Chủ quan khi bị khó thở hụt hơi thường xuyên, có ngày ân hận!

Cảm thấy khó thở khi đang tập thể dục hoặc leo cầu thang là điều hoàn toàn bình thường, nhưng nếu bị khó thở hụt hơi thường xuyên thì hãy cẩn trọng! Bởi tình trạng này liên quan đến rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.

khó thở hụt hơi
Khó thở hụt hơi thường xuyên có thể cảnh báo vấn đề nghiêm trọng

Biểu hiện khó thở hụt hơi thường xuyên

Bác sĩ Jason Fritz – Trợ lý giáo sư Khoa Y học lâm sàng về bệnh phổi và chăm sóc đặc biệt tại Hệ thống Y tế Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã giải đáp chi tiết những thắc mắc về khó thở hụt hơi.

Theo bác sĩ Jason Fritz, khó thở là cảm giác khó khăn trong việc hít thở. Có thể cảm thấy như vừa chạy nước rút, leo vài bậc cầu thang hoặc tham gia lớp thể dục nhịp điệu.

Hụt hơi là cảm giác như không nạp đủ không khí vào phổi, có vẻ như đang thiếu oxy, gây khó hít vào và thở ra hơn. Đôi khi có thể bị buộc phải thở ra trước khi hoàn thành lần thở ra cuối cùng.

Những biểu hiện thường thấy là:

  • Cảm giác căng trong ngực
  • Muốn thở nhiều hơn hoặc nhanh hơn
  • Cảm giác như cơ thể không nhận đủ oxy
  • Khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi.

Nguyên nhân gây khó thở hụt hơi thường xuyên

Khó thở là một triệu chứng của một vấn đề hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, không phải là một căn bệnh. Có rất nhiều vấn đề sức khỏe có thể khiến mọi người khó thở, phổ biến là các vấn đề liên quan đến phổi, tim mạch.

Nguyên nhân phổ biến gây khó thở hụt hơi:

  • Lo lắng
  • Dị ứng
  • Thiếu máu
  • Hen suyễn
  • Suy tim sung huyết
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Viêm phổi, viêm màng phổi, thuyên tắc phổi
  • Rối loạn nhịp tim hoặc đau tim
  • Tăng huyết áp động mạch phổi
  • Bệnh nhược cơ
  • Thừa cân, béo phì
  • Bệnh lao.
khó thở hụt hơi
Nguyên nhân chính gây khó thở hụt hơi là bệnh phổi, bệnh tim mạch

Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khó thở

  • Cơ yếu, đặc biệt là những cơ liên quan đến hô hấp, chẳng hạn như cơ hoành
  • Nồng độ hemoglobin trong máu thấp
  • Hút thuốc lá
  • Ô nhiễm môi trường.

Khó thở hụt hơi thường xuyên có nguy hiểm không?

Theo bác sĩ Fritz, khó thở đột ngột có thể cần cấp cứu ngay lập tức, vì có liên quan đến đau tim, cục máu đông trong phổi hoặc có vấn đề với động mạch chủ.

Điều quan trọng là cần tìm hiểu xem nguyên nhân gây khó thở là gì. Nếu không tìm được nguyên nhân cơ bản và không điều trị có thể gây tử vong.

khó thở hụt hơi
Cục máu đông trong phổi là nguyên nhân chính gây khó thở hụt hơi

Khó thở hụt hơi như thế nào thì cần đi khám?

  • Nếu nhận thấy có những triệu chứng nào dưới đây kèm theo khó thở, thì bạn nên đi khám.
  • Cảm giác khó thở vẫn tồn tại ngay cả khi bạn đã nghỉ ngơi trong 30 phút
  • Bàn chân và mắt cá chân bị sưng phù
  • Nhiệt độ cơ thể tăng cao, ớn lạnh
  • Ho
  • Thở khò khè hoặc tiếng như huýt sáo khi hít vào và thở ra
  • Thở tạo ra âm thanh the thé (có tiếng)
  • Đầu ngón tay hoặc môi xanh
  • Tình trạng khó thở ngày càng trở nên tồi tệ hơn sau khi đã sử dụng ống hít
  • Đau hoặc có áp lực trong ngực
  • Buồn nôn
  • Ngất xỉu

Các phương pháp tự khắc phục và điều trị tại nhà

Nếu bạn không mắc bệnh lý gì nguy hiểm (bệnh phổi, bệnh tim mạch, hen suyễn), nhưng thấy khó thở hụt hơi, thì có thể áp dụng những biện pháp đơn giản như gợi ý dưới đây.

1. Thở mím môi

 

khó thở hụt hơi
Phương pháp thở để giảm tình trạng khó thở

Đây là một cách đơn giản để làm chậm nhịp thở của bạn, giúp mỗi hơi thở sâu hơn và hiệu quả hơn. Nó cũng giúp giải phóng không khí bị mắc kẹt trong phổi.

Bạn có thể áp dụng biện pháp này bất cứ khi nào cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi cúi người, nâng vật nặng hoặc leo cầu thang.

Cách thực hiện: Thư giãn cơ cổ và vai; Từ từ hít vào bằng mũi trong hai lần đếm; Mím môi như thể bạn sắp huýt sáo; Thở ra từ từ và nhẹ nhàng qua đôi môi mím và đếm đến bốn.

2. Ngồi cúi người về phía trước

khó thở hụt hơi
Ngồi cúi người về phía trước để thở dễ dàng hơn

Ngồi nghỉ ngơi giúp thư giãn cơ thể và giúp thở dễ dàng hơn.

Bạn chỉ cần ngồi trên ghế, đặt hai bàn chân xuống sàn, hơi nghiêng ngực về phía trước. Nhẹ nhàng chống khuỷu tay lên đầu gối hoặc dùng tay chống cằm. Nhớ giữ cho cơ cổ và vai được thư giãn.

3. Ngồi cúi người về phía trước, dựa vào bàn

khó thở hụt hơi
Ngồi cúi người dựa vào bàn để lấy hơi dễ hơn

Đây là một tư thế ngồi thoải mái để lấy hơi. Bạn nên kê đầu trên cẳng tay hoặc trên gối.

4. Đứng dựa hông vào tường

khó thở hụt hơi
Đứng cũng giúp bạn hít thở dễ dàng hơn

Đứng gần tường và tựa hông vào tường. Để chân rộng bằng vai và đặt tay lên đùi. Thả lỏng vai, hơi nghiêng người về phía trước và dang hai tay ra trước mặt.

5. Đứng khom người, đặt tay lên bàn

khó thở hụt hơi
Đây là tư thế giúp thư giãn đường thở

Đứng gần bàn, chống khuỷu tay hoặc bàn tay lên bàn, giữ cho cổ và vai được thư giãn.

6. Nằm với tư thế thoải mái

khó thở hụt hơi
Tư thế ngủ giúp giảm khó thở hụt hơi

Nhiều người cảm thấy khó thở trong khi nằm. Điều này có thể gây mất ngủ, thức dậy nhiều lần trong đêm.

Hãy thử nằm nghiêng với một chiếc gối giữa hai chân và kê cao đầu bằng gối, giữ lưng thẳng. Hoặc nằm ngửa, kê cao đầu và gập đầu gối, kê một chiếc gối dưới đầu gối.

Cả hai tư thế này đều giúp cơ thể và đường thở được thư giãn, giúp thở dễ dàng hơn.

7. Thở bằng cơ hoành

khó thở hụt hơi
Tập thở bằng cơ hoành để theo dõi nhịp thở

Hãy ngồi trên ghế với đầu gối uốn cong và thư giãn vai, đầu và cổ.

Đặt tay lên bụng. Hít vào từ từ bằng mũi. Bạn sẽ cảm thấy bụng đang di chuyển dưới bàn tay của mình. Khi bạn thở ra, siết chặt các cơ, bạn sẽ cảm thấy bụng mình hóp vào trong. Thở ra bằng miệng với đôi môi mím chặt.

Tập trung vào thở ra nhiều hơn hít vào. Tiếp tục thở ra lâu hơn bình thường trước khi từ từ hít vào trở lại. Lặp lại trong khoảng 5 phút.

8. Sử dụng quạt

Một nghiên cứu cho thấy rằng không khí mát mẻ có thể giúp giảm khó thở. Hướng một chiếc quạt cầm tay nhỏ về phía mặt có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bạn.

9. Uống cà phê

Nghiên cứu chỉ ra rằng caffeine làm giãn các cơ trong đường hô hấp của những người bị hen suyễn. Điều này có thể giúp cải thiện chức năng phổi trong tối đa 4 giờ.

Vân Anh (Dịch theo pennmedicine.org & healthline.com)