Cách xử trí khi trẻ nhỏ bị co giật

Mới đây trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh chiến sỹ cơ động “nén” đau nhét ngón tay vào miệng cháu bé bị sốt co giật được cộng đồng bày tỏ sự xúc động về hành động đẹp của chiến sĩ cảnh sát cơ động (CSCĐ). Dù vậy dưới góc độ y học thì hành động này chưa hẳn đã đúng.

Bức ảnh được cư dân mạng chia sẻ trên được cho là tại sân vận động Thiên Trường, Nam Định. Trong khi trận bóng đang diễn ra thì có một cổ động viên nhí có dấu hiệu bị co giật. Lúc này lực lượng CSCĐ có mặt kịp thời đưa cháu đi cấp cứu. Trong phút giây nguy kịch ấy, một đồng chí cảnh sát cơ động đã dùng tay chịu đau để ngăn bé cắn lưới. Với những biểu cảm trên khuôn mặt của đồng chí cảnh sát này ai cũng có thể nhận ra sự đau đớn như thế nào. Bức ảnh đã nhận được nhiều lời khen ngợi, cảm phục và phải khẳng định đây là hành động rất đẹp, đáng hoan nghênh…

trẻ co giật
Hình ảnh người chiến sỹ CSCĐ đang cố gắng đưa cháu bé đi cấp cứu

Quan niệm dân gian và nghiên cứu khoa học về cơn co giật

Theo quan niệm dân gian khi trẻ bị co giật thì nhét thìa, hay khăn thậm chí cả ngón tay vào miệng để đề phòng trẻ cắn vào lưỡi, tuy nhiên theo các bác sĩ việc làm này có thể sẽ gây nguy hiểm cho trẻ vì có thể làm tắc đường thở của trẻ. Tuyệt đối không vắt chanh vào miệng, người co giật đang mất ý thức sẽ không nuốt được và sặc vào phổi gây viêm phổi, suy hô hấp.

Cơn co giật toàn thể (grand-mal seizures) là một tình trạng co giật cơ tần suất cao và kéo dài. Khi co giật như vậy, người bệnh thường mất tri giác, ngừng hô hấp (các cơ hô hấp co giật liên tục hay co cứng nên phổi không giãn nở được), tăng tiết đàm nhớt đường hô hấp và không nuốt được gây sùi bọt mép, mắt trợn, tím tái. Co giật như vậy cũng hay gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng tới 5 tuổi bị co giật do sốt cao lành tính, thường kéo dài dưới 5 phút, không để di chứng. Tuy nhiên nếu không xử trí đúng, có thể gây các biến chứng không nên có.

Xử trí khi trẻ nhỏ khi bị co giật ?

Những việc nên làm:

  • Đặt gối hoặc khăn mềm chèn quanh để trẻ không bị tổn thương khi gồng cứng, co giật
  • Nới, cởi bớt quần áo để hạ nhiệt, có thể dùng quạt mát hoặc điều hòa làm mát nhưng tránh hạ thân nhiệt quá mức.
  • Khi trẻ hết co giật, đặt trẻ nằm ở tư thế thoải mái nhất để trẻ có thể thở bình thường. Nếu trẻ sốt lại, lặp lại các hành động trên và gọi xe tới bệnh viện.
  • Gọi cấp cứu khi co giật lâu hơn 5 phút, trẻ lơ mơ không tỉnh táo sau co giật.

Không nên làm:

  • Không đè chặt, giữ trẻ, co giật cơ là tự phát không ý thức, đè chặt hay trói người bệnh không hề làm ngưng co giật mà sẽ gây chấn thương cho người bệnh, đôi khi người nhà cố sống cố chết đè người co giật làm bị té ngã và chấn thương đầu.
  • Sau khi người co giật tỉnh lại, không được bỏ bệnh nhân một mình mà phải theo dõi xem đã hồi phục tri giác chưa, có yếu cơ hay liệt không, không cho ăn uống gì cho tới khi chắc chắn đã hồi phục. Giải thích cho người bị co giật chuyện gì đã xảy ra.

NGƯỜI BỊ CO GIẬT CÓ CẮN LƯỠI HAY KHÔNG?

Có gặp nhưng rất ít và thường là nhẹ, không gây tác hại gì. Một khảo sát trên 106 trẻ bị co giật thì có 8 trẻ cắn lưỡi, tất cả là vùng viền hai bên lưỡi. Thè lưỡi là hành động có ý thức, đang co giật hàm cắn chặt nên lưỡi khó thè ra được.

Co giật cũng không làm tuột lưỡi gây nghẹt thở như lời đồn. Cố gắng chèn vật hay ngón tay vào giữa hàm răng người đang co giật là vô ích vì không có tác dụng gì. Hành động này còn có nguy cơ chấn thương rách niêm mạc miệng, gãy răng, gây hít sặc vào phổi, chấn thương ngón tay, tăng nguy cơ nhiễm bệnh qua lại giữa người bị co giật và người cấp cứu. Người lớn và gia đình nên nắm được cách xử trí đúng khi trẻ xảy ra cơn co giật, giúp tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.