Thông tin quan trọng cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một loại viêm phổi mãn tính khiến luồng khí từ phổi bị cản trở. Tìm hiểu các biện pháp khắc phục để sống chung với căn bệnh này suốt đời.

bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD
Phổi tắc nghẽn mãn tính gây khó thở, luồng khí từ phổi bị cản trở

Phân loại bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

COPD là thuật ngữ chỉ chung cho những trường hợp bệnh sau:

  • Khí phế thũng: Phổi được tạo thành từ 300 triệu túi khí nhỏ gọi là phế nang. Các túi khí này thường co giãn. Khi hít vào túi khí mở rộng như quả bóng nhỏ. Khi bị bệnh COPD khiến các túi khí của phổi gọi là phế nang bị tổn thương, phá hủy niêm mạc bên trong phổi và khiến chúng hợp nhất thành một túi khí khổng lồ. Bệnh cũng khiến cho người bệnh không thể hấp thụ oxy vì thế nhận được ít oxy hơn trong máu. Các phế nang bị tổn thương có thể khiến cho phổi bị giãn ra và mất đi tính đàn hồi. Không khí bị mắc kẹt trong phổi và người bệnh không thể thở ra, gây cảm giác khó thở.
  • Viêm phế quản mãn tính: Nếu bị ho, khó thở và có đờm kéo dài ít nhất 3 tháng trong 2 năm liên tiếp thì có thể là dấu hiệu viêm phế quản mãn tính. Các sợi giống như lông được gọi là lông mao lót các ống phế quản và giúp di chuyển chất nhờn ra ngoài. Khi bị viêm phế quản mãn tính, các lớp lông mao này thường bị mất đi. Do đó các chất nhầy khó thoát ra ngoài gây ho nhiều hơn, tạo ra nhiều chất nhầy hơn.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn tới COPD

Tiếp xúc thường xuyên với những tác nhân gây kích ứng phổi là nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD. Thông thường, những người hút thuốc lá, xì gà hoặc các loại khói thuốc khác dễ bị mắc bệnh.
Nếu đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và vẫn hút thuốc thường xuyên thì bệnh có xu hướng trở nên tồi tệ nhanh hơn.

Nhiều trường hợp mắc bệnh COPD là do tiếp xúc với bụi, ô nhiễm không khí hoặc hóa chất trong thời gian dài.
Người cao tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bệnh thường phát triển chậm trong nhiều năm nên nhiều bệnh nhân phát hiện ra bệnh khi ở độ tuổi trung niên hoặc cao tuổi.

Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra tình trạng ho có đờm kéo dài

Trong giai đoạn đầu của bệnh COPD thì có thể người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên ở các giai đoạn nặng, người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng sau:

  • Ho liên tục không thuyên giảm
  • Ho nhiều đờm
  • Khó thở, đặc biệt khi hoạt động thể chất
  • Thở khò khè hoặc có tiếng rít trong lồng ngực khi thở
  • Tức ngực
  • Thường xuyên bị cảm lạnh hoặc cảm cúm
  • Móng tay màu xanh
  • Yếu ớt
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân (trong giai đoạn sau của bệnh)
  • Sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc cẳng chân

Chẩn đoán và xét nghiệm cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Người bệnh COPD cần chụp X-quang phổi để loại trừ một số vấn đề về phổi khác

Khi đi khám bệnh, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh và hỏi xem người bệnh có hút thuốc hay tiếp xúc với hóa chất, bụi hoặc khói ở nơi làm việc không. Bác sĩ cũng khám sức khỏe và kiểm tra hơi thở người bệnh. Hãy nói rõ với bác sĩ nếu như bạn bị ho liên tục.

Thử nghiệm phổ biến nhất khi khám bệnh là phép đo phế dung. Người bệnh sẽ thở vào ống lớn, linh hoạt được kết nối với máy đo phế dung. Máy sẽ đo lượng không khí mà phổi có thể chứa và tốc độ người bệnh có thể đưa không khí ra khỏi phổi.

Đôi khi, bác sĩ cần làm các xét nghiệm khác để loại trừ một số vấn đề khác về phổi như hen suyễn hoặc suy tim. Xét nghiệm khác bao gồm:

  • Xét nghiệm chụp X-quang phổi thẳng để loại trừ khí phế thũng, các vấn đề về phổi khác hoặc bệnh suy tim
  • Làm xét nghiệm chức năng phổi
  • Chụp CT, dùng một số tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết về phổi và có thể cho bác sĩ biết nếu cần phẫu thuật hoặc bị ung thư phổi
  • Xét nghiệm khí máu động mạch, đo lường mức độ phổi đang đưa oxy vào.

Phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên bỏ thuốc lá

Đây là loại bệnh không có cách trị khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị là giảm các triệu chứng bệnh và làm chậm tiến triển của bệnh. Bác sĩ cũng sẽ đặt mục tiêu là để ngăn ngừa hoặc điều trị bất kỳ biến chứng nào và cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể của người bệnh.

Một trong những điều tốt nhất mà người bệnh có thể làm để ngăn ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trở nên tệ hơn là ngừng hút thuốc lá.

Thuốc điều trị bệnh COPD

Có một số loại thuốc kê cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính để giảm các triệu chứng bệnh gồm:

  • Thuốc giãn phế quản: Người bệnh cần hít các loại thuốc này để giúp giãn nở đường thở.
  • Thuốc corticoid: Là các loại thuốc giúp giảm tình trạng viêm đường thở. Người bệnh có thể sử dụng ở dạng hít hoặc dạng viên uống.
  • Thuốc hít kết hợp: Là ống hít kết hợp steroid với thuốc giãn phế quản.
  • Thuốc kháng sinh: Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh để chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Roflumilast: Là loại thuốc ngăn chặn một loại enzyme có tên là PDE4. Thuốc ngăn ngừa bùng phát đợt cấp ở những người bị COPD có liên quan tới tình trạng viêm phế quản mãn tính.
  • Tiêm ngừa vắc xin cúm hoặc viêm phổi: Là các loại vắc xin làm giảm nguy cơ mắc các loại bệnh này.
  • Phục hồi chức năng phổi: Đây là các bài tập để quản lý bệnh tật và tư vấn để người bệnh có thể sống chung với COPD khỏe mạnh nhất có thể.
  • Liệu pháp oxy: Bạn có thể cần dùng loại thuốc này để giảm khó thở, bảo vệ các cơ quan và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phẫu thuật

Phẫu thuật sẽ áp dụng đối với một số người bị khí phế thũng nặng mà không được hỗ trợ điều trị đầy đủ bằng thuốc. Một số phương pháp phẫu thuật gồm:

  • Phẫu thuật giảm thể tích phổi: Bác sĩ sẽ loại bỏ các mô phổi bị hư hỏng từ phổi trên. Phẫu thuật giúp tạo thêm không gian trong khoang ngực để các mô phổi khỏe mạnh có thể mở rộng và cơ hoành hoạt động hiệu quả hơn. Đối với một số người, phẫu thuật dưới phương pháp này sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống.
  • Ghép phổi: Đây là phương pháp cấy ghép giúp cải thiện khả năng thở và các hoạt động của người bệnh. Tuy nhiên tìm được người hiến phổi phù hợp cũng không hề đơn giản. Đây là cuộc phẫu thuật lớn có chứa nhiều rủi ro sau đó như khả năng bị đào thải nội tạng và có thể cần sử dụng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời.
  • Cắt bóng khí: Đây là ca phẫu thuật mà bác sĩ sẽ cắt bỏ các phế nang bị hư hỏng để cải thiện luồng không khí lưu thông trong phổi.

Biến chứng khi mắc phải bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD

COPD có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Bệnh làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh, cúm và viêm phổi. Bệnh gây khó thở hơn và có thể gây tổn thương phổi nhiều hơn. Tiêm phòng cúm hằng năm và tiêm phòng viêm phổi định kỳ có thể có tác dụng.
  • Các vấn đề về tim: COPD có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim. Bỏ thuốc lá được coi là giúp cải thiện vấn đề này.
  • Ung thư phổi: Người bị COPD có nhiều khả năng bị ung thư phổi.
  • Huyết áp cao trong động mạch phổi: COPD có thể làm tăng huyết áp trong các động mạch đưa máu tới phổi.
  • Suy nhược cơ thể: Khó thở có thể khiến người bệnh không thể thực hiện các thói quen thường ngày. Sống chung với bệnh mãn tính có thể khiến người bệnh lo lắng kéo dài có thể dẫn tới trầm cảm, suy nhược cơ thể. Hãy tới gặp bác sĩ nếu như bạn gặp phải các tình trạng này.

Cách khắc phục triệu chứng COPD để sống chung với bệnh

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ

Mặc dù không có cách chữa bệnh dứt điểm tuy nhiên bạn có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để cải thiện chất lượng cuộc sống:

  • Đối với người hút thuốc lá hãy cai thuốc ngay
  • Tránh xa khói, bụi và ô nhiễm không khí
  • Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
  • Thực hiện các bài tập thở dành cho người bị phổi tắc nghẽn mãn tính
  • Đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ nhàng vài lần mỗi tuần
  • Ăn chế độ ăn uống lành mạnh
  • Uống nhiều nước và sử dụng máy tạo đổ ẩm giúp làm sạch phổi

Kiểm soát các đợt cấp khi bị phổi tắc nghẽn mãn tính

Đôi khi người bệnh COPD sẽ thấy các triệu chứng bệnh tồi tệ hơn trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Bạn có thể thấy mình ho nhiều hơn, có nhiều đờm hoặc khó thở hơn. Bác sĩ sẽ gọi đây là các đợt cấp tính. Nếu không được điều trị có thể dẫn tới suy phổi.

Các loại thuốc như kháng sinh hoặc steroid có thể có hiệu quả và các phương pháp điều trị bằng oxy cũng có tác dụng. Người bệnh cũng có khả năng phải nhập viện điều trị. Khi đã qua đợt cấp, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp ngăn ngừa các đợt cấp như:

  • Cai thuốc lá
  • Dùng steroid dạng hít, thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài hoặc các loại thuốc khác
  • Tiêm vắc xin cúm và viêm phổi hằng năm
  • Tránh ở môi trường ô nhiễm ngay khi có thể.

Đào Tâm