Rậm lông ở phụ nữ chiếm tỷ lệ khoảng 10% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, ảnh hưởng lớn đến ngoại hình. Có nhiều cách điều trị rậm lông ở phụ nữ thành công, giúp xóa bỏ tâm lí tự ti của chị em.
Rậm lông ở phụ nữ biểu hiện như thế nào?
Dễ dàng nhận ra dấu hiệu lông mọc quá nhiều trên cơ thể. Lông mọc quá mức, rậm và đen ở vùng mặt (dưới dạng râu hoặc ria mép) và trên cơ thể đặc biệt ở tóc mai, lưng, cổ, ngực, đùi, bụng và xung quanh núm vú. Hầu hết phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố đều đáp ứng tốt với phương pháp điều trị, nhưng lông có thể mọc lại nếu lượng hormone vượt quá kiểm soát, gây mất tự tin, lúng túng, xấu hổ. Rậm lông ở phụ nữ cũng thường đi kèm các vấn đề về chu kì kinh nguyệt, sinh sản hoặc mụn.
Khi nồng độ androgen cao tới mức gây ra các biểu hiện: nữ hói đầu giống nam, giọng nói trầm, teo ngực, tăng cơ bắp chân, bắp tay và toàn thân, to âm vật và tăng kích thích dục tính… thì gọi là nam hóa.
Nguyên nhân gây rậm lông ở phụ nữ
Do di truyền
Chứng rậm lông đôi khi có thể do di truyền. Nếu mẹ hay chị/em của bạn mắc chứng này thì có khả năng bạn cũng sẽ mắc nó. Theo khảo sát thì chứng rậm lông phổ biến ở những nước Trung Đông, Nam Á và Địa Trung Hải.
Do rối loạn nội tiết
Sự mất cân bằng nội tiết tố chính là nguyên nhân chính gây rậm lông ở phụ nữ. Khi các chị em phụ nữ có lượng hormone androgen (hormone có ở nam giới) càng cao thì lông mọc càng nhiều và ngược lại. Tuy nhiên khi lượng hormone này quá cao không chỉ gây ra chứng rậm lông mà còn rất nhiều vấn đề khác như mụn, giọng trầm và ngực nhỏ.
Những phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng (các u nang nhỏ chứa đầy túi dịch trong buồng trứng của phụ nữ), hội chứng phát phì (khi có hormone gây căng thẳng cortisol trong thời gian dài) hay có các khối u trên tuyến thượng thận hoặc buồng trứng tạo ra các hormone tương tự cortisol thì có thể mang nhiều hormone nam giới và dễ mắc chứng rậm lông.
Do sử dụng một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể làm thay đổi lượng hormone, do đó chúng làm cho lông mọc nhiều ở những nơi không mong muốn trên cơ thể, kể cả trên mặt. Tình trạng này thường xảy ra khi bạn dùng các loại thuốc chứa hormone tổng hợp làm tăng cơ và khỏe cơ, các loại thuốc kích thích mọc lông, các loại thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung.
Mặt khác, một số phụ nữ còn có thể mắc bệnh rậm lông tự phát, nghĩa là không biết rõ nguyên nhân.
Làm gì khi bị rậm lông và nam hóa?
Nếu chỉ bị rậm lông đơn thuần mà không bị nam hóa giọng nói kèm rối loạn kinh nguyệt… thì có khả năng là rậm lông tự phát. Người bệnh không nên quá lo lắng. Với chứng rậm lông kèm các biểu hiện nam hóa thì người bệnh cần được điều trị theo phác đồ dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Để an toàn cho sức khỏe, khi chị em thấy có những biểu hiện bất thường trên cơ thể thì cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị cụ thể.
Điều trị chứng rậm lông thường liên quan đến một sự kết hợp các phương pháp tự chăm sóc, phương pháp điều trị loại bỏ và thuốc sử dụng.
Phương pháp tự chăm sóc
Một số phương pháp tự chăm sóc tại nhà có thể tham khảo như sau:
- Giảm cân: Nếu bạn đang thừa cân và sau đó giảm được một lượng cân nặng đáng kể, cơ thể bạn sẽ sản xuất ra ít các hormone nam giới hơn và nhờ đó lông trên cơ thể cũng mọc ít hơn hẳn.
- Wax lông: Nhiều người chọn cách loại bỏ nhiều lông trên bề mặt da một cách nhanh chóng bằng sáp ong đun chảy. Bạn nên đến các salon làm đẹp để có thể trải nghiệm phương pháp này. Tuy nhiên, sau khi bạn wax lông bằng sáp ong thì da có thể đỏ và đau.
- Các loại kem tẩy lông: Một vài loại kem bôi ngoài da có chứa các chất hóa học mạnh có thể làm rụng lông. Do đó, bạn chỉ việc thoa kem lên da và chờ trong ít phút, sau đó dùng khăn lau lớp kem đó đi và lúc này những sợi lông của bạn cũng sẽ được dọn sạch. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây kích ứng đối với da nhạy cảm, vì thế bạn nên bôi thử sản phẩm lên một vùng da nhỏ để kiểm tra trước khi sử dụng.
Phương pháp điều trị loại bỏ
- Dùng xung điện: Đây là loại điều trị bao gồm việc chèn một kim nhỏ vào mỗi nang lông và phát ra một xung điện để gây thiệt hại và cuối cùng phá hủy các nang lông. Kết quả điện phân có thể tẩy lông vĩnh viễn, nhưng có thể đau đớn. Một số loại kem làm tê liệt có thể sử dụng rộng rãi trên da để giảm sự khó chịu này. Tác dụng phụ bao gồm tối màu da được điều trị và hiếm khi để lại sẹo.
- Laser trị liệu: Là một phương pháp một chùm ánh sáng tập trung cao (laser) được chiếu trên da để vô hiệu hóa các nang tóc và ngăn ngừa lông phát triển. Sau khi điều trị, có thể trong thời gian dài mà không tái sinh lông. Phương pháp tẩy lông bằng tia laser gây khó chịu, mẩn đỏ, sưng, nó cũng có thể gây bỏng và đổi màu trên da.
Dùng thuốc
Dùng thuốc có tác dụng làm gián đoạn một hay nhiều bước trong quá trình biểu hiện rậm lông như: ức chế sản xuất androgen thượng thận, buồng trứng; tăng khả năng liên kết androgen của protein liên kết huyết tương; làm suy yếu quá trình chuyển đổi ngoại vi của tiền chất androgen thành androgen hoạt tính; ức chế tác động của androgen ở mức độ mô đích, kết quả làm chậm tăng trưởng lông.
DS Phan Thu Hiền