Cảnh báo sự nguy hiểm của dịch cúm A và cách xử trí tại nhà

Hiện nay dịch cúm A đang lây lan rộng, ai cũng có nguy cơ bị bệnh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Nhận biết các triệu chứng cúm A và cách xử trí khi nhiễm bệnh.

dịch cúm A
Cúm A có thể lây lan rất nhanh với cả trẻ nhỏ và người lớn

Cúm A là gì?

Cúm A là một loại virut gây ra bệnh cúm, một bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Nếu bị mắc bệnh bạn sẽ cần phải nghỉ tại nhà để tránh lây nhiễm cho người khác. Tiêm phòng có thể giúp phòng tránh bệnh cúm A hiệu quả.
Ngoài cúm A còn một số chủng virut cúm khác là cúm B và C.

Cúm A và B là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh cúm và dễ gây bùng phát các đợt dịch. Cúm C thường chỉ gây ra nhiễm trùng đường hô hấp ở thể nhẹ.

Thông thường, những người bị cúm đều là do nhiễm virut cúm A. Hiện nay, chủng cúm này đang bùng phát ở một số tỉnh thành phía Bắc.

Một số loại cúm A

dịch cúm A
Virut cúm A có thể lây từ động vật sang người

Ngoài việc lây nhiễm giữa người và người thì virut cúm A có thể lây nhiễm sang động vật như gia cầm (gây cúm gia cầm) và lợn (bệnh cúm lợn). Trong một số trường hợp, các loại cúm từ động vật có thể lây sang người.

Cúm gia cầm

Cúm gia cầm – là một phân nhóm của virut cúm A (H5N1) chủ yếu ảnh hưởng đến các loại chim và gà. Loại virut này gây ra các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể gây tử vong ở người.

Dù bệnh cúm gia cầm có thể nghiêm trọng nhưng số trường hợp được phát hiện ở người là rất nhỏ. Hầu hết người được chẩn đoán mắt bệnh cúm gia cầm đều bị lây bệnh từ gia cầm nuôi trong nhà đang bị nhiễm bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy bệnh cúm gia cầm có thể lây truyền từ người sang người.

Cúm lợn

Cúm lợn là một loại virut cúm A được tìm thấy ở lợn. Vào năm 2009, một chủng virut cúm có tên H1N1 đã gây là một dịch nhiễm trùng đường hô hấp ở người, làm lây lan bệnh nhanh chóng trên toàn thế giới và phát triển thành đại dịch.

Đại dịch cúm năm 1918 cũng được cho là do virut cúm A H1N1 gây ra.

Hầu hết các trường hợp mắc cúm lợn khá nhẹ nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn đối với một số người bị mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai hoặc trẻ nhỏ.

Triệu chứng nhiễm cúm A

Cúm A thường bị sốt cao và ớn lạnh
Người mắc phải cúm A thường bị sốt cao và ớn lạnh

Người bị nhiễm cúm A sẽ gặp phải một số triệu chứng sau:

  • Sốt và ớn lạnh
  • Nhức đầu và đau cơ
  • Cảm thấy người mệt mỏi và yếu hơn
  • Hắt hơi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
  • Đau họng và ho

Trẻ bị nhiễm cúm A cũng có thể cảm thấy đau bụng, buồn nôn và nôn mửa.

Trong hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh, người bệnh đều có thể tự điều trị các triệu chứng bệnh cúm ở tình trạng nhẹ tại nhà. Có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau hạ sốt khi sốt cao. Hầu hết người bệnh sẽ trở lại bình thường trong khoảng 7 – 10 ngày.

Nếu sau 7 ngày, các triệu chứng cúm A vẫn kéo dài và thậm chí tệ hơn thì cần phải lên lịch thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Chẩn đoán và điều trị cúm A

Để xác định người bệnh có mắc cúm A hay không, bác sĩ sẽ cần phải kiểm tra virut cúm. Thử nghiệm ưu tiên là xét nghiệm phân tử nhanh. Bác sĩ sẽ ngoáy mũi hoặc họng của người bệnh. Xét nghiệm sẽ phát hiện ra RNA của virut cúm trong vòng 30 phút hoặc nhanh hơn.

Về điều trị, với các trường hợp nhiễm cúm A thể nhẹ có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virut để giúp chống lại nhiễm trùng.

Các đơn thuốc kháng virut khá phổ biến gồm:

  • Zanamivir (Relenza)
  • Oseltamivir (Tamiflu)
  • Peramivir (Rapivab)

Đây là các thuốc chứa chất ức chế neuraminidase, làm giảm khả năng lây lan của virut cúm từ tế bào này sang tế bào khác, làm chậm quá trình lây nhiễm.

Dù thuốc có hiệu quả trong điều trị cúm A nhưng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và nôn mửa. Nếu bạn gặp thêm bất kỳ triệu chứng nào như vậy thì nên ngưng dùng thuốc và gọi cho bác sĩ ngay lập tức.

Mẹo giúp giảm các triệu chứng cúm A ngay tại nhà

Do cúm A chưa có thuốc đặc trị nên người bệnh có thể áp dụng một số mẹo giúp giảm các triệu chứng khó chịu ngay tại nhà.

1. Nghỉ ngơi tại nhà

sự nguy hiểm của cúm A
Nên nghỉ ngơi tại nhà khi bị cúm A

Nếu bạn nghi ngờ mình có các triệu chứng cúm A, hãy xin nghỉ làm ở cơ quan hoặc nếu là trẻ nhỏ thì cho bé nghỉ học trong vài ngày. Virut cúm A rất dễ lây lan nên tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với người khác.

Tận dụng thời gian để nghỉ ngơi trong khi cơ thể đang chống lại virut.

2. Uống nhiều nước

Hãy uống nhiều chất lỏng hơn so với bình thường. Không nhất thiết chỉ là nước tinh khiết, bạn có thể bổ sung cả nước ép trái cây, đồ uống thể thao và súp gà. Bổ sung nhiều chất lỏng sẽ giúp cho hệ hô hấp được cung cấp nước và giúp loại bỏ chất nhầy khó chịu, chuyển chúng thành dạng lỏng loãng để dễ dàng ho hay khạc ra ngoài.

3. Sử dụng thuốc giảm đau

Bị sốt khi bị cúm A là do cơ thể đang tăng nhiệt độ để chống lại virut cúm.

Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem loại nào phù hợp với bạn.

4. Vệ sinh mũi họng bằng nước muối

Sử dụng thuốc nhỏ mũi hoặc dung dịch vệ sinh mũi để làm sạch mũi họng khi bị cúm sẽ giúp cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi khá hiệu quả. Bạn có thể nhỏ vài giọt nước muối vào một bên mũi và xì ra ở bên còn lại.

Phòng ngừa nhiễm cúm A

Cách tốt nhất để ngăn chặn bị nhiễm cúm là tiêm chủng hằng năm. Mỗi mũi vắc xin ngừa cúm có thể chống lại 3 – 4 chủng virut cúm khác nhau trong mùa cúm năm đó.

Cách khác giúp ngăn bị lây dịch cúm A gồm:

  • Rửa tay thường xuyên
  • Tránh tụ tập nơi đông người, đặc biệt trong thời gian bùng phát dịch cúm
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
  • Ở nhà nếu như bạn bị sốt và ít nhất 24h sau khi hết sốt

Đào Tâm