Thừa cân, béo phì đang gia tăng và trở thành vấn đề sức khỏe đáng báo động ở Việt Nam. Lối sống và khẩu phần ăn là các yếu tố góp phần tăng hội chứng chuyển hóa. Vậy hội chứng chuyển hóa là gì, chẩn đoán và điều trị hội chứng chuyển hóa như thế nào?
Hội chứng chuyển hóa là gì ?
Hội chứng chuyển hóa (HCCH) bao gồm 1 nhóm các yếu tố nguy cơ tập hợp lại trên một người bệnh:
– Tình trạng béo bụng
– Rối loạn lipid máu (tình trạng rối loạn các chất béo trong máu như triglycerid máu cao, HDL-C máu thấp, LDL-C cao, tạo nên mảng xơ vữa ở thành động mạch)
– Tình trạng kháng insulin hoặc không dung nạp đường (tình trạng cơ thể không thể sử dụng insulin và đường một cách hiệu quả)
– Tình trạng tiền đông máu (tăng fibrinogen và chất ức chế plasminogen hoạt hóa PAI-1 cao trong máu)
– Tình trạng tiền viêm (CRP tăng cao trong máu).
Khoảng 20 – 30% dân số của các nước phát triển mắc hội chứng này. Năm 2010, số người mắc căn bệnh này tại Mỹ được ước tính là vào khoảng 50 – 70 triệu người.
Dấu hiệu chẩn đoán hội chứng chuyển hóa?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) áp dụng chẩn đoán khi người bệnh có từ 3 yếu tố trở lên trong các yếu tố sau:
– Nam có vòng bụng ≥ 90cm, nữ có vòng bụng ≥ 80cm.
– Triglycerid máu ≥ 150mg/dl.
– HDL-C < 40mg/dl (nam) và <50mg/dl (nữ).
– Huyết áp ≥ 130/85mmHg.
– Tăng glucose máu khi đói ≥ 100mg/dl.
– Thừa cân và béo phì thường liên quan đến kháng Insulin và HCCH
Nguyên nhân gây hội chứng chuyển hóa
HCCH có liên quan tới tình trạng đề kháng insulin. Insulin là một hormone do tụy sản xuất ra có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu.
Bình thường thức ăn được tiêu hóa thành đường (glucose). Glucose này được máu mang tới các tổ chức của cơ thể, ở đó các tế bào sử dụng glucose làm nguồn năng lượng. Glucose này vào được trong tế bào là nhờ insulin. Ở người có đề kháng insulin, glucose không thể vào tế bào một cách dễ dàng. Cơ thể phản ứng bằng cách sản suất nhiều hơn các insulin (thường là loại kém phẩm chất) để giúp glucose vào tế bào. Kết quả là nồng độ insulin tăng cao trong máu. Tình trạng này đôi khi dẫn đến đái tháo đường khi tuyến tụy không có khả năng tiết đủ insulin để điều chỉnh đường huyết về mức bình thường.
Ngay cả khi mức glucose trong máu chưa đủ cao tới mức được coi là đái tháo đường thì nồng độ glucose máu tăng lên vẫn có thể có hại. Trong thực tế, các bác sĩ gọi đây là tình trạng “tiền đái tháo đường”. Nồng độ insulin máu tăng lên sẽ làm tăng triglycerrid máu và các chất béo khác. Tất cả các yếu tố đó ảnh hưởng tới thận và làm huyết áp cao hơn lên. Tất cả các tác hại do hiện tượng kháng insulin gây ra trên đây gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và các bệnh khác.
Điều trị và phòng bệnh
Mục đích hàng đầu của xử trí lâm sàng HCCH là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mắc đái tháo đường týp 2. Tiếp đó, việc điều trị hàng đầu là làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng như: ngừng hút thuốc lá, giảm cholesterol máu, điều trị tăng huyết áp và điều trị đái tháo đường. Để quản lý trước mắt và lâu dài các yếu tố nguy cơ thì việc điều chỉnh lối sống là can thiệp hàng đầu để giảm các yếu tố nguy cơ mắc HCCH. Việc can thiệp để điều chỉnh các thói quen có hại cho sức khỏe bao gồm:
– Giảm cân nặng để đạt được cân nặng lý tưởng (BMI 18,5 – 22,9kg/m2).
– Tăng cường hoạt động thể lực, với đích cần đạt là phải hoạt động thể lực mức độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày trong tuần.
– Có thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe như ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol.
– Thể dục đều đặn 30 – 60 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải như là đi bộ.
– Giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể giúp làm giảm nồng độ insulin, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
– Chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế chất béo có hại, tăng cường rau hoa quả, cá và các loại hạt.
– Ngừng hút thuốc lá. Thuốc lá làm tăng đề kháng insulin.