Tăng sắc tố da, da không đều màu nên làm gì để cải thiện?

Tăng sắc tố da hay rối loạn sắc tố da là tình trạng da xuất hiện các mảng hoặc đốm đen, nâu, xám… do vết thâm mụn, tàn nhang, nám, hoặc do các tình trạng khác như bệnh vẩy nến, bệnh chàm. Có biện pháp nào giúp cải thiện tình trạng tăng sắc tố da, da không đều màu?

tăng sắc tố da
Tìm biện pháp cải thiện tình trạng tăng sắc tố da, da không đều màu

Tăng sắc tố da là gì?

Tăng sắc tố da là một thuật ngữ rất rộng, chỉ các tình trạng da không đều màu do vết thâm mụn, tàn nhang, nám, sạm da hoặc các bệnh da liễu gây ra. Tất cả những vấn đề này làm tăng sản xuất melanocytes (tế bào hình thành melanin). Điều này làm tăng sản xuất melanin tại những điểm nhất định trên da, gây tăng sắc tố da.

Tăng sắc tố da có thể xảy ra ở những mảng da nhỏ hoặc bao phủ các khu vực lớn hoặc ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Các dạng tăng sắc tố da

Có nhiều dạng tăng sắc tố da, tùy thuộc vào nguyên nhân.

Đốm đồi mồi

Xuất hiện chủ yếu trên các vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, bàn tay hoặc cánh tay.

Các vùng da này thường có những mảng nhỏ sậm màu.

Nám hay tàn nhang

Nám và tàn nhang xuất hiện do các tác nhân làm thay đổi nội tiết tố như mang thai hay sử dụng thuốc tránh thai. Những vùng da sậm màu thường xuất hiện trên mặt hoặc cánh tay.

tăng sắc tố da
Tàn nhang thường xuất hiện ở mặt

Tăng sắc tố da sau nhiễm khuẩn hay viêm

Xuất hiện khi các tổn thương da lành đi, để lại các vùng da sậm màu. Triệu chứng thường xuất hiện sau khi bị mụn, hoặc sau các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ như mài mòn da lành sẹo, điều trị bằng laser và lột da bằng hóa chất.

Tăng sắc tố da do thuốc

Đây là loại tăng sắc tố da thứ phát, còn gọi là bệnh Liken phẳng, có nguyên nhân từ tình trạng viêm và phát ban trên da do thuốc.

Nguyên nhân gây tăng sắc tố da

Ánh nắng mặt trời

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tăng sắc tố da, vì ánh nắng mặt trời có thể kích thích sản sinh melanin. Melanin đóng vai trò như một lớp kem chống nắng cho da và bảo vệ bạn khỏi tia cực tím có hại, làm cho làn da trở nên rám nắng. Tuy nhiên, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời có thể gây rối loạn quá trình này, dẫn đến tăng sắc tố da. Khi các đốm da tối màu xuất hiện, việc phơi nắng có thể kích thích các đốm này nhiều hơn, gây sậm màu hơn.

Thay đổi nội tiết tố

Thay đổi nội tiết tố thường gây nám và tàn nhang. Hormone nội tiết tố nữ estrogen và progesterone thay đổi (do mang thai, uống thuốc tránh thai, tiền mãn kinh hoặc do bệnh Addison – suy yếu thượng thận) sẽ kích thích quá trình sản sinh melanin quá mức.

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc do thuốc nhuộm hay xăm hình có thể dẫn đến bội tăng sắc tố da.

Tổn thương da

Tình trạng tăng sắc tố da sau viêm xuất hiện sau khi da bị tổn thương hoặc viêm như đứt tay, phỏng, tiếp xúc với hóa chất, mụn, chàm hay vẩy nến.

tăng sắc tố da
Hình ảnh tăng sắc tố da sau mụn

Do bệnh lý

Tăng sắc tố da cũng là triệu chứng của một số bệnh chẳng hạn như bệnh tự miễn hay tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa và thiếu hụt vitamin. Một số trường hợp tăng sắc tố không phải do melanin, mà do các chất sắc tố khác thường không có trong da. Các bệnh như hemochromatosis hoặc hemosiderosis gây ra bởi dư thừa quá nhiều sắt trong cơ thể, có thể gây tăng sắc tố. Một số loại thuốc, hóa chất và kim loại bôi lên da, uống hoặc tiêm cũng có thể gây tăng sắc tố.

Tác dụng phụ của thuốc

Tăng sắc tố da cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc hóa trị, kháng sinh, thuốc trị sốt rét, thuốc chống co giật và một số loại thuốc khác.

Các biện pháp ngăn ngừa tăng sắc tố da

Dùng kem chống nắng hàng ngày

Luôn sử dụng loại có chỉ số SPF ít nhất là 50 và chống được cả tia UVA và UVB. Nên sử dụng kem chống nắng mỗi ngày, đặc biệt là trước khi ra ngoài trời nắng.

tăng sắc tố da
Luôn sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da, tránh tăng sắc tố da

Đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng

Ngoài việc bôi kem chống nắng, để bảo vệ làn da trước ánh nắng mặt trời, bạn nên mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành, cầm ô, đeo kính râm.

Có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý

Nên ăn nhiều rau củ quả, những thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa, tránh ăn những thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn.

Nên dành thời gian ngủ nghỉ phù hợp, tránh thức khuya bởi thức khuya sẽ khiến da thêm thâm xỉn, tối màu.

Điều trị mụn trứng cá và viêm da đúng cách

Nếu đang có tình trạng viêm (như mụn trứng cá hoặc chàm), hãy sử dụng sản phẩm chăm sóc da chống viêm đúng cách. Khi vết thương lành lại, nên sử dụng các sản phẩm trị thâm, làm sáng da.

Cẩn trọng khi dùng thuốc

Một số loại thuốc có thể gây tăng sắc tố da như thuốc tránh thai và các loại thuốc khác có chứa hormone. Hãy cân nhắc và trao đổi kỹ với bác sĩ nếu muốn đổi thuốc hoặc ngừng uống thuốc.