Bị nổi mụn ở viền môi hay trên bề mặt môi khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Tuy đây là vị trí khá nhạy cảm hiếm khi nổi mụn nhưng cũng có nhiều cách xử lý để nhanh hết mụn.
Bạn có thể bị nổi mụn trên môi không?
Mụn nhọt là một loại mụn trứng cá có thể phát triển trên bề mặt hầu hết các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả môi.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây sưng ở môi nhưng nếu là mụn nhọt thì thường là do lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Nguyên do là có nhiều dầu thừa trên da, có vi khuẩn hoặc các nang lông bị mắc kẹt. Nếu lỗ chân lông bị tắc sẽ gây viêm, nổi mụn và có chứa mủ.
Đôi khi sử dụng các sản phẩm như son dưỡng môi, đồ trang điểm, kem đánh răng và kem cạo râu có chứa thành phần gây kích ứng da, bít lỗ chân lông và gây nổi mụn. Bị căng thẳng và sử dụng một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ nổi mụn trên môi.
Nổi mụn ở môi không có nghĩa là bạn đang vệ sinh kém, và thực tế đây không phải là một nguyên nhân đáng ngại. Cũng tương tự như các nốt mụn ở bộ phận khác thì bạn cũng nên tránh nặn mụn ở môi để ngừa nhiễm trùng hoặc để lại sẹo.
Phải làm sao để loại bỏ mụn ở trên môi?
Nổi mụn trên môi hay ở đường viền môi thường không phải là vấn đề đáng ngại. Mụn có thể được điều trị hiệu quả bằng một số biện phá khắc phục đơn giản sau:
1. Chườm ấm hoặc chườm lạnh
Chườm lạnh là cách hiệu quả để giảm viêm và đau do mụn ở trên môi. Giữ miếng dán lạnh trên mụn trong 1 hoặc 2 phút, thực hiện hai lần mỗi ngày. Lặp lại cho tới khi kích thước của mụn giảm dần.
Chườm ấm cũng có tác dụng tương tự, giúp giảm viêm do mụn nhọt trên môi. Chườm ấm cũng có thể giúp tiêu mủ trong trường hợp mụn bị nhiễm trùng.
2. Sử dụng dầu cây trà
Dầu cây trà sẽ hỗ trợ hiệu quả nếu như bạn có mụn trên môi hoặc xunh quanh môi. Đây là loại dầu có đặc tính chống vi khuẩn và chống viêm. Dầu cây trà phù hợp với mọi loại da. Nhưng nếu bạn vẫn lo lắng về bất kỳ phản ứng dị ứng nào thì có thể bôi thử nghiệm ở vùng da ở cằm trước.
3. Sử dụng sữa rửa mặt và kem bôi mụn
Bạn cần lưu ý khi bị nổi mụn trên môi. Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ hai lần mỗi ngày sẽ giúp rửa sạch bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết trên da. Tránh tẩy tế bào chết vì chà xát da nhiều lần có thể làm khô da và khiến tuyến bã nhờn tiết ra nhiều dầu nhờn hơn.
Nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, không nhờn và không gây mụn.
4. Sử dụng benzoyl peroxide
Benzoyl peroxide có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn ở môi. Chất này có trong gel, kem và xà phòng. Bạn có thể sử dụng sản phẩm chứa benzoyl peroxide trong quy trình chăm sóc da buổi sáng và buổi tối. Đây là thành phần có thể gây khô da nhưng bạn có thể kiểm soát bằng cách dùng loại kem dưỡng ẩm tốt.
5. Điều trị da liễu
Đối với loại mụn nhọt ở môi dạng nặng khó kiểm soát thì có thể cần điều trị theo đơn của bác sĩ. Bạn có thể được kê phối hợp 3 cách điều trị:
- Điều trị tại chỗ: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bôi như axit azelaic, axit salicylic, retinoids hoặc thuốc kháng sinh
- Thuốc uống: Sau khi xác định được mức độ mụn nặng, nhẹ hay trung bình, bác sĩ sẽ kê liều thuốc kháng sinh phù hợp.
- Điều trị tại phòng khám: Kết hợp liệu pháp laser, peel da bằng hóa chất và mài da vi điểm là những phương pháp điều trị mụn mà bác sĩ có thể thực hiện để loại bỏ mụn ở môi.
- Nặn mụn: Bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu sẽ dùng các dụng cụ vô trùng để loại bỏ mụn. Cách này khá tốn kém và mất thời gian nên thường sẽ được lựa chọn sau cùng khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả.
Cần chú ý nếu như vết sưng trên môi ngứa ran và nhìn bên ngoài tương tự như một vết phồng rộp hoặc là nốt mụn. Bởi đây có thể là dấu hiệu bạn bị mụn rộp và sẽ được điều trị cách khác.
Giải pháp phòng tránh nổi mụn ở môi
Hãy áp dụng một số biện pháp sau để giúp giảm triệt để khả năng nổi mụn trên môi:
- Làm sạch da bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết trên da.
- Dưỡng da thường xuyên để khóa ẩm và củng cố hàng rào bảo vệ da.
- Sử dụng kem chống nắng 20 phút trước khi ra ngoài trời. Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng có thể gây khô da và kích thích sản xuất quá nhiều bã nhờn xung quanh môi.
- Uống ít nhất 3 lít nước mỗi ngày để da không bị khô và tiết quá nhiều bã nhờn.
- Không được đi ngủ với lớp son môi hoặc trang điểm trên da vì có nguy cơ bị tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả. Tránh ăn đường và chất béo để không bị bùng phát mụn ở xung quanh môi.
- Tránh sờ lên môi, không tự nặn mụn tại nhà. Bởi việc nặn mụn có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ da và gây nhiễm trùng các lỗ chân lông xung quanh. Kết quả là bạn sẽ thấy nhiều mụn hơn ở xung quanh môi.
- Bổ sung kẽm: Tăng cường kẽm hoặc uống viên kẽm có thể giúp ngăn ngừa mụn ở môi. Nghiên cứu cho thấy rằng lượng kẽm thấp có thể có liên quan tới tình trạng mụn trứng cá nghiêm trọng.
- Giảm căng thẳng: Nhiều nghiên cứu cho rằng những người ít bị căng thẳng sẽ ít có nguy cơ nổi mụn hơn những người có mức độ căng thẳng cao.
Đào Tâm