Sử dụng kem chống nắng có gây thiếu vitamin D không?

Sử dụng kem chống nắng được xem là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ làn da khỏe mạnh và ngăn ngừa ung thư da. Tuy nhiên việc thoa kem chống nắng liệu có làm giảm tổng hợp vitamin D của cơ thể? Câu trả lời là “”!

kem chống nắng
Dùng kem chống nắng giúp bảo vệ làn da khỏi tia UV

Ánh nắng mặt trời: Lợi – hại song hành

Ánh nắng mặt trời vừa cần thiết với sức khỏe, vừa gây hại với làn da. Các tia tử ngoại, hay còn gọi tắt là UV (Ultraviolet) trong ánh nắng gây nguy hiểm một cách thầm lặng bởi nó có thể gây lão hóa da sớm, thậm chí ung thư da. Tia UV có thể xuyên qua những đám mây, xuyên qua cửa kính, bởi vậy, có thể “tìm” tới bạn dù bạn ở bất cứ nơi nào.

Hơn thế nữa, sự tổn thương da do ánh nắng tích lũy theo thời gian bạn tiếp xúc với nó, từ việc phơi nắng trong thời gian dài cho đến những khoảng thời gian ngắn ở ngoài trời như dắt thú cưng đi dạo, di chuyển từ xe ô tô vào cửa hàng tạp hóa, hay chỉ đơn giản như ra ngoài đổ rác.

Bên cạnh đó, ánh nắng mặt trời lại là một yếu tố cần thiết trong quá trình cơ thể tự tổng hợp vitamin D – một hợp chất quan trọng trong sự phát triển của xương, răng và đảm nhiệm một số chức năng quan trọng khác trong cơ thể. Quá trình tổng hợp chất này bắt đầu từ một phân tử cholesterol, gọi là 7-Dehydrocholesterol. Chất này tập trung ngay dưới da. Tại đây, chúng chịu tác động của ánh nắng mặt trời, tổng hợp thành vitamin D3 (cholecalciferol). Sau đó chúng được chuyển hóa bởi một số enzyme tại gan để trở thành 25-(OH)D, và cuối cùng, được thận chuyển hóa thành 1,25-(OH)2D – đây là dạng vitamin D có hoạt tính nhất.

kem chống nắng
Ánh nắng mặt trời lại là một yếu tố cần thiết trong quá trình cơ thể tự tổng hợp vitamin D

Sử dụng kem chống nắng có gây thiếu hụt vitamin D không?

Để cho da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng là cách thuận tiện nhất để cơ thể tự tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn, bôi kem chống nắng trên da liệu có ngăn cản quá trình này? Theo các chuyên gia, câu trả lời là “”, tuy vậy, sự ảnh hưởng này không đáng kể, do lượng kem chống nắng mà mọi người thường sử dụng ít hơn lượng khuyến cáo.

Để đảm bảo hiệu quả chống nắng tối ưu, các chuyên gia khuyến cáo thoa một lớp dày kem chống nắng lên vùng da tiếp xúc với ánh nắng. Một lớp dày được định nghĩa là 28g tương đương với kích thước của một quả bóng golf cho toàn cơ thể. Nhưng trên thực tế, mọi người thường sử dụng ít hơn lượng này rất nhiều.

Do đó, nếu bạn thường sử dụng một lượng kem chống nắng ít hơn lượng khuyến cáo, thì bạn hoàn toàn không cần phải lo lắng về tình trạng thiếu hụt vitamin D.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Úc cho thấy, nồng độ vitamin D vẫn giữ ổn định ở mức bình thường trong suốt mùa hè ở những người sử dụng kem chống nắng phổ rộng liên tục.

Nguy cơ thiếu hụt vitamin D so với nguy cơ ung thư da

kem chống nắng
Để ngăn ngừa nguy cơ ung thư da, bạn cần bảo vệ da hàng ngày

Nếu bạn phơi nắng 15-20% diện tích da của cơ thể dưới ánh nắng (không bảo vệ) trong 15-20 phút mỗi lần, 2-3 lần/tuần thì cơ thể của bạn đã tổng hợp đủ lượng vitamin D cần thiết.

Mặc dù bạn tiếp xúc với ánh nắng ở mức độ thấp, thì sự phá hủy da từ ánh nắng mặt trời vẫn xảy ra và tích lũy theo thời gian. Khi da bị rám nắng, DNA bị phá hủy, là tiền đề làm tăng nguy cơ ung thư da. Do đó, để ngăn ngừa nguy cơ ung thư da, bạn cần bảo vệ da hàng ngày.

Nếu bạn lo ngại về nguy cơ giảm tổng hợp vitamin D, bạn có thể cải thiện bằng cách bổ sung vitamin D bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tối ưu hóa nồng độ vitamin D trong cơ thể là yếu tố then chốt giúp bạn có bộ xương chắc khỏe, giảm thiểu xốp xương và nguy cơ gãy xương.

Với những người ít hoặc không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, việc bổ sung vitamin D được khuyến cáo như sau:

  • 400IU cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 1 tuổi
  • 600 IU cho trẻ em và người lớn từ 1-70 tuổi
  • 800 IU cho người trên 70 tuổi

Ngoài việc bổ sung vitamin D bằng thuốc hoặc thực phẩm bổ sung, bạn có thể cải thiện nồng độ vitamin D của cơ thể bằng việc thay đổi chế độ ăn. Những thực phẩm giàu vitamin D bao gồm: cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng, ngũ cốc, sữa chua, nước cam…

Hãy lựa chọn biện pháp thông minh để bảo vệ sức khỏe của bạn!

Tài liệu tham khảo:

  1. “Could sunscreen cause Vitamin D deficiency? Short answer: Yes” Lisa Drayer, CNN, September 20, 2019
  2. “Skin Cancer Prevention”, Skin Cancer Foundation
  3. “Vitamin D: Production, Metabolism, and Mechanisms of Action”, Daniel Bikle, Endotext book, August 11, 2017
  4. “Sunscreen Reduces Skin Cancer Risk”, Jennifer Nessel, Pharmacy Times 2019-06-22