Bong gân là một chấn thương vô cùng phổ biến do vận động sai cách đặc biệt khi chơi thể thao. Tìm hiểu chi tiết về bong gân và cách sơ cứu đúng để tránh dẫn đến những di chứng lâu dài.
Bong gân là gì?
Trong cấu tạo của hệ vận động, dây chằng là cấu trúc nối giữa 2 hoặc nhiều xương xung quanh khớp, giúp khớp xương ổn định và hoạt động linh hoạt. Bong gân là tình trạng căng quá mức hoặc rách dây chằng gây đau và ảnh hưởng đến chức năng vận động.
Một tình trạng rất giống với bong gân có thể gây nhầm lẫn là căng cơ. Khác với bong gân là tổn thương dây chằng, căng cơ là tình trạng gân cơ (những sợi mô dày kết nối xương với cơ) bị rách hoặc căng quá mức. Cả hai tổn thương đều gây ra hiện tượng sưng đau và hạn chế vận động. Nhưng khi bị bong gân, người bệnh có thể bị bầm tím xung quanh khớp trong khi căng cơ có thể có hiện tượng co thắt cơ quanh vùng bị thương.
Phân loại mức độ bong gân
Bong gân độ I: Tổn thương ít, dây chằng còn nguyên vẹn hoặc chỉ một vài sợi bị đứt. Đau và sưng mức độ nhẹ, không mất vững khớp, có thể vận động khớp nhẹ nhàng.
Bong gân độ II: Một số dây chằng bị rách, mất vững khi di chuyển. Đau và sưng mức độ vừa hoặc nhiều, bầm tím tại chỗ.
Bong gân độ III: Dây chằng bị rách hoặc đứt hoàn toàn. Đau và sưng mức độ nặng, dữ dội, bầm tím lan rộng, khớp mất vững, không thể chịu được sức nặng. Điều trị có thể yêu cầu cần bó bột hoặc nẹp.
Triệu chứng nhận biết bong gân
Các triệu chứng sưng, đau, bầm bím của bong gân có thể khác nhau tùy vào mức độ tổn thương.
- Đau: là triệu chứng xuất hiện đầu tiên, ngay sau khi gặp phải chấn thương. Cơn đau dữ dội ban đầu và âm ỉ sau đó, đau tăng khi đứng, vận động khớp, hoặc ấn vào vùng tổn thương
- Sưng: cũng là dấu hiệu khi bị bong gân, nhưng thường xuất hiện rõ ràng sau chấn thương vài giờ. Vì vậy, trong một số trường hợp đau nhẹ, bạn chưa để ý mà vẫn tiếp tục duy trì hoạt động vận động mạnh có thể khiến chấn thương càng nặng hơn.
- Bầm tím: xuất hiện sau cùng, khi có hiện tượng chảy máu bên trong, qua thời gian bị đông tụ lại.
- Giảm vận động tại khớp tổn thương: do hệ quả của các triệu chứng đau, sưng, hoặc do tổn thương thực thể của dây chằng khiến cấu trúc khớp không vững chắc.
Các loại chấn thương bong gân phổ biến
Bong gân khớp cổ chân
Bong gân khớp cổ chân là loại bong gân phổ biến nhất, thường gặp nhất là kiểu vẹo trong, khi tiếp đất sai tư thế.
Tổn thương thường xảy ra ở phức hợp mắt cá ngoài chiếm 85% với dây chằng sên mác trước, dây chằng mác gót, dây chằng sên mác sau.
Một số người có dây chằng rất yếu và tiềm ẩn nguy cơ bong gân cao hơn. Các chấn thương này khá phổ biến ở các vận động viên bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá.
Bong gân khớp cổ tay
Bong gân khớp cổ tay xảy ra khi cổ tay bị quá duỗi hoặc xoay với lực lớn, chủ yếu do ngã chống tay từ trên cao. Mức độ tổn thương có thể từ nhẹ đến nặng. Cần lưu ý bong gân khớp cổ tay có thể bị nhầm lẫn với gãy xương thuyền dẫn đến điều trị không chính xác, hình thành khớp giả gây đau mạn tính kéo dài.
Bong gân tại các ngón tay
Thường xảy ra do ngoại lực khiến ngón tay quá duỗi hoặc lệch về phía đối diện gây căng hoặc rách dây chằng bên, hay gặp với vận động viên bóng chuyền, bóng rổ, võ thuật.
Bong gân đầu gối
Hệ thống dây chằng vùng gối bao gồm dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên ngoài và bên trong. Bong gân đầu gối thường là tổn thương giãn dây chằng vùng quanh gối.
Bong gân ở vùng lưng
Thường xảy ra ở vùng thắt lưng do các chuyển động vặn, gập, cúi do lao động nặng gây chấn thương đột ngột. Tỷ lệ cao hơn gặp ở người trung niên và cao tuổi khi phối hợp thêm các vấn đề loãng xương, thoái hóa cột sống.
Bong gân khuỷu tay
Bong gân ở khuỷu tay thường xảy ra khi bị kéo căng khuỷu tay quá mức gây giãn hoặc đứt dây chằng quanh khuỷu, hay gặp ở các vận động viên chơi golf.
Điều trị bong gân như thế nào?
Theo Hiệp hội Phẫu thuật chấn thương Hoa Kỳ (AAOS), bong gân được điều trị bằng cách phối hợp các biện pháp được viết tắt bằng 4 chữ cái đầu RICE hoặc cải tiến thêm là (PRICES).
P – PROTECTION (Bảo vệ): Bất động và bảo vệ khớp bằng các dụng cụ hỗ trợ như nẹp, đai, bột nếu cần.
R – REST (Nghỉ ngơi): Hạn chế đi lại nếu bong gân cổ chân, hạn chế sử dụng bên tay bị bong gân. Các khớp và gân cơ cần được nghỉ ngơi để phục hồi hoàn toàn.
I – ICE (Chườm đá): Nước đá giúp giảm sưng và viêm. Lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da, chườm bằng cách quấn một chiếc khăn mỏng quanh túi đá và để lên vùng khớp đau 20 phút, sau đó lấy đá ra và chườm tiếp 10 phút. Lặp lại nhiều lần trong 24 đến 72 giờ đầu tiên.
C – COMPRESSION (Băng ép): Băng ép quanh khớp bị bong gân bằng thun hoặc dụng cụ chuyên dụng giúp giảm sưng. Không băng ép quá chặt hoặc quá lỏng, băng vừa tay với số vòng tăng lên để tăng áp lực thay vì ép từ đầu.
E – ELEVATION (Giữ cao vùng khớp bị chấn thương): Nâng vùng bị thương cao trên tim để tránh sưng nề, có thể treo tay khi đứng, đặt tay lên bụng và gác cao chân khi nằm.
S – SUPPORT (Hỗ trợ y tế): Hỗ trợ y tế được áp dụng từ thời điểm chấn thương đến khi bình phục hoàn toàn.
Các thuốc giảm đau chống viêm như paracetamol, NSAID đường uống hoặc bôi, dán tại chỗ được sử dụng tùy mức độ đau, sưng.
Các sản phẩm glucosamine, chondroitin, vitamin C, beta-carotene, kẽm có thể hỗ trợ việc hồi phục nhanh hơn.
Vật lý trị liệu và các biện pháp từ y học cổ truyền như châm cứu, nắn chỉnh, giác hơi, massage cũng giúp cải thiện triệu chứng và đẩy nhanh tốc độ hồi phục nhưng cần được áp dụng trong từng giai đoạn phù hợp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tình trạng bong gân nghiêm trọng có thể yêu cầu phẫu thuật để tái tạo dây chằng, gân, cơ bị tổn thương.
Bong gân triệu chứng như thế nào cần đi khám chuyên khoa?
Đa số các trường hợp bong gân nhẹ có thể tự hồi phục, nhưng bạn cần đi khám bác sĩ nếu gặp phải các tình trạng dưới đây, nhằm đảm bảo chẩn đoán chính xác tổn thương và điều trị một cách đầy đủ tránh biến chứng.
- Không thể đứng hoặc đi lại do đau
- Không vận động được vùng bị tổn thương
- Tê hoặc mất cảm giác vùng tổn thương
- Vẫn còn triệu chứng đau và không vận động được sau chấn thương 2 tuần
Bong gân và cách sơ cứu sớm
- Lập tức chườm lạnh: Bị bong gân và cách sơ cứu là người bệnh chườm lạnh ngay lập tức mặc dù lúc này có thể gây cảm giác khó chịu. Chườm lạnh giúp giảm viêm sưng sau đó.
- Tuyệt đối không xoa dầu, rượu thuốc hay thực hiện chườm nóng có thể khiến khớp sưng to hơn và làm tình trạng bong gân thêm trầm trọng.
- Có thể băng ép bằng băng thun nhẹ nhàng ngay khi xác định được chấn thương.
Sau bao lâu tình trạng bong gân sẽ phục hồi?
Thời gian phục hồi chấn thương bong gân tùy mức độ:
- Bong gân độ I: từ 2 – 3 tuần
- Bong gân độ II: từ 3 – 6 tuần
- Bong gân độ III: từ 6 -12 tuần, nhiều trường hợp phải phẫu thuật cần từ 3 – 6 tháng.
Tùy vào tình trạng bong gân và cách sơ cứu ngay lúc bị thương kèm các chấn thương khác như gãy xương, thời gian phục hồi có thể kéo dài hơn nữa.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị chấn thương bong gân
Chúng ta nên duy trì một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh cho sức khỏe ngay cả khi chưa bị chấn thương bong gân. Khi bị chấn thương, chế độ dinh dưỡng này vẫn cần được áp dụng, trong đó đặc biệt lưu ý các dưỡng chất cần thiết cho sự phục hồi của hệ vận động.
Thực phẩm giàu protein
Protein đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc mô cơ. Khi bị chấn thương, không những cơ thể cần thêm dinh dưỡng để hồi phục, mà sự hạn chế vận động cũng có thể làm giảm khối lượng cơ của cơ thể. Bổ sung đầy đủ protein giúp làm giảm nguy cơ teo cơ.
Các loại thực phẩm giàu protein gồm các loai thịt bò, lợn, gà, cá hoặc protein thực vật trong đậu, đậu phụ, các loại hạt.
Thực phẩm giàu vitamin C, omega 3, omega 6
Vitamin C có tác dụng chống oxy hóa và giảm viêm, qua đó giúp đẩy nhanh sự phục hồi tổn thương. Một số loại hoa quả rất giàu vitamin C như: ổi, trái cây họ cam, quýt, chanh, rau xà lách, súp lơ, cà chua và kiwi.
Omega 3, omega 6 có thể giúp cải thiện tình trạng viêm tương tự vitamin C. Bạn có thể tích cực bổ sung thông qua các thực phẩm như cá, các loại hạt điển hình như hạt óc chó, dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu hạt cải.
Thực phẩm giàu canxi, kẽm và vitamin D
Canxi là thành phần chính của cấu trúc xương. Các thực phẩm giàu canxi gồm trứng, tôm, cua và các sản phẩm từ sữa.
Vitamin D tăng cường khả năng hấp thụ canxi và đưa canxi đến tổ chức xương để phục hồi. Bổ sung đủ canxi và vitamin D giúp ngăn ngừa nguy cơ chấn thương.
Trong nhiều trường hợp, bên cạnh việc bổ sung qua thực phẩm, có thể sử dụng các viên uống có chứa canxi và vitamin D.
Giống như protein, kẽm cũng là nguyên liệu quan trọng trong việc phục hồi tổn thương. Các thực phẩm giàu kẽm bao gồm thịt, cá, ngao, ốc, hến.
Đa số các trường hợp bong gân nhẹ độ I, người bệnh có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên với mức độ nặng hơn cần có các biện pháp điều trị tích cực thậm chí áp dụng phẫu thuật để có thể phục hồi hoàn toàn. Ngoài các biện pháp điều trị, thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ góp phần hồi phục nhanh hơn.
DS. Thanh Loan