Da bị ngứa do đâu, làm sao để giảm ngứa nhanh chóng?

Ngứa da hay còn gọi là mẩn ngứa là cảm giác ngứa ngáy khó chịu và không kiểm soát được. Tìm cách giảm ngứa nhanh chóng sẽ giảm thiểu khả năng gãi, giảm nguy cơ nhiễm trùng da.

da bị ngứa
Da bị ngứa gây cảm giác khó chịu, có thể không kiểm soát được

Nguyên nhân gây ngứa da

Ngứa trên da có thể toàn thân hoặc khu trú ở một vùng hoặc điểm nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa da, có thể là hậu quả của các bệnh lý nghiêm trọng như suy thận hoặc bệnh tiểu đường hoặc có thể do những nguyên nhân đơn giản như da khô hoặc côn trùng cắn.

Nguyên nhân do tình trạng da

Nhiều tình trạng da thường gặp có triệu chứng ngứa da. Các bệnh về da sau đây có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da nào trên cơ thể:

  • Viêm da
  • Bệnh chàm (eczema): một chứng rối loạn da mạn tính bao gồm phát ban ngứa, có vảy
  • Bệnh vẩy nến: một bệnh tự miễn dịch gây đỏ da và kích ứng, thường ở dạng mảng
  • Chứng da vẽ nổi: da người bệnh bị nổi hằn lên và bị viêm khi vuốt ve, gãi, cọ xát, hoặc tát vào da
  • Các nhiễm trùng da cũng gây ngứa như: thủy đậu, bệnh sởi, phát ban do nấm, ghẻ.
dạ bị ngứa
Bệnh chàm gây ngứa kèm vẩy trên da

Nguyên nhân do các chất gây kích ứng da

Đây là nguyên nhân gây ngứa da phổ biến. Các loại cây như cây thường xuân độc, cây sồi độc và côn trùng như muỗi tạo ra chất gây ngứa. Một số người bị ngứa da khi tiếp xúc với len, nước hoa, một số loại xà phòng hoặc thuốc nhuộm và hóa chất. Dị ứng thực phẩm cũng có thể gây ngứa da.

Nguyên nhân do bệnh lý bên trong cơ thể

Một số bệnh nội khoa nghiêm trọng gây ngứa. Các bệnh sau đây có thể gây ngứa toàn thân, nhưng bên ngoài da không có biểu hiện gì bất thường: tắc nghẽn ống mật, xơ gan, thiếu máu, bệnh bạch cầu, bệnh tuyến giáp, ung thư hạch, suy thận, bệnh tiểu đường, bệnh đa xơ cứng, bệnh thần kinh.

dạ bị ngứa
Chức năng giải độc của gan bị suy giảm gây mẩn ngứa

Nguyên nhân do sử dụng thuốc

Các loại thuốc thông thường sau đây thường có tác dụng phụ gây phát ban và ngứa lan rộng: thuốc chống nấm, kháng sinh (đặc biệt là kháng sinh gốc lưu huỳnh), thuốc giảm đau được phân loại là chất gây nghiện, thuốc chống co giật.

Nguyên nhân do thai kỳ

Một số phụ nữ bị ngứa da khi mang thai. Cảm giác ngứa thường xuất hiện trên ngực, cánh tay, bụng hoặc đùi. Đôi khi các bà bầu bị ngứa da do các bệnh lý đã tồn tại trước đó, và trở nên trầm trọng hơn khi mang thai.

Bị ngứa da thế nào thì đi khám?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu:

  • Bị ngứa không rõ nguyên nhân
  • Triệu chứng nghiêm trọng gây cảm giác cực kỳ khó chịu
  • Có các triệu chứng khác đi kèm như đau đầu, sốt…

Chẩn đoán nguyên nhân gây ngứa da

Bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe cho bạn và hỏi các câu hỏi như:

  • Thời gian da bị kích ứng
  • Triệu chứng có xuất hiện rồi biến mất không?
  • Đã từng tiếp xúc với bất kỳ chất kích ứng nào chưa?
  • Có tiền sử bị dị ứng không?
  • Có đang dùng thuốc gì không?

Ngoài ra, một số xét nghiệm có thể được chỉ định để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Các bài kiểm tra bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Kiểm tra chức năng tuyến giáp để loại trừ các vấn đề về tuyến giáp
  • Kiểm tra da: để xác định xem bạn có đang bị dị ứng với thứ gì đó không
  • Sinh thiết da: để xác định xem bạn có bị nhiễm trùng hay không
dạ bị ngứa
Sinh thiết da là phương pháp cần thiết trong chẩn đoán da liễu

Chăm sóc ngứa da tại nhà

Tại nhà, bạn có thể làm một số biện pháp đơn giản để phòng ngừa và giảm ngứa da. Hãy thử:

  • Sử dụng kem dưỡng ẩm và uống nhiều nước để giữ nước cho da
  • Tránh gãi vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa
  • Tránh xa xà phòng, chất tẩy rửa và các chất khác có chứa nước hoa và thuốc nhuộm màu
  • Tắm nước mát có thể giúp dễ chịu hơn
  • Bôi kem chống ngứa
  • Uống thuốc kháng histamine

DS Phan Thu Hiền