Giải đáp thắc mắc “Khi nào nên nạo VA cho trẻ?”

Chỉ định nạo VA cho trẻ khi nào, nạo V.A có nguy hiểm gì không, có giúp thuyên giảm tình trạng bệnh không là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh. Vậy theo các chuyên gia thì khi nào nên nạo VA cho trẻ?

nạo VA cho trẻ
Nạo VA cho trẻ có thể được chỉ định khi cần thiết

Vai trò của VA

VA còn có tên gọi khác là Amidan vòm. VA là tổ chức bạch huyết của vòng bạch huyết Waldeyer nằm ở ngã tư hầu họng, có vai trò giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm khuẩn qua đường mũi.

nạo VA cho trẻ
Mô phỏng vị trí VA

Bình thường VA chỉ dày khoảng 4-5 mm, không cản trở đường thở. VA có từ lúc trẻ mới sinh nhưng rất nhỏ. Từ 6 tháng tuổi, nó phát triển dần theo nhiệm vụ miễn dịch. Đến 9-10 tuổi, VA teo dần và chỉ còn dấu vết ở tuổi dậy thì.

Nhiệm vụ của VA là nhận diện và định dạng các yếu tố gây bệnh xâm nhập cơ thể, để tạo ra kháng thể tiêu diệt vi khuẩn khi chúng tái xâm nhập. Tuy VA có chức năng như đã nói trên nhưng nó không phải là cơ quan duy nhất làm nhiệm vụ này.

Mặt khác, tuy là cơ quan bảo vệ bao quanh đường thở nhưng nếu không được vệ sinh đúng cách, thì lại trở thành nơi khu trú của vi khuẩn, virus khiến VA bị viêm nhiễm. Khi VA bị viêm tái phát nhiều lần thì nó không còn khả năng để thực thi nhiệm vụ của mình nữa.

>> Xem thêm Viêm VA ở trẻ có triệu chứng gì đặc biệt và cách chăm sóc trẻ

Thủ thuật nạo VA là gì?

Phẫu thuật nạo VA được Willhelm Meyer người Đan Mạch mô tả lần đầu tiên vào năm 1867. Tới đầu thập niên 1900, cắt amidan và nạo VA thường được thực hiện đồng thời vì hai cấu trúc này được coi là những ổ nhiễm trùng gây ra nhiều bệnh khác.

Nạo VA là một thủ thuật đơn giản. Trẻ sau nạo vẫn ăn uống bình thường, không cần kiêng nói. Nạo VA là lấy toàn bộ tổ chức VA và amidan vòi mà không làm tổn thương thành của vòm mũi họng.

Nạo VA và cắt amidan có thể được thực hiện dưới gây mê hoăc gây tê tại chỗ. Nếu là phẫu thuật gây mê thì ca mổ thường kéo dài 30-60 phút. Nếu gây tê tại chỗ thì chỉ khoảng 10 phút. VA được cắt bỏ, nạo qua đường miệng nên sẽ không có vết rạch ở mặt hay ở cổ.

nạo VA cho trẻ
Nạo VA là một thủ thuật đơn giản

Ngay sau khi hết tình trạng gây mê, gây tê trẻ có thể có các phản ứng khác nhau như: Khóc, cuống quýt hay bối rối, khó chịu ở dạ dày hoặc nôn, có thể nôn ra chất dịch đặc có màu nâu nếu trẻ đã nuốt một ít máu trong và sau phẫu thuật. Những phản ứng này là hoàn toàn bình thường và sẽ hết khi thuốc mê hết tác dụng hoàn toàn.

>> Xem thêm Học cách xử trí nhanh chóng khi trẻ hắt hơi sổ mũi

Khi nào nên nạo VA cho trẻ?

VA phì đại khiến trẻ phải thở bằng miệng, nghẹt mũi, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, ngừng thở khi ngủ… VA bị viêm nhiễm kéo dài và quá phát chẳng những không thể duy trì chức năng miễn dịch của mình mà còn dẫn tới nhiều nguy hiểm như:

  • VA phì đại có thở gây cản trở việc thở của trẻ, khiến trẻ phải thở bằng miệng, ngủ ngáy và thậm chí ngừng thở khi ngủ. Thiếu oxy não thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển thể chất và trí tuệ, khả năng học tập cũng như hành vi của trẻ.
  • VA quá lớn cũng ảnh hưởng tới khứu giác và vị giác của các bé.
  • VA phì đại có thể gây bít tắc vòi tai, dẫn tới nhiễm trùng tai, giảm thính lực và ảnh hưởng tới phát triển ngôn ngữ.
  • VA phì đại có thể khiến dịch nhầy tích tụ trong các xoang hoặc gây viêm xoang tái phát.
  • VA bị viêm tái đi tái lại thường xuyên sẽ là nơi trú ngụ của các vi khuẩn gây bệnh, từ đó chúng có thể tấn công các cơ quan khác như mũi họng, xoang, tai, thanh khí phế quản, tim, thận…
nạo VA cho trẻ
Hình ảnh VA phì đại

Phẫu thuật nạo VA được chỉ định trong các trường hợp sau (không có giới hạn về tuổi):

  • Viêm VA tái đi tái lại nhiều lần trong năm (≥ 5 lần/năm).
  • Viêm VA điều trị nội khoa không hết, kèm theo các biến chứng như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản… tái phát.
  • VA quá phát gây bít tắc cửa mũi sau, khiến trẻ nghẹt mũi kéo dài, gây cản trở đường thở tự nhiên.

DS Phan Thu Hiền