Làn da mỏng và yếu dễ bị tổn thương, lão hóa nhanh và xuống sắc “không phanh”. Cần xác định nguyên nhân nào khiến da mỏng để có biện pháp chăm sóc kịp thời.
Thế nào là da mỏng?
Da mỏng hơn một cách tự nhiên trên một số bộ phận của cơ thể. Da ở mí mắt chỉ dày 0,5 mm (mm), trong khi da ở gót chân có thể dày tới 4 mm.
Da được tạo thành từ ba lớp, mỗi lớp có một vai trò khác nhau:
- Hạ bì là lớp trong cùng, được tạo thành từ mô, mỡ và tuyến mồ hôi
- Lớp bì giữa của da là lớp tiếp theo, chứa các dây thần kinh và cung cấp máu
- Biểu bì là lớp ngoài cùng của da, là hàng rào chống lại bụi bẩn và vi khuẩn
Da mỏng có nghĩa là lớp biểu bì không dày như mong muốn. Lớp dưới biểu bì cũng có thể có ít chất béo hơn. Làn da mỏng hơn có thể không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên, người có làn da mỏng có thể nhận thấy rằng da bị tổn thương hoặc dễ bị bầm tím hơn.
Dấu hiệu nhận biết làn da mỏng
Làn da mỏng trông trong suốt hơn và có thể nhìn thấy các tĩnh mạch, xương hoặc gân rõ ràng hơn.
Da mỏng cũng dễ bị tổn thương hơn, dễ bị bầm tím hoặc rách sau khi bị thương nhẹ. Việc mất chất béo từ lớp dưới biểu bì khiến da trông kém đầy đặn, có thể khiến da mỏng hơn.
Nguyên nhân khiến làn da mỏng và yếu
Lão hóa tự nhiên
Lão hóa là nguyên nhân phổ biến nhất khiến làn da mỏng. Theo thời gian, lớp collagen và eslatin trên da giảm dần khiến độ đàn hồi của da kém hơn, da khô hơn và các nếp nhăn, rãnh nhăn xuất hiện nhiều hơn.
Thói quen sống
Hút thuốc và uống rượu đều làm tăng tốc độ lão hóa da và có thể góp phần làm mỏng da.
Tác dụng phụ của thuốc
Kem steroid có thể làm cho các tế bào trong lớp biểu bì nhỏ hơn, ảnh hưởng đến mô kết nối các tế bào da. Điều này có thể khiến da trông nhăn nheo hoặc chùng nhão.
Một số loại kem bôi tại chỗ hoặc thuốc mỡ được sử dụng để điều trị các bệnh về da, chẳng hạn như bệnh chàm cũng có thể dẫn đến mỏng da.
Da sẽ trở lại độ dày bình thường sau khi ngừng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất vài tuần, vì tế bào da cần thời gian để thay mới.
Tác động của ánh nắng
Ánh nắng mặt trời đóng một vai trò quan trọng trong việc khiến da mỏng hơn theo thời gian. Tia UVA và UVB có thể giết chết hoặc làm tổn thương các tế bào da.
Cách chăm sóc làn da mỏng và yếu
Không thể đảo ngược tình trạng mỏng da cũng như không thể ngăn chặn được quá trình lão hóa tự nhiên. Theo thời gian da trở nên mỏng hơn và khô hơn. Nếu có làn da mỏng và yếu, bạn nên thực hiện ngay các biện pháp để bảo vệ da, ngăn ngừa da lão hóa “không phanh”.
Lưu ý chế độ ăn uống
Ăn một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể và giúp làn da tươi sáng, rạng rỡ hơn. Trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và protein là những thực phẩm rất tốt cho da.
Vitamin E được tìm thấy trong các loại thực phẩm như hạnh nhân và bơ, cũng giúp làn da mềm mại, khỏe mạnh.
Uống đủ nước giúp cung cấp độ ẩm cho da. Da khô có thể dễ bị kích ứng hoặc tổn thương hơn và thường lão hóa nhanh hơn. Ngoài ra, rượu bia và các chất kích thích cũng làm tăng tốc độ lão hóa da, do vậy nếu muốn có làn da khỏe đẹp thì nên cắt giảm những loại đồ uống này.
Chú ý chống nắng
Tia UV từ ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân chính gây lão hóa da, khiến da mỏng yếu và dễ bị tổn thương hơn. Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách: bôi kem chống nắng có chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn, tránh ra ngoài trời vào thời điểm nóng nhất trong ngày, mặc áo dài tay và váy dài để che chắn cơ thể khi ra ngoài trời nóng.
Chú ý mỹ phẩm
Đừng bôi bất cứ thứ gì lên da nếu bạn không biết nó có phù hợp với làn da của mình hay không. Người có làn da mỏng và yếu càng cần phải đọc kỹ bảng thành phần của mỹ phẩm, nên tránh xa các sản phẩm có chứa thành phần gây kích ứng, chất bào mòn hoặc mùi hương liệu…
Dưỡng ẩm kỹ càng
Dưỡng ẩm cho da có thể giúp da không bị khô và tổn thương. Nên bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày để cấp nước và dưỡng chất nuôi dưỡng làn da. Nên lựa chọn các sản phẩm dưỡng ẩm có thành phần tự nhiên, để tránh gây kích ứng.
Lưu ý, nếu bạn nhận thấy làn da thường xuyên bị bầm tím và dễ bị tổn thương, nên gặp bác sĩ tư vấn để được thăm khám và xác định nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị phù hợp.
DS. Phan Hiền