Những cách chặn đứng cơn đau nửa đầu được nhiều người áp dụng

Cơn đau nửa đầu gây buốt nhói kèm theo buồn nôn, sợ ánh sáng và âm thanh thực sự là nỗi ám ảnh của không ít người. Có nhiều cách giúp giảm đau và ngăn ngừa cơn đau đầu tái phát.

Đau nửa đầu
Đau nửa đầu gây buốt nhói một bên đầu kèm theo buồn nôn

Mô tả cơn đau nửa đầu

Cơn đau nửa đầu thường có những triệu chứng sau:

  • Đau một bên đầu
  • Đau nhói, như khoan vào đầu hoặc đau âm ỉ, kéo dài
  • Tê như kim châm hoặc cảm giác ngứa ran ở mặt, cánh tay hoặc chân
  • Sợ ánh sáng, sợ âm thanh
  • Nhìn mờ, chóng mặt
  • Khó nói
  • Buồn nôn, nôn

Cơn đau nửa đầu thường kéo dài khoảng 4 tiếng. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, cơn đau có thể kéo dài đến 3 ngày, thậm chí là một tuần.

Nguyên nhân gây đau nửa đầu

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây đau nửa đầu. Họ cho rằng tình trạng này là do hoạt động “bất thường” của não ảnh hưởng đến tín hiệu thần kinh, các chất hóa học và mạch máu trong não.
Ngoài ra, cũng có nhiều yếu tố có thể dẫn đến đau nửa đầu, gồm:

  • Ánh đèn điện quá sáng
  • Thời tiết nắng nóng
  • Thay đổi áp suất khí quyển
  • Mất nước
  • Dao động hormone như estrogen và progesterone trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh
  • Căng thẳng quá mức
  • Những âm thanh lớn, chát chúa
  • Tập thể dục thể thao cường độ mạnh
  • Ăn kiêng
  • Thiếu ngủ, mất ngủ
  • Tác dụng phụ của thuốc, như thuốc tránh thai hoặc nitroglycerin
  • Mùi hóa chất
  • Hút thuốc lá
  • Uống nhiều rượu bia
  • Do thực phẩm

Để xác định được nguyên nhân hay yếu tố nào dẫn đến cơn đau nửa đầu, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ghi nhật ký về cơn đau. Viết ra những gì người bệnh đã ăn, đã làm, những loại thuốc đã uống trước khi cơn đau bùng phát… Những điều này có thể giúp xác định các yếu tố gây đau đầu.

Đau nửa đầu
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cơn đau nửa đầu

Các biện pháp điều trị đau nửa đầu

Do có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố gây đau nửa đầu, nên việc điều trị cần kết hợp cả thuốc, điều chỉnh lối sống, kiểm soát căng thẳng và tránh các tác nhân gây đau nửa đầu.

1. Dùng thuốc điều trị

Điều trị đau nửa đầu nhằm mục đích ngăn chặn các triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát. Thuốc được sử dụng để điều trị được chia thành hai loại chính là thuốc giảm đau và thuốc phòng ngừa.

Các loại thuốc giúp giảm đau

Thuốc có tác dụng tốt nhất khi mới khởi phát cơn đau. Các loại thuốc có thể được sử dụng gồm:

  • Thuốc giảm đau: như aspirin hoặc ibuprofen. Lưu ý, khi dùng quá lâu, chúng có thể gây đau đầu do lạm dụng thuốc, có thể gây loét và chảy máu đường tiêu hóa.
  • Thuốc giảm đau nửa đầu kết hợp caffeine, aspirin và acetaminophen: thường chỉ chống lại cơn đau nửa đầu nhẹ.
  • Triptans: thuốc bán theo đơn như sumatriptan và rizatriptan được sử dụng để ngăn chặn các đường dẫn đau trong não. Được dùng dưới dạng thuốc viên, thuốc tiêm hoặc thuốc xịt mũi. Lưu ý, những loại thuốc này có thể không an toàn cho những người có nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim.
  • Dihydroergotamine: có hiệu quả nhất khi được dùng ngay sau khi bắt đầu có các triệu chứng đau nửa đầu. Các tác dụng phụ có thể gồm nôn và buồn nôn. Những người bị bệnh mạch vành, cao huyết áp, bệnh thận hoặc gan nên tránh dùng dihydroergotamine.
  • Lasmiditan: giúp cải thiện cơn đau đầu, nhưng có tác dụng phụ là buồn ngủ và chóng mặt.
  • Ubrogepant: có hiệu quả với tình trạng đau nửa đầu kèm theo buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Các tác dụng phụ thường gặp là khô miệng, buồn nôn và buồn ngủ.
  • Thuốc chống buồn nôn: được dùng khi cơn đau nửa đầu kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
  • Thuốc hoạt huyết: để tăng cường tuần hoàn máu lên não, giúp giảm đau đầu do thiểu năng tuần hoàn.

Các loại thuốc phòng ngừa

Với những người thường bị đau nửa đầu nhiều lần trong tháng, nhiều tháng trong năm, cần dùng kết hợp một số loại thuốc để ngăn ngừa cơn đau nửa đầu tái phát.

  • Thuốc giảm huyết áp
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc chống động kinh
  • Tiêm botox
  • Kháng thể đơn dòng CGRP
  • Thuốc hoạt huyết để tăng cường tuần hoàn máu não

2. Tránh các tác nhân gây đau nửa đầu

Nhiều loại thực phẩm, đồ uống và thói quen sinh hoạt là nguyên nhân khởi phát cơn đau đầu nên cần tránh hoặc loại bỏ.

  • Thực phẩm có nitrat bao gồm xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói
  • Sô cô la
  • Phô mai có chứa hợp chất tyramine
  • Rượu bia
  • Thực phẩm có chứa bột ngọt (MSG)
  • Thực phẩm quá lạnh như kem hoặc đồ uống có đá
  • Thực phẩm muối chua
  • Một số loại đậu
  • Trái cây sấy
  • Uống quá nhiều trà, cà phê có chứa caffeine
  • Tập thể dục cường độ mạnh
  • Thức khuya, ngủ ít
Đau nửa đầu
Một số loại thực phẩm gây đau nửa đầu cần tránh hoặc hạn chế

3. Các biện pháp điều trị tự nhiên

Dùng tinh dầu

Hít tinh dầu oải hương có thể làm dịu cơn đau nửa đầu. Bạn có thể đốt tinh dầu oải hương trong phòng hoặc trộn với chút dầu nền (dầu dừa, dầu hạnh nhân) rồi thoa lên thái dương.

Ngoài tinh dầu oải hương, có thể dùng tinh dầu bạc hà. Chất menthol trong tinh dầu bạc hà có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu.

Massage

Xoa bóp làm giảm căng thẳng, làm tăng serotonin trong não. Đau nửa đầu có liên quan đến lượng serotonin trong não thấp. Do vậy, xoa bóp sẽ giúp giảm đau đầu.

Châm cứu, bấm huyệt

Kích thích một số huyệt đạo trên cơ thể sẽ giúp giảm căng thẳng, giảm đau nửa đầu.

Đau nửa đầu
Châm cứu là một trong những liệu pháp giúp giảm đau nửa đầu

Tập yoga

Tập yoga giúp cải thiện sự lo lắng, giải tỏa căng thẳng và tăng cường lưu thông máu khắp cơ thể. Theo các nhà nghiên cứu, yoga có thể được coi là một liệu pháp bổ sung để điều trị đau nửa đầu.

Áp dụng các kỹ thuật giúp giảm căng thẳng

Theo Hiệp hội Đau đầu Hoa Kỳ, có đến hơn 80% người bị đau nửa đầu cho biết căng thẳng là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh của họ. Do vậy, học cách kiểm soát căng thẳng có thể giúp giảm tần suất đau nửa đầu.

Một số kỹ thuật quản lý căng thẳng thường được áp dụng gồm: bài tập thở sâu, nghe nhạc thư giãn, ngồi thiền, tập các bài tập giãn cơ, quản lý thời gian hiệu quả…

Bổ sung magie

Thiếu một số dưỡng chất, đặc biệt là magie làm tăng nguy cơ đau đầu và đau nửa đầu. Do vậy, nên chú ý bổ sung dưỡng chất này qua một số loại thực phẩm như: hạt điều, hạt hướng dương, hạt vừng, yến mạch, bơ lạc, trứng, sữa…

Đau nửa đầu
Một số loại thực phẩm giàu Magie (Mg) giúp giảm nhanh cơn đau nửa đầu

Uống đủ nước

Cũng theo Hiệp hội Đau đầu Hoa Kỳ, có khoảng 1/3 số người bị đau nửa đầu cho biết họ uống ít nước và bị mất nước.

Để ngăn ngừa mất nước, hãy uống nhiều nước, nhất là khi tập thể dục và những ngày nắng nóng. Lượng nước cần uống với mỗi người và mỗi độ tuổi có thể khác nhau. Trung bình, mỗi người cần uống khoảng 1,5-2 lít chất lỏng mỗi ngày (gồm nước lọc, nước hoa quả, nước canh, súp…).

Đảm bảo ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ chập chờn, hay mơ… cũng dẫn đến những cơn đau nửa đầu. Để đảm bảo ngủ đủ giấc và ngủ ngon, nên đi ngủ đúng giờ mỗi đêm, tránh uống cà phê và trà vào buổi chiều, tránh các hoạt động mạnh trước khi đi ngủ, tập thói quen đi ngủ và thức dậy cùng một khung giờ mỗi ngày…

Lưu ý, trong trường đã thay đổi và áp dụng các biện pháp trên mà cơn đau nửa đầu vẫn tái phát và ngày càng nặng hơn, tốt nhất là bạn nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân chính xác và có biện pháp điều trị phù hợp.

Vân Anh