Bệnh chốc có nguy hiểm không? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Chốc là một bệnh nhiễm khuẩn da rất phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi các tổn thương bọng nước. Vậy bệnh chốc có nguy hiểm không? Thực tế không được điều trị kịp thời, chốc có thể gây các biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân rất nguy hiểm.

Bệnh chốc có nguy hiểm không
Chốc là bệnh nhiễm trùng da thường gặp ở trẻ em

Nguyên nhân gây bệnh chốc

Thuật ngữ chốc chỉ các nhiễm trùng nông, khi tổn thương loét sâu được gọi là chốc loét. Chốc thường gặp ở trẻ em, trong đó bé trai nhiều hơn bé gái. Ở người lớn, chốc cũng có thể gặp khi miễn dịch kém.

Nguyên nhân gây bệnh chốc là do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu hoặc phối hợp cả hai.

Chốc không có bọng nước có thể gây ra bởi liên cầu tan huyết beta nhóm A, tụ cầu. Chốc bọng nước thường do độc tố bong da của tụ cầu (exfoliatin A-D).

Chốc loét thường do liên cầu nhưng có thể phối hợp với tụ cầu vàng, xảy ra trên cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, người mắc bệnh mạn tính.

Ngoài những nguyên nhân này, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị chốc như:

  • Mùa hè, thời tiết nóng ẩm
  • Vệ sinh kém
  • Có các bệnh da liễu khác như ghẻ lở, côn trùng cắn, viêm da cơ địa…

Triệu chứng nhận biết bệnh chốc

Bệnh chốc thường khởi phát với biểu hiện nổi các tổn thương dát đỏ, sung huyết đường kính khoảng 0,5 – 1 cm. Các vị trí thường bị chốc là ở vùng da hở như tay, mặt, cổ, chân.

Sau đó, các bọng nước nhanh chóng phát triển trên các dát đỏ có kích thước tương ứng, nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ viêm. Các bọng nước này hóa mủ sau vài giờ thành bọng mủ hoặc dập vỡ đóng vảy màu vàng nâu.

Dưới lớp vảy là vết trợt nông màu đỏ, bề mặt ẩm ướt. Tổn thương da thường đi kèm triệu chứng ngứa ở các mức độ khác nhau tùy người bệnh.

Bên cạnh vùng da bị tổn thương, người bệnh có thể kèm theo các thương tổn khác nhưng thường lành tính gồm viêm bờ mi, chốc mép, viêm cầu thận, hạch viêm. Chốc thường ít khi gây ra triệu chứng sốt.

Liệu bệnh chốc có nguy hiểm không? Thì nếu tình trạng nhẹ và được điều trị, sau khoảng 7 – 10 ngày, các vảy bong đi để lại dát hồng, nhẵn, ít lâu sau lành hẳn, không để lại sẹo hoặc chỉ để lại sắc tố.

Tuy nhiên bệnh cũng có thể dai dẳng thậm chí có những biến chứng nguy hiểm nếu vệ sinh kém và không được điều trị đúng cách.

Bệnh chốc có nguy hiểm không
Các bọng nước sau đó tạo thành các vảy tiết vàng hoặc vàng nâu

Phân biệt bệnh chốc với các bệnh da liễu thường gặp

Chốc có thể có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với một số bệnh da liễu khác như:

  • Nấm da: Có thể nhầm lẫn với chốc do cũng có biểu hiện đóng vảy nhưng không nổi hẳn bóng nước. Với nấm da, người bệnh thường ngứa nhiều và xét nghiệm nấm dương tính.
  • Thuỷ đậu: Bệnh do virus, thường gặp mùa đông xuân, thủy đậu thường kèm theo các triệu chứng viêm họng, hắt hơi, sổ mũi, đỏ mắt, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu. Tổn thương mụn nước thủy đậu thường có kích thước nhỏ hơn khoảng từ 1 – 3 mm, tương đối đồng đều, xuất hiện đồng loạt ở mặt, thân mình. Sau đó lõm ở giữa, hóa mủ, đóng vảy. Mụn nước thường lành sau khoảng 7 – 10 ngày, không để lại sẹo trừ trường hợp bội nhiễm.
  • Viêm da do Herpes simplex: Mụn nước nhỏ chứa dịch trong, xếp thành chùm, khi vỡ tạo vết trợt nông, đau rát, thường gặp ở vùng môi.
  • Bệnh zona (Herpes Zoster): Tổn thương mụn nước, xếp thành đám, phân bố dọc đường đi của dây thần kinh ngoại biên. Bệnh nhân đau rát nhiều, nhất là những người bệnh trên 65 tuổi.
Bệnh chốc có nguy hiểm không
Các bọng nước do thủy đậu có kích thước nhỏ hơn và nổi khắp cơ thể

Bệnh chốc có nguy hiểm không? 

Nếu không được điều trị hợp lý và kịp thời, chốc có thể gây ra các biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân.

  • Chàm hoá: Xuất hiện thêm các tổn thương của chàm bao gồm các mụn nước thành đám quanh chốc hoặc rải rác khắp cơ thể gây ngứa nhiều.
  • Chốc loét: Bọng nước lan rộng, sau khi vỡ để lại vết loét sâu với dấu hiệu “đục lỗ”, bên trên phủ vảy màu vàng xám hoặc tím. Vết loét có thể rộng 2 – 3 cm, hay gặp ở chân, để lại sẹo xấu.
  • Viêm mô bào: Tổn thương mảng đỏ, phù nề, cứng, đau, giới hạn rõ, bờ nổi cao, có thể có bọng nước hoặc hoại tử.
  • Các biến chứng toàn thân: Viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm cơ, viêm cầu thận cấp. Biến chứng này có thể xuất hiện sau khi có triệu chứng bệnh chốc khoảng 2-3 tuần.

Các phương pháp điều trị bệnh chốc hiệu quả

Điều trị bệnh chốc cần kết hợp điều trị tại chỗ và toàn thân, chống ngứa để hạn chế việc gãi ngứa dẫn đến lây nhiễm giữa các vùng da, điều trị biến chứng nếu có.

Điều trị tại chỗ

  • Ngâm tắm bằng nước thuốc tím loãng 1/10.000 hoặc các dung dịch sát khuẩn khác.
  • Chấm dung dịch sát khuẩn vào các nốt bọng nước, bọng mủ.
  • Trường hợp nhiều vảy tiết cần bôi dung dịch sát khuẩn hoặc bôi các thuốc mỡ kháng sinh như acid fusidic, erythromycin ngày 2-3 lần.

Điều trị toàn thân

  • Dùng thuốc kháng sinh: Khi tổn thương nhiều, lan tỏa diện rộng trong thời gian khoảng 5-7 ngày. Nếu chốc kháng thuốc hoặc chốc loét phải điều trị theo kháng sinh đồ.
  • Thuốc kháng histamine: Giảm ngứa.
Bệnh chốc có nguy hiểm không
Bệnh chốc cần điều trị bằng kháng sinh toàn thân nếu tổn thương diện rộng

Biện pháp dự phòng bệnh chốc

  • Chú ý tắm rửa vệ sinh ngoài da cẩn thận
  • Sử dụng đồ dùng vệ sinh cá nhân riêng
  • Vệ sinh đồ chơi của trẻ thường xuyên
  • Dạy trẻ cách rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dùng dung dịch sát khuẩn
  • Vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ đảm bảo sạch sẽ, thoáng khí
  • Tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh
  • Chú ý ăn uống đầy đủ, tập thể dục hàng ngày
  • Bổ sung tăng cường sức đề kháng để nâng cao sức khỏe

Nhìn chung, không có cách nào giúp phòng tránh bệnh tuyệt đối. Việc cần làm chỉ là chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ để tăng cường sức khỏe. Nếu không may mắc bệnh thì nên điều trị sớm ngay từ đầu để tránh dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Ds. Thanh Loan