Xác định rõ nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ

Dậy thì sớm là sự xuất hiện những đặc tính sinh dục thứ phát ở bé trai trước 9 tuổi và bé gái trước 8 tuổi. Trong một số trường hợp, dậy thì sớm có thể là dấu hiệu của bệnh lý khác cần điều trị.

Dậy thì bình thường ở trẻ

Dậy thì là thời điểm cơ thể trẻ bắt đầu có sự phát triển và thay đổi để trở thành người lớn. Dấu hiệu và độ tuổi dậy thì khác nhau ở bé trai và bé gái:

– Bé gái: phát triển ngực, bắt đầu có kinh nguyệt, mọc lông ở các vị trí khác nhau trên cơ thể (lông mu, lông nách), phát triển dáng vóc và mọc mụn trứng cá. Những dấu hiệu này thường xuất hiện ở độ tuổi 8 – 13 (trung bình là 10 tuổi)

– Bé trai: phát triển dương vật và tinh hoàn; giọng nói trầm hơn; phát triển cơ bắp; mọc lông ở các vị trí khác nhau (mặt, ngực, chân, tay, mu); mụn trứng cá. Bé trai thường dậy thì ở độ tuổi từ 9 – 14 tuổi (trung bình là 11 tuổi).

Dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ: phát triển vú, mọc lông mu, phát triển cơ quan sinh dục

Nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ

Hầu hết các trường hợp dậy thì sớm chỉ là sự phát triển trước thời hạn của cơ thể mà không liên quan đến các bệnh lý hay bị tác động bởi tác nhân khác. Đây cũng có thể xảy ra do di truyền.

Một số trường hiếm gặp, tình trạng dậy thì sớm có thể là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng như: u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp. Ngoài ra, tình trạng dậy thì sớm ở trẻ cũng có thể bị gây ra bởi sự gia tăng lượng hormon (estrogen, hormon tăng trưởng,..) đưa vào cơ thể từ bên ngoài qua thức ăn, đồ uống, đồ nhựa,…

Yếu tố nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ

– Trẻ gái: bé gái xuất hiện dậy thì sớm nhiều hơn bé trai

– Béo phì: trẻ thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao bị dậy thì sớm hơn những trẻ khác

– Tiếp xúc với hormon sinh dục: nếu trẻ bị tiếp xúc với các hormon như estrogen, testosterol dạng kem hoặc mỡ hoặc một loại hormon nào khác (từ thuốc của người lớn hoặc từ thực phẩm chức năng) có thể gây nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ

– Trẻ điều trị xạ trị hệ thần kinh trung ương.

Trẻ gái, béo phì là yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ

Biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ

Ở bé gái, dấu hiệu dậy thì sớm bao gồm

– Vú phát triển trước 7-8 tuổi

– Có kinh nguyệt trước 10 tuổi

– Phát triển chiều cao nhanh chóng trước 7-8 tuổi

Ở bé trai, dấu hiệu dậy thì hình thành trước khi bé 9 tuổi bao gồm:

– Tăng kích thước tinh hoàn và dương vật

– Phát triển chiều cao nhanh chóng

Ở cả bé trai và bé gái, những dấu hiệu khác như: mọc lông, giọng trầm, mụn trứng cá,.. nếu xuất hiện sớm có thể là dấu hiệu của dậy thì sớm nhưng không đặc hiệu.

Phát triển vú là một trong những dấu hiệu dậy thì đặc trưng ở nữ

Chẩn đoán dậy thì sớm ở trẻ

Khi trẻ có những biểu hiện gợi ý dậy thì sớm như trên, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh bao gồm:

– Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormon

– Chụp cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não hoặc ổ bụng để loại trừ khối u

Điều trị dậy thì sớm ở trẻ

Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng dậy thì sớm ở trẻ có thể được điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa:

– Điều trị nội khoa: thuốc có thể làm ngưng giải phóng hormon sinh dục, giúp làm chậm quá trình dậy thì. Những thuốc này được dùng đường tiêm, lộ trình kéo dài cho tới khi trẻ đạt độ tuổi phù hợp của sự dậy thì.

– Điều trị ngoại khoa: Nếu nguyên nhân gây dậy thì sớm xuất phát từ khối u, trẻ cần được phẫu thuật để loại bỏ khối u.

Trẻ cần được khám và điều trị khi phát hiện dấu hiệu dậy thì sớm

Dậy thì sớm có nguy hiểm không

Nếu trẻ dậy thì sớm, trẻ có thể không đạt được mức phát triển về chiều cao như bình thường do sự phát triển sớm sẽ dẫn đến tình trạng ngừng phát triển sớm.

DS Phạm Hảo

Tài liệu tham khảo

  1. National Center for Biotechnology Information. (2011). Precocious puberty. Retrieved June 4, 2012
  2. “Precocious puberty”. Medlineplus. Review Date 8/7/2019