phát triển và nhân lên. Một số vi rút thậm chí còn giết chết các tế bào vật chủ khi chúng nhân lên.

Thuốc kháng sinh không thể chữa khỏi bệnh do nhiễm vi rút.

Nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút lây truyền như thế nào?

Sự lây truyền của vi khuẩn

Nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có tính lây lan, tức là truyền từ người này sang người khác. Con đường lây nhiễm chủ yếu gồm:

  • Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi khuẩn, bao gồm cả chạm và hôn
  • Tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục hoặc khi người đó ho hoặc hắt hơi
  • Lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai hoặc khi sinh
  • Tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn như tay nắm cửa hoặc tay cầm vòi nước và sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng
  • Truyền qua vết cắn của côn trùng bị nhiễm bệnh
  • Ăn thực phẩm hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn

Ví dụ một số bệnh do nhiễm vi khuẩn:

  • Viêm họng hạt
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn
  • Bệnh da liễu
  • Bệnh lao
  • Viêm màng não do vi khuẩn
  • Viêm mô tế bào
  • Bệnh lyme
  • Uốn ván
nhiễm vi khuẩn và vi rút
Viêm họng hạt là bệnh do nhiễm vi khuẩn

Sự lây truyền của vi rút

Nhiều bệnh nhiễm trùng do vi rút cũng dễ lây lan. Con đường lây nhiễm chủ yếu gồm:

  • Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi rút
  • Tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm vi rút
  • Lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai hoặc khi sinh
  • Tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm
  • Lây truyền qua vết cắn của côn trùng bị nhiễm bệnh
  • Ăn thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm

Ví dụ một số bệnh do nhiễm vi rút:

  • COVID-19
  • Bệnh cúm
  • Cảm lạnh
  • Viêm dạ dày ruột do vi rút
  • Thủy đậu
  • Bệnh sởi
  • Viêm màng não
  • Mụn cóc
  • Viêm gan siêu vi
  • HIV
nhiễm vi khuẩn và vi rút
Covid-19 là bệnh do vi rút gây ra

Chẩn đoán nhiễm trùng do vi khuẩn hay vi rút

Đôi khi bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng của người bệnh dựa trên tiền sử bệnh và các triệu chứng.

Ví dụ, các bệnh như sởi hoặc thủy đậu có các triệu chứng rất đặc trưng có thể được chẩn đoán qua cuộc khám sức khỏe đơn giản.

Ngoài ra, nếu đang có dịch bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa yếu tố đó vào chẩn đoán bệnh. Một ví dụ là bệnh cúm, gây ra các đợt dịch theo mùa trong những tháng lạnh hàng năm.

Nếu bác sĩ muốn kiểm tra loại sinh vật nào có thể gây ra tình trạng bệnh, họ có thể đề nghị xét nghiệm. Một số xét nghiệm có thể được chỉ định gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm dịch nhầy hoặc đờm
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm phân
  • Xét nghiệm dịch não tủy

Trong trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn, xét nghiệm có thể giúp bác sĩ xác định loại kháng sinh nào có thể hữu ích trong việc điều trị cho người bệnh.

Điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút như thế nào?

Điều trị bệnh do nhiễm vi rút

Không có phương pháp điều trị cụ thể cho nhiều trường hợp nhiễm vi rút. Điều trị thường tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, trong khi chờ cơ thể loại bỏ nhiễm trùng. Một số biện pháp có thể áp dụng gồm:

  • Uống nhiều nước để phòng ngừa mất nước
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn
  • Sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen
  • Dùng thuốc thông mũi không kê đơn giúp giảm sổ mũi hoặc nghẹt mũi
  • Ngậm viên ngậm giúp giảm đau họng
  • Một số trường hợp được kê thuốc kháng vi rút để giúp ức chế vòng đời của vi rút. Những thuốc kháng vi rút gồm: oseltamivir (Tamiflu) điều trị bệnh cúm, valacyclovir (Valtrex) điều trị bệnh herpes simplex hoặc herpes zoster (bệnh zona).

Điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn

Thuốc kháng sinh là thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Có nhiều loại kháng sinh, nhưng chúng đều có tác dụng ngăn vi khuẩn phát triển và phân chia.

Thuốc kháng sinh không hiệu quả đối với các bệnh do nhiễm vi rút. Do đó, người bệnh chỉ nên dùng thuốc kháng sinh khi bị nhiễm vi khuẩn. Quá lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thích nghi để có thể kháng lại một số loại kháng sinh. Điều này có thể làm cho nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khó điều trị hơn.

Nếu được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, hãy uống hết đợt thuốc – ngay cả khi các triệu chứng đã hết. Không uống đủ liều thuốc có thể ngăn chặn việc tiêu diệt tất cả các vi khuẩn gây bệnh.

Điều trịNhiễm vi khuẩnNhiễm vi rút
Thuốc giảm đau hạ sốt không kê đơn

xx
Thuốc thông mũi không kê đơnxx
Thuốc kháng sinh
x
Thuốc kháng vi rútx
Bổ sung thêm nước và điện giảixx
Nghỉ ngơi nhiều hơnxx

Giải đáp các thắc mắc thường gặp về nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút

Cúm dạ dày là do nhiễm vi khuẩn hay vi rút?

Khi bạn gặp các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy hoặc đau quặn bụng, rất có thể bạn đã mắc phải bệnh cúm dạ dày hay còn gọi là viêm dạ dày ruột do vi rút.

Các triệu chứng thường biến mất sau 1 hoặc 2 ngày nếu được chăm sóc tốt tại nhà.

Tuy nhiên, nếu thấy các triệu chứng kéo dài hơn 3 ngày, tiêu chảy ra máu hoặc dẫn đến mất nước nghiêm trọng cảnh báo tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, thì cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

nhiễm vi khuẩn và vi rút
Viêm dạ dày ruột do vi rút có thể dẫn đến đau bụng, buồn nôn

Cảm lạnh là do vi khuẩn hay vi rút?

Cảm lạnh có thể gây nghẹt mũi hoặc sổ mũi, đau họng và sốt nhẹ. Cảm lạnh do một số loại vi rút khác nhau gây ra, chủ yếu là rhinovirus.

Trong thời gian chờ cơ thể tự hồi phục, có thể dùng một số loại thuốc không kê đơn để giúp giảm các triệu chứng bệnh.

Trong một số trường hợp, bội nhiễm vi khuẩn có thể phát triển trong hoặc sau khi bị cảm lạnh. Một số ví dụ phổ biến về tình trạng bội nhiễm gồm:

  • Viêm xoang
  • Viêm tai giữa
  • Viêm phổi

Cách nhận biết liệu có bị bội nhiễm vi khuẩn hay không?

Bạn có thể bị bội nhiễm vi khuẩn nếu:

  • Các triệu chứng kéo dài hơn 10 đến 14 ngày
  • Các triệu chứng ngày càng nặng hơn
  • Bị cảm lạnh nhưng sốt cao hơn bình thường

Có thể dựa vào màu nước mũi để nhận biết nhiễm vi rút hay vi khuẩn hay không?

Không nên dựa vào màu nước mũi để xác định xem nhiễm vi rút hay vi khuẩn.

Nhiều người cho rằng dịch nhầy màu xanh lá cây là tình trạng nhiễm khuẩn cần phải dùng thuốc kháng sinh. Trên thực tế, dịch nhầy màu xanh lá cây thực sự là do các chất của các tế bào miễn dịch tiết ra để phản ứng với những “kẻ xâm lược” từ bên ngoài.

Nước mũi màu xanh lá cây do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả vi rút, vi khuẩn, dị ứng và tình trạng viêm nhiễm.

nhiễm vi khuẩn và vi rút
Không nên dựa vào màu sắc của nước mũi để chẩn đoán bệnh

Cách phòng ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút là gì?

Không có cách nào giúp tránh tuyệt đối khỏi nhiễm trùng do vi rút và vi khuẩn, nhưng bạn có thể thực hiện nhiều cách để phòng ngừa lây nhiễm:

  • Nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chế biến thực phẩm
  • Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng nếu tay không sạch
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác: dụng cụ ăn uống, bàn chải đánh răng…
  • Nên tiêm vắc xin phòng bệnh, như vắc xin phòng bệnh sởi, cúm, uốn ván, ho gà, Covid-19…
  • Lưu ý ăn chín uống sôi, tránh ăn thịt sống, nước uống không đảm bảo vệ sinh. Cần rửa kỹ trái cây và rau sống trước khi ăn.
  • Không để thức ăn thừa ở nhiệt độ phòng. Thay vào đó, hãy cho vào tủ lạnh để tránh bị ôi thiu.
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng có chứa các thành phần như DEET hoặc picaridin nếu định ra ngoài nơi có côn trùng, chẳng hạn như muỗi và bọ ve.
  • Nên mặc quần dài và áo sơ mi dài tay để phòng tránh muỗi đốt.

Vân Anh