Giật mình trước tác dụng phụ của thuốc ngủ khi sử dụng trong thời gian dài

Đối với người thường xuyên bị mất ngủ thì thuốc ngủ được xem là cứu cánh đem lại giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, việc lạm dụng lâu dài có thể gây nhiều tác dụng phụ của thuốc ngủ nguy hiểm.

tác dụng phụ của thuốc ngủ
Sử dụng thuốc ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe

Thống kê cho thấy, có tới 1/3 dân số bị mất ngủ hoặc phàn nàn về chất lượng giấc ngủ. Vì thế nhu cầu sử dụng thuốc ngủ để có được giấc ngủ ngon là rất cao.

Tuy nhiên bạn nên hiểu thuốc ngủ có thể giúp trị được các vấn đề về giấc ngủ trong thời gian ngắn, nhưng nếu sử dụng kéo dài thì có thể tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ khá nguy hiểm cho sức khỏe.

Thuốc ngủ là gì?

tác dụng phụ của thuốc ngủ
Thuốc ngủ thuộc nhóm thuốc an thần

Hầu hết các loại thuốc ngủ được phân loại vào nhóm thuốc an thần. Đây là nhóm thuốc cụ thể được sử dụng để giúp người bệnh dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn. Thuốc ngủ an thần gồm một số hoạt chất benzodiapepine, barbiturat và các loại thuốc thôi miên khác nhau.

Hoạt chất benzodiazepine có trong thuốc Ativan, Librium, Valium và Xanax là thuốc chống trầm cảm. Chúng giúp làm tăng cảm giác buồn ngủ và giúp cho bạn ngủ ngon hơn. Halcion là một loại thuốc an thần thế hệ cũ hơn và hầu hết được thay thế bằng các loại thuốc mới hơn. Hầu hết các loại thuốc ngủ này đều có thể giúp bạn ngủ được ngay nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Khi sử dụng thuốc chứa benzodiazepine sẽ có thể gây nghiện và làm ảnh hưởng tới trí nhớ và khả năng chú ý. Thuốc ngủ dạng này không được khuyên dùng lâu dài để điều trị các vấn đề về sức khỏe.

Barbiturat, một nhóm thuốc khác trong nhóm thuốc an thần, có khả năng làm ức chế hệ thần kinh trung ương và giúp an thần. Thuốc an thần dạng này có thể được kê đơn như thuốc ngủ. Tuy nhiên, loại thuốc này cần được giới hạn về thời gian và liều lượng sử dụng phù hợp. Bởi chúng có thể gây tử vong khi sử dụng quá liều.

Các loại thuốc mới hơn giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Một số loại thuốc giúp buồn ngủ, liên kết với các thụ thể trong não như benzodiazepine, bao gồm Ambien, Lunesta và Sonata. Chúng hiếm có khả năng gây nghiện như dùng thuốc chứa benzodiazepine, tuy nhiên nếu sử dụng trong thời gian dài thì vẫn bị lệ thuộc vào thuốc.

Một loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ khác, gọi là Rezerem, cơ chế hoạt động khác với các loại thuốc ngủ kể trên. Thuốc làm ảnh hưởng tới một loại hormone trong não gọi là melatonin, và thuốc này không gây nghiện. Belsomra là một chất hỗ trợ giấc ngủ độc đáo khác làm ảnh hưởng tới chất hóa học trong não có tên là orexin và không gây nghiện. Một loại thuốc ngủ khác không gây nghiện có tên là Silenor. Đây là một dạng liều thấp của thuốc chống trầm cảm ba vòng doxepin.

Tác dụng phụ của thuốc ngủ là gì?

tác dụng phụ của thuốc ngủ
Sử dụng thuốc ngủ có thể gây khô miệng hoặc cổ họng

Hầu hết các loại thuốc Tây nói chung và thuốc ngủ nói riêng đều ít nhiều gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, bạn sẽ không biết rằng mình có bị tác dụng phụ với một loại thuốc ngủ cụ thể hay không cho tới khi sử dụng chúng.

Bác sĩ có thể cho bạn biết về một số tác dụng phụ nếu như bạn bị hen suyễn hoặc mắc các bệnh mạn tính khác. Sử dụng thuốc ngủ có thể cản trở việc thở bình thường và gây nguy hiểm ở những người mắc một số vấn đề phổi mãn tính như hen suyễn, khí phế thũng hoặc các dạng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc ngủ kê đơn như Ambien, Halcion, Lunesta, Rezerem và Sonata bao gồm:

  • Châm chích hoặc ngứa ran ở bàn tay, cánh tay, bàn chân hoặc chân
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Khó giữ thăng bằng
  • Chóng mặt
  • Buồn ngủ vào ban ngày
  • Khô miệng hoặc cổ họng
  • Suy nhược cơ thể vào ngày hôm sau
  • Đau dạ dày
  • Rung một phần cơ thể mà không kiểm soát được
  • Gặp các giấc mơ bất thường
  • Yếu đuối

Quan trọng hơn là bạn phải nhận thức được các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc ngủ để có thể ngừng thuốc và báo cho bác sĩ sớm để tránh các vấn đề nguy hiểm hơn.

Thuốc ngủ đối với người cao tuổi

tác dụng phụ của thuốc ngủ
Người cao tuổi được khuyên nên tránh dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ

Với người từ 65 tuổi trở lên, các chuyên gia khuyên nên tránh tất cả các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Cụ thể là tất cả các loại thuốc không kê đơn và thuốc như eszopiclone (Lunesta), zaleplon (Sonata) và zolpidem (Ambien).

So với người trẻ tuổi, người lớn tuổi thường có xu hướng mắc các vấn đề về sức khỏe nhiều hơn khi dùng thuốc ngủ. Khi cơ thể già đi, thuốc ngủ sẽ có xu hướng tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Buồn ngủ có thể kéo dài cả ngày sau khi bạn uống thuốc. Bị lú lẫn hoặc gặp vấn đề về trí nhớ cũng là một dạng tác dụng phụ phổ biến. Đối với người lớn tuổi, khi không minh mẫn và tham gia giao thông dễ dẫn tới vấp ngã, gãy xương hoặc bị tai nạn giao thông.

Các triệu chứng khác của một số loại thuốc ngủ không kê đơn gồm khô miệng hoặc bị táo bón, khó tiểu.

Trước bạn quyết định dùng thuốc ngủ, hãy nói chuyện với bác sĩ. Họ có thể đề nghị khám sức khỏe tổng thể để giúp tìm ra nguyên nhân gây vấn đề về giấc ngủ như trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn giấc ngủ. Bác sĩ sẽ đưa ra gợi ý về cách điều trị chứng khó ngủ mà không cần dùng thuốc.

Một số tác dụng phụ tiềm ẩn khi dùng thuốc ngủ lâu dài

Có thể xuất hiện tình trạng tương tự như mộng du khi dùng thuốc ngủ kéo dài
Có thể xuất hiện tình trạng tương tự như mộng du khi dùng thuốc ngủ kéo dài

Một số loại thuốc ngủ có tác dụng phụ có hại cho sức khỏe. Một số người gặp phải tình trạng mộng du – khi mà có những cử động, hành vi mà bạn không thể kiểm soát được. Trong thời gian đó, bạn vẫn đang ngủ và không hề biết mình đang làm gì.

Tình trạng này là các hành vi phức tạp khi ngủ bao gồm ăn, gọi điện, quan hệ tình dục khi đang ở trạng thái ngủ. Lái xe trong khi đang ngủ – tức là lái xe trong trạng thái không tỉnh táo, tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc ngủ, có thể gây ra hậu quả nguy hiểm.

Đọc kĩ nhãn các loại thuốc an thần về những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thuốc. Bởi vì các hành vi phức tạp trong giấc ngủ có nhiều khả năng xảy ra khi bạn tăng liều lượng thuốc ngủ. Bạn chỉ nên uống đúng và đủ liều thuốc bác sĩ kê đơn.

Có thể bị dị ứng thuốc ngủ không?

Mọi người có thể gặp phản ứng dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, liên quan tới thành phần hoạt tính của chính loại thuốc đó hoặc bất kỳ thành phần phụ nào của nó. Nhưng người có phản ứng dị ứng với một loại thuốc ngủ nhất định thì nên tránh không sử dụng.

Quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ về các dấu hiệu khác thường khi sử dụng như:

  • Tầm nhìn bị mờ hoặc gặp vấn đề với thị giác
  • Tức ngực
  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Cổ họng bị nghẹt cứng
  • Khàn tiếng
  • Ngứa
  • Buồn nôn
  • Tim đập nhanh
  • Phát ban
  • Khó thở
  • Sưng mắt, môi, mặt, lưỡi hoặc cổ họng
  • Nôn mửa

Ngoài ra, một tác dụng phụ nghiêm trọng khác – thậm chí có thể gây tử vong – của bất kỳ loại thuốc nào có thể gây ra là sốc phản vệ. Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng cấp tính. Một ảnh hưởng khác là phù mạch, tức bị sưng mặt nghiêm trọng. Hãy thảo luận về khả năng này với bác sĩ nếu bạn có nguy cơ dị ứng.

Khi nào nên dùng thuốc ngủ?

Thông thường, bạn nên uống thuốc ngủ ngay trước khi đi ngủ. Đọc hướng dẫn của bác sĩ trên nhãn thuốc kê đơn và thực hiện theo đúng cách dùng. Ngoài ra, hãy dành nhiều thời gian để ngủ trước khi bạn uống thuốc.

Mối nguy hiểm khi kết hợp thuốc ngủ và rượu

Uống thuốc ngủ khi uống quá nhiều rượu có thể gây nguy hiểm
Uống thuốc ngủ khi uống quá nhiều rượu có thể gây nguy hiểm

Việc uống nhiều rượu và dùng thuốc ngủ có thể tác dụng an thần cộng thêm có thể gây ngừng thở, tử vong. Nhãn thuốc ngủ cảnh báo không sử dụng rượu trong khi dùng thuốc.

Ngoài ra, bạn không nên ăn bưởi hoặc dùng nước ép bưởi khi đang uống thuốc ngủ. Bưởi làm tăng lượng thuốc được hấp thụ vào máu và thời gian chúng lưu lại cơ thể. Hệ quả là sẽ gây ra quá liều thuốc.

Khả năng phụ thuộc vào thuốc ngủ

Với người bị mất ngủ ngắn hạn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ngủ sử dụng trong vài tuần. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc ngủ thường xuyên trong thời gian dài hơn, một số loại thuốc ngủ như benzodiazenpine hoặc chất chủ vận benzodiazepine như zolpidem hoặc eszopiclone có thể ngừng hoạt động khi cơ thể không dung nạp thuốc.

Nếu không có thuốc ngủ, bạn có thể cảm thấy khó ngủ. Đây là một trong những tác dụng phụ của thuốc ngủ gây sự phụ thuộc thuốc ngủ, cả về thể chất hoặc tinh thần. Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài thực sự gây trở ngại cho giấc ngủ. Cách tốt nhất để tránh sự phụ thuộc thuốc ngủ là nên sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và ngừng dùng thuốc khi được khuyến cáo.

Đào Tâm