Sự nguy hiểm của các bệnh nội tiết thường gặp

Hệ thống nội tiết là một tổ chức vô cùng quan trọng, làm nhiệm vụ sản xuất các hormone giúp kiểm soát nhiều chức năng trong cơ thể. Rối loạn nội tiết sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường, suy giáp, cường hay suy tuyến thượng thận, suy tuyến yên…

bệnh nội tiết
Rối loạn nội tiết sẽ gây ra các bệnh nội tiết nguy hiểm

Bệnh nội tiết là gì?

Hoạt động cơ thể được điều hòa bởi hai cơ chế là: thần kinh thông qua hệ thống thần kinh và thể dịch thông qua hệ thống nội tiết.

Hệ nội tiết bao gồm hệ thống các tuyến nội tiết và những mô, những đám tế bào có chức năng nội tiết, mỗi tuyến tiết ra một hoặc nhiều hormone khác nhau, qua tuần hoàn để điều hòa cơ thể. Hệ thống nội tiết có nhiệm vụ đặc biệt trong việc liên tục chuyển đi các tín hiệu. Những “chất truyền tin” đó được gọi là các hormone, được tiết ra từ một tuyến đặc biệt gọi là tuyến nội tiết. Chúng mang các tín hiệu tới một tuyến khác hoặc các tế bào không phải là nội tiết. Hormone góp phần quan trọng vào quá trình điều hòa hầu hết các chuyển hóa trong cơ thể như điều hòa nhiệt độ, cân bằng cơ thể khi có stress, điều hòa đường huyết…

Rối loạn nội tiết gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, điển hình như:

1. Tiểu đường

bệnh nội tiết
Tiểu đường là một bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hóa đường

Tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh mạn tính với biểu hiện lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không chuyển hóa các chất bột đường từ thực thẩm ăn vào hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây tổn thương các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Trong các bệnh lý nội tiết chuyển hóa, tiểu đường là bệnh lý hay gặp nhất và có nhiều biến chứng để lại những hậu quả nặng nề cho người bệnh. Vì vậy, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để có thể chẩn đoán và điều trị sớm bệnh là việc cần thiết để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

2. Suy giáp

Bệnh suy giáp (nhược giáp, giảm chức năng tuyến giáp) là một dạng bệnh nội tiết, rối loạn chức năng tuyến giáp khiến tuyến giáp không sản sinh đủ hormone như thyroxine, T3, T4 cần thiết cho quá trình kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể.

Suy giáp dẫn đến nhiều rối loạn với các biểu hiện: mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, có khi tăng cân, sợ lạnh, da khô và thô, da tái lạnh, tóc dễ gãy rụng, rụng lông mày, lông nách, lông mu thưa, phù niêm mạc toàn thể, da mỡ (trông láng bóng), thâm nhiễm các cơ quan như mi mắt (nặng mí mắt), lưỡi (lưỡi to dày), thanh quản (nói khàn, khó thở), cơ (gây giả phì đại cơ), dễ bị táo bón, nhịp tim chậm, tim to, tràn dịch màng tim, nếu suy giáp nặng có thể dẫn đến suy tim (nhất là khi có thiếu máu đi kèm), suy nghĩ và vận động chậm chạp, nói chậm, trí nhớ giảm.

bệnh nội tiết
Gãy rụng tóc có thể là dấu hiệu của suy giáp

Bệnh suy giáp rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Tuy vẫn có khả năng ngăn ngừa và điều trị nhưng một số trường hợp có thể gây biến chứng không phục hồi và cần phẫu thuật phức tạp.

3. Cường giáp

Bệnh cường giáp là một nhóm bệnh gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp (T3 và T4) dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: tim đập nhanh, gầy sút cân… Ngoài ra, sự dư thừa hormone tuyến giáp còn gây ra những rối loạn về tâm, thần kinh, rối loạn tiêu hóa và các rối loạn tình dục (lãnh đạm tình dục, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ; giảm ham muốn, rối loạn cương dương ở nam giới…).

Khi bị cường giáp người bệnh sẽ có các biểu hiện: căng thẳng và kích thích, đánh trống ngực và tim đập nhanh, run giật, sụt cân hoặc tăng cân, tăng số lần đi cầu hoặc bị tiêu chảy, phù nề phần thấp ở chân/bị liệt đột ngột, khó thở khi gắng sức, rối loạn giấc ngủ, thay đổi thị giác, sợ ánh sáng hoặc nhạy cảm với ánh sáng, kích ứng mắt kèm với tăng tiết nước mắt, nhìn đôi, lồi mắt, mệt mỏi và yếu cơ…

bệnh nội tiết
Người bị cường giáp có thể gặp các triệu chứng tim mạch như hồi hộp, đánh trống ngực

Cường giáp nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề về tim mạch như: rung nhĩ, rối loạn chức năng tâm trương, giảm phân suất tống máu, dày thất trái, co thắt cơ tim, loãng xương.

4. Suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận sản sinh ra quá ít cortisol làm rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Suy tuyến thượng thận có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn.

Suy tuyến thượng thận được chia thành 2 loại nguyên phát và thứ phát. Trong những năm gần đây, lạm dụng thuốc là nguyên nhân dẫn đến một tỷ lệ khá cao suy thượng thận thứ phát, đặc biệt là nhóm corticoid giảm đau chống viêm. Hậu quả là bệnh nhân bị loãng xương, suy giảm miễn dịch… và vỏ thượng thận giảm hoặc không tiết cortisol gây ra bệnh cảnh suy thượng thận, có thể đe dọa tính mạng.

Người bị suy tuyến thượng thận thường cảm thấy mệt mỏi, stress thường xuyên, huyết áp không ổn định, sút cân trầm trọng, rối loạn tiền đình, buồn nôn, nôn và có khi là đau bụng dữ dội, kinh nguyệt rối loạn (ở nữ giới), bất lực, rối loạn cương dương (ở nam giới).

bệnh nội tiết
Lạm dụng corticoid có thể gây suy tuyến thượng thận thứ phát

Hiện nay, không có cách điều trị triệt để cho bệnh suy tuyến thượng thận. Hầu hết bệnh nhân đều phải dùng thuốc điều trị suốt đời.

5. Suy tuyến yên

Suy tuyến yên là tình trạng suy giảm hoạt động của tuyến yên dẫn đến một hay nhiều hormone tuyến yên không được sản xuất đầy đủ, ảnh hưởng tới chức năng của tuyến đích mà tuyến yên chi phối.

Một số bệnh nhân không có triệu chứng cho đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng. Một số bệnh nhân khởi phát các triệu chứng đột ngột. Các triệu chứng phụ thuộc vào hệ thống cơ quan bị ảnh hưởng. Tuyến giáp bị ảnh hưởng có thể làm cho người bệnh cảm thấy yếu, mệt mỏi, táo bón, đầy hơi và tăng cân. Buồng trứng bị ảnh hưởng có thể gây ra những thay đổi trong chu kì kinh nguyệt, khô âm đạo và đau khi giao hợp. Tinh hoàn bị ảnh hưởng có thể gây ra các vấn đề về cương dương. Tuyến thượng thận bị ảnh hưởng có thể gây yếu, chóng mặt khi đứng, cảm thấy đau dạ dày và đau vùng eo (bụng). Trẻ em mắc bệnh suy tuyến yên sẽ chậm lớn.

bệnh nội tiết
Suy tuyến yên dẫn đến thiếu các hormone sinh dục (LH và FSH)

Người bệnh cần phải điều trị suy giảm chức năng tuyến yên suốt đời, liên tục và được theo dõi chặt chẽ.