Sỏi thận là một vấn đề phổ biến, với tỉ lệ khoảng 10% dân số. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sỏi thận có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Không phải tất cả các loại sỏi thận đều giống nhau
Sỏi thận có thể là những hạt nhỏ li ti hoặc to bằng quả bóng gôn. Những viên đá to như vậy rất hiếm. Thông thường, chúng có kích thước bằng hạt đậu. Sỏi thận hình thành khi một chất tạo tinh thể nhất định tích tụ trong nước tiểu. Đôi khi đây là axit uric hoặc các khoáng chất như canxi, oxalat hoặc phốt pho, hay gặp hơn cả là tinh thể canxi.
Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao. Khi có một trong hai hoặc cả hai hiện tượng trên kéo dài trong nhiều ngày sẽ có nguy cơ hình thành sỏi thận.
2. Đau là triệu chứng điển hình của sỏi thận
Sỏi thận nhỏ có thể đi từ thận vào bàng quang gây đau ít hoặc không đau. Tuy nhiên, những viên sỏi lớn hơn có thể gây đau dữ dội. Những viên sỏi này có thể mắc kẹt trong ống niệu quản chặn dòng chảy của nước tiểu. Điều này dẫn đến cơn đau thực sự tồi tệ – tên y học là cơn đau quặn thận. Nó có thể ở lưng, bên hông, bụng dưới hoặc háng.
Cơn đau có thể đến và đi theo từng đợt.
>> Xem thêm Nhận biết mối liên quan giữa bệnh huyết áp và bệnh thận
3. Sỏi thận cũng có những dấu hiệu cảnh báo khác
Nếu bạn bị sỏi thận, bạn có thể liên tục cảm thấy cần đi tiểu nhưng chỉ đi được một lượng nhỏ. Có thể có cảm giác đau khi đi tiểu. Nước tiểu có thể có mùi hôi, có màu hồng, đỏ hoặc nâu do có máu. Bạn có thể bị đau bụng và cũng bị sốt hoặc ớn lạnh. Nếu gặp phải những dấu hiệu này, hãy đi khám ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.
4. Có thể điều trị sỏi thận bằng thuốc
Sỏi thận nhỏ có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Sỏi thận lớn hơn có thể cần điều trị. Người bệnh cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch nếu bị nôn và mất nước. Thuốc giúp loại bỏ sỏi thận hoặc bác sĩ sẽ làm thủ thuật không xâm lấn bao gồm sóng xung kích năng lượng cao để phá vỡ viên sỏi to thành các mảnh nhỏ hơn. Sau đó, chúng có thể tự đào thải ra khỏi cơ thể bạn.
5. Uống sữa không gây sỏi thận
Sỏi thận phổ biến nhất là sỏi canxi. Tuy nhiên, những viên sỏi này không hình thành do bạn tiêu thụ thức ăn hoặc chất lỏng có nhiều canxi. Xương và cơ của bạn cần canxi. Khi bạn bổ sung canxi qua bất kỳ hình thức nào cũng đều đến thận. Nhưng khi thận không hoạt động bình thường, lượng canxi hấp thu sẽ không được đào thải như bình thường. Khi đó, lượng canxi bổ sung sẽ trộn lẫn với các chất thải khác như phốt phát hoặc thường là oxalat hình thành sỏi thận.
6. Axit uric có thể gây sỏi thận
Nồng độ cao của axit uric trong nước tiểu có thể dẫn đến sỏi thận. Axit uric hình thành khi cơ thể phân hủy các chất purin có trong nhiều loại thực phẩm và trong tất cả các mô của cơ thể. Axit uric thường đi qua thận và ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, sỏi thận có thể hình thành nếu có quá nhiều axit uric trong nước tiểu. Điều này xảy ra khi ăn một lượng lớn cá, thịt, đặc biệt là nội tạng động vật. Những người bị bệnh gút cũng thường bị sỏi thận.
7. Nhiễm trùng có thể dẫn đến sỏi thận
Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc thận có thể dẫn đến sỏi thận. Điều này xảy ra khi amoniac do vi khuẩn tạo ra tích tụ trong nước tiểu, trộn lẫn với các khoáng chất, tạo thành một chất gọi là struvite và biến thành sỏi thận.
8. Di truyền, giới tính có ảnh hưởng đến sỏi thận
Đàn ông có nhiều khả năng bị sỏi thận hơn phụ nữ. Có một thành viên gia đình bị sỏi thận làm tăng khả năng mắc bệnh của bạn. Bạn cũng có nhiều khả năng bị tái phát sỏi thận.
DS. Phan Hiền