Phụ nữ nhiễm HIV vẫn có thể mang thai an toàn

Bị nhiễm HIV không có nghĩa là bạn sẽ không thể sinh con. Phụ nữ nhiễm HIV có thể truyền bệnh sang cho bé trong quá trình mang thai, chuyển dạ và cho con bú. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ này.

phụ nữ nhiễm HIV mang thai
Phụ nữ nhiễm HIV vẫn có thể mang thai và sinh con an toàn

Tôi cần làm gì trước khi mang thai để giảm nguy cơ truyền HIV cho con?

Nếu bạn dự định có thai, bạn nên trao đổi với bác sĩ về những nguy cơ có thể gặp phải về sức khỏe của bạn và thai nhi. Đồng thời, bác sĩ sẽ cùng bạn xây dựng kế hoạch để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Người bệnh HIV cần uống thuốc để kìm hãm sự phát triển của virus. Nếu bạn muốn có thai mà đang không điều trị bằng thuốc, bạn cần uống thuốc càng sớm càng tốt bởi điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ truyền HIV cho trẻ.

phụ nữ nhiễm HIV mang thai
Uống thuốc điều trị HIV sẽ giúp giảm nguy cơ truyền HIV cho con

Tôi không bị HIV nhưng bạn đời của tôi bị. Liệu tôi có thể mang thai mà không bị HIV không?

Nguy cơ phụ nữ bị nhiễm HIV khi quan hệ tình dục đường âm đạo cao hơn nam giới. Nếu bạn không bị HIV nhưng bạn đời của bạn bị nhiễm, thì nguy cơ lây nhiễm HIV cho cả bạn và thai nhi có thể được giảm thiểu nếu bạn đời của bạn dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc việc nhận tinh trùng hoặc các công nghệ hỗ trợ sinh sản khác, như: lọc rửa tinh trùng hoặc thụ tinh trong ống nghiệm để phòng ngừa lây nhiễm HIV.

>> Xem thêm Giải pháp tránh lây truyền bệnh qua đường tình dục ở phụ nữ mang thai

phụ nữ nhiễm HIV mang thai
Nam giới cần điều trị HIV để giảm nguy cơ truyền bệnh cho con

Tôi đang có thai, liệu con tôi có bị lây nhiễm HIV không?

Nếu bạn bị HIV và mới phát hiện có thai, bạn cần tới gặp bác sĩ ngay để có biện pháp hỗ trợ, điều trị (nếu có). Nếu bạn được điều trị HIV và có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện khi làm xét nghiệm, nguy cơ truyền virus cho con là rất thấp (dưới 1%).

Tôi có thể làm gì để giảm thiểu nguy cơ truyền HIV cho con?

Sau đây là những bước nên làm để giảm nguy cơ truyền HIV cho trẻ.

Bước 1: Trao đổi với bác sĩ về mong muốn có thai

Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị hiện tại của bạn nhằm giảm hơn nữa tải lượng virus trong cơ thể để tránh truyền HIV cho bạn đời và em bé. Bạn lưu ý cần sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp quan hệ tình dục an toàn khác cho tới khi bác sĩ đánh giá bạn có thể bắt đầu cho quá trình mang thai an toàn.

phụ nữ nhiễm HIV mang thai
Trao đổi với bác sĩ để chuẩn bị cho một thai kỳ an toàn

Bước 2: Bắt đầu điều trị HIV

Bạn có thể bắt đầu điều trị trước khi mang thai để giảm thiểu nguy cơ truyền HIV cho trẻ. Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị, bạn vẫn nên tiếp tục. Tuy nhiên, bạn cần trao đổi với bác sĩ về kế hoạch mang thai, bởi một số thuốc điều trị HIV không nên dùng với phụ nữ có thai, một số loại khác cần điều chỉnh liều.

Bước 3: Quản lý tác dụng không mong muốn của thuốc

Thuốc điều trị HIV có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn với phụ nữ có thai, nhưng thuốc lại rất quan trọng trong việc kìm hãm sự bùng phát của virus, ngăn cản việc truyền virus từ mẹ sang con. Do đó, bạn cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, trao đổi với bác sĩ nếu triệu chứng quá khó chịu để có biện pháp giảm thiểu.

Bước 4: Không cho con bú

Bạn có thể truyền HIV cho bé qua sữa mẹ, kể cả trong trường hợp bạn đang điều trị HIV bằng thuốc. Vì vậy, cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm là cho trẻ ăn sữa công thức.

Bước 5: Cho trẻ xét nghiệm HIV ngay sau khi sinh

Sau khi sinh con, bạn nên cho bé xét nghiệm HIV. Bác sĩ sẽ tư vấn những việc cần làm khi có kết quả xét nghiệm.

Tài liệu tham khảo:

1. “Pregnancy and HIV”, The Office on Women’s Health (OWH), last updated: November 27, 2018

2. “CDC Guidelines for Conception in HIV-Positive Men”, Medpage Today, Published: November 14, 2016