Ngồi quá nhiều, lười vận động làm tăng nguy cơ tử vong sớm do nhiều nguyên nhân. Biết được những điều này có thể sẽ giúp bạn đứng dậy và vận động nhiều hơn.
Tăng nguy cơ đau tim
Các nhà nghiên cứu so sánh hai nhóm: những người lái phương tiện công cộng, những người ngồi hầu hết thời gian trong ngày và những người thường xuyên đứng và đi lại. Chế độ ăn uống và lối sống của hai nhóm này không có nhiều khác biệt.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người ngồi quá nhiều có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp đôi so với những người thường xuyên đứng và đi lại.
Tăng nguy cơ sa sút trí tuệ
Nếu ngồi quá nhiều, bộ não của bạn có thể trông giống như của một người bị mất trí nhớ. Ngồi cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ, huyết áp cao và cholesterol cao, tất cả đều góp phần làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Vận động suốt cả ngày thậm chí có thể giúp ích nhiều hơn cả việc tập thể dục bởi giúp giảm nguy cơ mắc tất cả các vấn đề sức khỏe này.
Tăng nguy cơ bị tiểu đường
Ngồi quá nhiều cũng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường. Bởi ngồi quá nhiều khiến cơ thể đốt cháy calo ít hơn. Ngoài ra, các bác sĩ cho rằng, việc ngồi quá nhiều cũng có thể làm thay đổi cách mà cơ thể phản ứng với insulin, loại hormone giúp đốt cháy đường và carbs để tạo năng lượng.
Dễ bị huyết khối tĩnh mạc sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là cục máu đông hình thành ở chân. Nguyên nhân thường là do ngồi một chỗ quá lâu. Cục máu đông có thể vỡ ra, di chuyển đến phổi gây tắc động mạch phổi – một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây sưng và đau, nhưng một số người không có triệu chứng. Do đó, bạn nên đứng lên đi lại, không nên ngồi một chỗ quá lâu.
Dễ tăng cân
Ngồi im một chỗ quá nhiều, ít vận động khiến lượng calo nạp vào cơ thể không tiêu hao hết, dẫn đến mỡ thừa tích tụ. Hậu quả dễ thấy là thừa cân và béo phì.
Lo lắng nhiều hơn
Ngồi một chỗ lướt facebook, tiktok hay xem tivi quá nhiều thời gian trong ngày có thể khiến bạn thấy lo lắng và bất an nhiều hơn. Sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều vào buổi tối cũng dẫn đến khó ngủ. Thiếu ngủ và mất ngủ cũng làm gia tăng lo lắng, sợ hãi.
Thêm vào đó, ở nhà và ngồi xem tin tức qua mạng xã hội quá nhiều, ít ra ngoài giao lưu với mọi người cũng có thể gây ra hội chứng rối loạn lo âu xã hội.
Đau lưng
Ngồi im, thậm chí ngồi gù lưng, ngồi với tư thế vặn vẹo gây ảnh hưởng xấu đến cơ lưng, cột sống và cổ vai gáy. Cho dù ngồi đúng tư thế nhưng ngồi một chỗ quá lâu cũng vẫn gây hại cho lưng.
Nếu không muốn bị đau lưng, hãy đứng dậy và di chuyển 1-2 phút sau mỗi 30 phút ngồi im.
Loãng xương
Người lớn tuổi không vận động có thể dễ bị loãng xương. Loãng xương nặng sẽ làm tăng nguy cơ giòn xương, dễ gãy xương dù chỉ ngã nhẹ.
Để ngăn ngừa loãng xương, đừng nằm dài trên giường hoặc ngồi im trên ghế suốt cả ngày, hãy đứng lên đi lại, làm việc vặt, đi lấy nước uống hoặc lau dọn xung quanh.
Tăng nguy cơ ung thư
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ngồi quá nhiều và quá lâu trong thời gian dài làm tăng nguy cơ bị ung thư ruột kết, nội mạc tử cung, ung thư phổi, ung thư vú…
Làm thế nào để vận động nhiều hơn?
Ai cũng biết ngồi lâu, lười vận động gây hại cho sức khỏe như thế nào. Tuy nhiên, nói đến vận động nhiều hơn, chăm tập thể dục hơn thì nhiều người thường ngại.
Không cần phải đến phòng tập gym hay nhảy Zumba mới gọi là tập luyện, hãy tích cực vận động nhiều hơn bằng cách:
- Đứng lên và vươn vai sau mỗi nửa giờ ngồi im
- Đi dạo quanh văn phòng, đi lấy nước hoặc lau bàn làm việc
- Đứng tại bàn duỗi thẳng tay chân
- Hãy thử đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy
- Ra ngoài ăn trưa, hạn chế ngồi ăn tại bàn làm việc
- Ra ngoài gặp gỡ bạn bè và người thân vào cuối tuần, thay vì ngồi im xem tivi
- Nên đi bộ hoặc đạp xe đến chỗ làm (nếu gần)
- Nên đi bộ khi đi chợ và siêu thị (nếu gần), và dùng xe kéo thực phẩm
- Đứng lên vệ sinh nhà cửa, lau nhà thay vì ngồi im nhìn robot hút bụi
- Đưa con ra ngoài thì chơi cùng con, đi bộ, chạy thay vì ngồi nhìn con chơi
Lưu ý cần nhớ:
Vận động thường xuyên tốt cho sức khỏe tổng thể, nhưng không phải vận động nhiều là tốt. Tùy tình trạng sức khỏe để lựa chọn cách vận động và tập thể dục cho phù hợp. Nhìn chung, mỗi người nên tập thể dục khoảng 30 phút một ngày, mỗi tuần tập 5 lần. Trước khi tập bất kỳ bộ môn nào cũng nên khởi động kỹ để các khớp mềm dẻo, tránh tập mạnh và tập nặng ngay lập tức có thể gây đau xương khớp. Với các bộ môn đòi hỏi kỹ thuật, nên tập cùng huấn luyện viên hoặc người hướng dẫn, tránh tự ý xem video rồi tập theo.
Vân Anh