1. ĐẠI CƯƠNG
Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh lý tự miễn điển hình, diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau.
Bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề do đó cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp điều trị hữu hiệu để làm ngừng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ SINH BỆNH
– Bệnh chưa rõ nguyên nhân, liên quan đến nhiễm khuẩn, cơ địa (nữ giới, trung niên, yếu tố HLA) và rối loạn đáp ứng miễn dịch.
– Trong đó vai trò của lympho B (miễn dịch dịch thể), lympho T (miễn dịch qua trung gian tế bào), đại thực bào… với sự tham gia của các tự kháng thể (anti CCP, RF…) và các cytokines (TNFá, IL6, IL1…).
3. CHẨN ĐOÁN
3.1. Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987
– Hiện nay tiêu chuẩn này vẫn đang được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới và Việt Nam đối với thể biểu hiện nhiều khớp và thời gian diễn biến viêm khớp trên 6 tuần.
+ Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.
+ Viêm tối thiểu ba nhóm khớp: sưng phần mềm hay tràn dịch tối thiểu 3 trong số 14 nhóm khớp sau (kể cả hai bên): khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân.
+ Viêm các khớp ở bàn tay: sưng tối thiểu một nhóm trong số các khớp cổ tay, khớp ngón gần, khớp bàn ngón tay.
+ Viêm khớp đối xứng.
+ Hạt dưới da.
+ Yếu tố dạng thấp trong huyết thanh dương tính.
+ Dấu hiệu X quang điển hình của VKDT: chụp khớp tại bàn tay, cổ tay hoặc khớp tổn thương: hình bào mòn, hình hốc, hình khuyết đầu xương, hẹp khe khớp, mất chất khoáng đầu xương.
Chẩn đoán xác định: khi có ≥ 4 tiêu chuẩn. Triệu chứng viêm khớp (tiêu chuẩn 1- 4) cần có thời gian diễn biến ≥ 6 tuần và được xác định bởi thầy thuốc.
Tiêu chuẩn ACR 1987 có độ nhạy 91-94% và độ đặc hiệu 89% ở những bệnh nhân VKDT đã tiến triển. Ở giai đoạn bệnh mới khởi phát, độ nhạy chỉ dao động từ 40-90% và độ đặc hiệu từ 50-90%.
Lưu ý: Hạt dưới da hiếm gặp ở Việt Nam. Ngoài ra, cần khảo sát các triệu chứng ngoài khớp như: teo cơ, viêm mống mắt, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, viêm mạch máu… thường ít gặp, nhẹ, dễ bị bỏ sót.
>> Xem thêm Viêm khớp dạng thấp (Kỳ II): Điều trị và cách phòng ngừa
3.2. Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp châu Âu 2010 (ACR/EULAR 2010 – American College of Rheumatology/ European League Against Rhumatism).
Tiêu chuẩn này có thể áp dụng trong trường hợp bệnh ở giai đoạn sớm, các khớp viêm dưới 06 tuần và thể ít khớp. Tuy nhiên cần luôn theo dõi đánh giá lại chẩn đoán vì nhiều trường hợp đây cũng có thể là biểu hiện sớm của một bệnh lý khớp khác không phải viêm khớp dạng thấp
Đối tượng là các bệnh nhân:
– Có ít nhất một khớp được xác định viêm màng hoạt dịch trên lâm sàng.
– Viêm màng hoạt dịch khớp không do các bệnh lý khác.
Biểu hiện Điểm
A. Biểu hiện tại khớp
1 khớp lớn 2-10 khớp lớn 1-3 khớp nhỏ (có hoặc không có biểu hiện tại các khớp lớn) 4-10 khớp nhỏ (có hoặc không có biểu hiện tại các khớp lớn) >10 khớp (ít nhất phải có 1 khớp nhỏ) | 0 1 2 3 5 |
B. Huyết thanh (ít nhất phải làm một xét nghiệm)
RF âm tính và Anti CCP âm tính 0
RF dương tính thấp* hoặc Anti CCP dương tính thấp* 2
RF dương tính cao* hoặc Anti CCP dương tính cao* 3
C. Các yếu tố phản ứng pha cấp (cần ít nhất một xét nghiệm)
CRP bình thường và Tốc độ lắng máu bình thường 0
CRP tăng hoặc Tốc độ lắng máu tăng 1
D. Thời gian biểu hiện các triệu chứng
<6 tuần 0
≥6 tuần 1
Chẩn đoán xác định: khi số điểm ≥6/10
Dương tính thấp khi ≤ 3 lần giới hạn cao của bình thường.
Dương tính cao khi > 3 lần giới hạn cao của bình thường.
3.3. Xét nghiệm cận lâm sàng cần chỉ định
– Các xét nghiệm cơ bản: tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, protein phản ứng C (CRP)…, xét nghiệm chức năng gan, thận, Xquang tim phổi, điện tâm đồ…
– Các xét nghiệm đặc hiệu (có giá trị chẩn đoán, tiên lượng):
+ Yếu tố dạng thấp (RF) dương tính trong 60 – 70 % bệnh nhân.
+ Anti CCP dương tính trong 75 – 80 % bệnh nhân.
+ Xquang khớp (thường chụp hai bàn tay thẳng hoặc các khớp bị tổn thương).
3.4. Chẩn đoán phân biệt
Lupus ban đỏ hệ thống, thoái hoá khớp, gút mạn tính, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến….
*Theo Hướng dẫn và chẩn đoán điều trị các bệnh cơ xương khớp của Bộ Y tế