Ung thư hắc tố da là một trong những bệnh ung thư da nghiêm trọng nhất và có xu hướng ngày càng gia tăng. Phát hiện bệnh ngay ở giai đoạn ung thư hắc tố da giai đoạn I có thể giúp điều trị khỏi hoàn toàn.
Bệnh ung thư hắc tố da là gì?
Ung thư hắc tố da là một bệnh ung thư của các tế bào sản xuất sắc tố melanin của da được gọi là tế bào hắc tố. Những tế bào này mang lại cho mỗi chúng ta màu da riêng biệt. Một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra sự phát triển quá mức của các tế bào hắc tố dẫn đến hình thành khối u ác tính là do tiếp xúc quá nhiều tia cực tím trong ánh sáng mặt trời. Việc sử dụng các nguồn nhân tạo của ánh sáng tia cực tím, chẳng hạn như giường tắm nắng, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh u ác tính.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hắc tố, bao gồm những người có làn da trắng, số lượng nốt ruồi cao, tiền sử gia đình có người mắc bệnh.
Hầu hết các khối u ác tính bắt nguồn từ vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mặc dù chúng cũng có thể phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể có chứa tế bào hắc tố, bao gồm mắt và các vị trí được che chắn bởi ánh nắng mặt trời như màng nhầy hoặc lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc dưới móng tay.
Ung thư tế bào hắc tố được coi là loại ung thư da nghiêm trọng nhất vì nó có nhiều khả năng di căn từ da sang các bộ phận khác của cơ thể hơn các loại ung thư da khác.
Phân loại ung thư hắc tố da
Việc xác định giai đoạn của bệnh giúp kiểm tra mức độ nghiêm trọng và cách điều trị tốt nhất, cho phép tiên lượng về khả năng sống sót. Các khối u ác tính ở giai đoạn sớm nhất là giai đoạn 0 (còn gọi là u ác tính tại chỗ), sau đó tiến triển thành các giai đoạn I đến IV. Ở giai đoạn càng thấp, ung thư càng ít di căn. Việc phân loại các giai đoạn của khối u dựa trên 3 tiêu chí chính:
- Mức độ lan rộng của khối u chính: Ung thư đã phát triển sâu vào da như thế nào? Ung thư có bị loét không?
- Độ dày của khối u: Độ dày của khối u ác tính được gọi là phép đo Breslow. Nhìn chung, các u hắc tố dày dưới 1 mm có cơ hội lây lan rất nhỏ. Khi khối u ác tính trở nên dày hơn, nó có nguy cơ lan rộng hơn.
- Loét: Loét là sự phân hủy của da trên khối u ác tính. Các u hắc tố bị loét có xu hướng tiến triển xấu hơn.
>> Xem thêm Có hay không nguy cơ ung thư da khi đánh móng tay?
Đặc điểm của ung thư hắc tố da giai đoạn I
Khối u ác tính ở giai đoạn I có thể dày lên tới 2 mm, có hoặc không có vết loét da, không có bằng chứng cho thấy u ác tính ở giai đoạn I đã lan đến các mô bạch huyết, hạch bạch huyết hoặc các cơ quan trong cơ thể.
Ung thư hắc tố da giai đoạn I được coi là u ác tính cục bộ giống như ung thư hắc tố giai đoạn 0 và giai đoạn II. Ung thư hắc tố giai đoạn I được chia thành hai phân nhóm:
- Ung thư hắc tố giai đoạn IA: Khối u hắc tố dày dưới 1 mm (nhỏ hơn kích thước của một đầu bút chì mài) có hoặc không có loét (da bị vỡ) khi quan sát dưới kính hiển vi.
- Ung thư hắc tố giai đoạn IB: Khối u hắc tố dày hơn 1 mm và dưới 2 mm mà không bị loét.
Điều trị ung thư hắc tố da giai đoạn I
Ung thư hắc tố da giai đoạn I được điều trị bằng cách phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ở giai đoạn này, phẫu thuật có thể giúp chữa khỏi khối u ác tính tại chỗ. Phẫu thuật có thể đi kèm với sinh thiết hạch bạch huyết trong một số trường hợp, nhưng điều này không được khuyến cáo cho tất cả bệnh nhân.
Với phương pháp điều trị thích hợp, ung thư hắc tố giai đoạn I có khả năng chữa khỏi cao, có nguy cơ tái phát hoặc di căn thấp. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm tính đến năm 2018 đối với u hắc tố cục bộ, bao gồm cả giai đoạn I, là 98,4%.
Chăm sóc theo dõi đối với u hắc tố giai đoạn I
Sau khi được điều trị ung thư hắc tố ở giai đoạn I, người bệnh nên tự kiểm tra da và hạch bạch huyết hàng tháng và khám da toàn thân hàng năm trong suốt cuộc đời. Ngoài ra nên khám sức khỏe mỗi 6 đến 12 tháng trong 5 năm đầu, và sau đó hàng năm nếu cần. Các xét nghiệm hình ảnh có thể được chỉ định khi cần thiết để theo dõi sự tái phát.
>> Xem thêm Nám da do ánh nắng mặt trời và cách điều trị
Phòng ngừa ung thư hắc tố da như thế nào?
Giảm thiểu các yếu tố nguy cơ chính là cách phòng ngừa ung thư hắc tố da hiệu quả nhất. Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa bạn nên lưu ý và áp dụng thường xuyên:
Giảm tiếp xúc với bức xạ UV có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư da. Điều này có nghĩa là giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tránh sử dụng các thiết bị làm sạm da trong nhà.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tránh cháy nắng bằng cách: Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10:00 sáng đến 4:00 chiều; Mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành che mặt, cổ và tai; Sử dụng kem chống nắng phổ rộng hàng ngày, có khả năng chống lại cả bức xạ UVA và UVB và có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30.
Không sử dụng đèn chiếu sáng mặt trời, giường tắm nắng, hoặc tiệm nhuộm da nếu không hỏi ý kiến của bác sĩ, chuyên gia da liễu.
Tuy vậy, vẫn có một số nguy cơ rất khó ngăn ngừa hoàn toàn. Nên mỗi người cần để ý những dấu hiệu bất thường trên da và cơ thể, khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
DS Phan Thu Hiền