Nên chuẩn bị gì khi tự điều trị Covid-19 tại nhà?

Khi mới phát hiện dương tính với Covid-19, không ít người sợ hãi, hoang mang. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy khoảng 80% chỉ có triệu chứng nhẹ, trung bình và có thể tự điều trị tại nhà.

tự điều trị Covid tại nhà
Cần bình tĩnh khi tự điều trị Covid-19 tại nhà

Với sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm cao chẳng hạn như Delta và Omicron, tỷ lệ nhiễm coronavirus đã tăng lên, ngay cả đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Bình tĩnh không hoang mang

Khi nhận kết quả 2 vạch (dương tính) với Covid-19, tâm lý thông thường là lo lắng, sợ hãi, thậm chí nhiều người còn hoảng loạn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, ước tính có khoảng 80% những người mắc Covid-19 chỉ gặp các triệu chứng nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, ngay cả khi bị nhẹ người bệnh vẫn cần phải tự cách ly và điều trị, tránh lây lan virus sang người khác.

Các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày và sẽ tốt hơn trong khoảng một tuần. Việc điều trị nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng.

Thay vì hoảng loạn, hãy bình tĩnh kiểm tra xem đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, thuốc men, trang thiết bị phòng hộ, máy tính (nếu bạn phải làm việc) và một vài công cụ giải trí hay chưa.

tự điều trị Covid tại nhà
Bình tĩnh khi tự điều trị Covid-19 tại nhà

Cần có nhiều nước

Nước là thứ thiết yếu nhất trong danh sách cần có nếu bị Covid-19.

Covid-19 là bệnh do virus gây ra, giống như hầu hết các bệnh nhiễm virus khác, việc điều trị là để cơ thể nghỉ ngơi thoải mái trong khi đang phục hồi.

Các triệu chứng của Covid-19 như sốt, ho, tiêu chảy và nôn có thể khiến cơ thể bị mất nước và mất các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Do vậy, uống đủ nước rất quan trọng. Ngoài ra, uống đủ nước cũng giúp cho mũi duy trì màng nhầy, giảm kích ứng mũi khi ho, hắt hơi và thậm chí chỉ thở. Độ ẩm cũng giúp chữa lành các màng bị vỡ để vi khuẩn không xâm nhập vào cơ thể.

Nếu gia đình bạn dùng nước đóng chai, hãy chuẩn bị nước đủ cho khoảng 2 tuần. Nếu bạn dùng nước máy, thì nhớ đun ấm nước trước khi uống.

Bù nước (oresol)

Trong trường hợp bị sốt cao, tiêu chảy, nôn thì ngoài nước lọc, nên uống bù nước hoặc đồ uống thể thao.

Khăn giấy

Các giọt bắn có chứa virus khi ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ là một trong những cách chính mà Covid-19 lây lan từ người này sang người khác. Vì vậy, hãy chuẩn bị sẵn nhiều khăn giấy để ngăn truyền coronavirus sang người khác.

Sản phẩm tẩy rửa và khử trùng gia đình

Găng tay, xà phòng, nước rửa tay, sản phẩm làm sạch bề mặt, giẻ lau và bọt biển sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid trong gia đình.

Bộ khăn trải giường, khăn tắm và đồ ngủ bổ sung

Khi bị Covid, bạn có thể lây lan virus ra tất cả các bề mặt tiếp xúc. Các bề mặt cứng có thể được khử trùng, nhưng quần áo, ga trải giường và khăn tắm sẽ cần được cất giữ an toàn và giặt sạch trước khi sử dụng lại.

Nhiệt kế

Người bệnh cần kiểm tra nhiệt độ 2 lần/ngày. Để phòng trường hợp nếu bị sốt cao không hạ sau khi đã uống thuốc hạ sốt và các biện pháp chườm mát, hãy liên hệ với bác sĩ, gọi cho trung tâm y tế hoặc bệnh viện.

Máy Spo2

Máy Spo2 đo nồng độ oxy trong máu là một loại máy nhỏ kẹp đầu ngón tay. Chỉ số oxy trong máu dưới 92% là mức nguy hiểm, cần được nhập viện hoặc thở bình oxy.

Lưu ý, cần tẩy sơn móng tay ở ngón tay kẹp máy Spo2 (nếu bạn sơn móng tay) vì sơn khiến máy đo không chính xác.

tự điều trị Covid tại nhà
Dùng máy Spo2 đo chỉ số oxy trong máu

Thuốc hạ sốt, giảm đau

Khi bị đau đầu, đau nhức cơ thể và sốt, có thể dùng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen.

Thuốc ho, siro ho

Ho, mệt mỏi, nghẹt mũi, sổ mũi là những triệu chứng phổ biến của Covid-19. Để làm giảm ho, có thể uống thuốc ho long đờm, siro ho để làm dịu cổ họng và giảm đau rát họng.

Xịt họng thảo dược

Ngoài thuốc ho, có thể sử dụng dung dịch xịt họng thảo dược có tác dụng tại chỗ vùng hầu họng để giảm nhanh kích ứng họng, giảm ho, giảm đau họng.

tự điều trị Covid tại nhà
Dùng dung dịch xịt họng giúp giảm đau họng, viêm họng

Thuốc chữa ngạt mũi

Coronavirus gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh, bao gồm nghẹt mũi và sổ mũi. Các triệu chứng này có thể được điều trị bằng một số loại thuốc tương tự nếu bị cảm lạnh, chẳng hạn như thuốc có chứa pseudoephedrine phenylephrine để trị ngạt mũi và diphenhydramine để trị sổ mũi.

Dung dịch xịt mũi

Để giảm nghẹt mũi có thể dùng dung dịch xịt mũi có chứa nước muối biển và các khoáng chất có tác dụng sát khuẩn niêm mạc mũi, làm loãng dịch nhầy trong mũi xoang, đào thải dịch nhầy cùng bụi bẩn, virus ra ngoài.

Thuốc kê đơn điều trị bệnh sẵn có

Nếu bị hen suyễn hoặc một bệnh hô hấp khác, nhớ chuẩn bị sẵn ống hít và các loại thuốc khác.

Các bệnh mạn tính khác như tiểu đường, bệnh tim và rối loạn hệ thống miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do Covid-19. Do vậy, hãy chuẩn bị đầy đủ thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn trong 4 tuần.

Thuốc kháng virus

FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho hai loại thuốc kháng virus theo toa, Paxlovid (viên nén nirmatrelvir và viên nén ritonavir) của Pfizer và Molnupiravir của Merck.

Các loại thuốc này đều được sử dụng bên ngoài bệnh viện và ở những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và có nguy cơ cao phát triển các biến chứng Covid-19.

Paxlovid

Paxlovid có thể được sử dụng để điều trị Covid-19 từ nhẹ đến trung bình ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên nặng ít nhất 40kg, có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và có nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong do bệnh này.

Nirmatrelvir giúp ngăn chặn coronavirus mới sao chép, trong khi ritonavir làm chậm quá trình phân hủy nirmatrelvir để kéo dài sự hiện diện và duy trì nồng độ của nó trong cơ thể.

Không nên dùng Paxlovid cho những người nhiễm HIV, người bị bệnh gan hoặc thận nặng.

Các tác dụng phụ của thuốc gồm:

  • Huyết áp cao
  • Đau cơ
  • Tiêu chảy
  • Mất vị giác

Molnupiravir

Molnupiravir chỉ được phép sử dụng ở người lớn có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và có nguy cơ biến chứng hoặc tử vong do bệnh.

Thuốc có tác dụng gây ra đột biến gen ở coronavirus khiến nó chết đi.

Giống như Paxlovid, Molnupiravir nên được dùng trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng Covid-19.

FDA khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tránh dùng Molnupiravir do các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Tại Việt Nam, Molnupiravir cùng với favipiravir, remdesivir là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19. Hôm 17/2, Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, gồm: Molravir 400, Movinavir hàm lượng 200 mg và Molnupiravir Stella 400.

Giá thuốc được Bộ Y tế ban hành thấp nhất là 8.675 đồng một viên. FPT Long Châu và Pharmacity là hai chuỗi nhà thuốc đầu tiên bán molnupiravir trên toàn quốc.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh không có triệu chứng thì không cần uống molnupiravir. Người bệnh nặng và nguy kịch cũng không có chỉ định dùng, thuốc dùng cho bệnh nhân nhẹ và trung bình dưới sự theo dõi của nhân viên y tế.

Thuốc có tác dụng giảm tải lượng virus trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. Bộ Y tế hướng dẫn molnupiravir không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng trước hoặc sau khi mắc Covid-19 hoặc điều trị khởi đầu cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện.

Theo cảnh báo của Bộ Y tế, trẻ em, bệnh nhân dị ứng với molnupiravir hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, phụ nữ có thai và đang cho con bú không sử dụng thuốc này. Thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi, tinh trùng.

Kẽm

Tiến sĩ, giáo sư Morton Tavel – Trường Đại học Y Indiana cho biết: Kẽm giúp giảm các triệu chứng mà coronavirus gây ra.

Kẽm có đặc tính kháng virus và đã được chứng minh trong một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là có thể ức chế sự nhân lên của coronavirus trong tế bào.

TS.GS Tavel khuyên nên sử dụng kẽm gluconate vài lần một ngày để tự điều trị Covid-19 tại nhà cho các triệu chứng đường hô hấp trên.

Vitamin C

Vitamin C hỗ trợ hoạt động của các tế bào miễn dịch, đặc biệt là khi chúng hoạt động nhiều hơn mức bình thường trong thời gian bùng phát dịch bệnh.

Người bệnh nên bổ sung từ 1 đến 3 gam mỗi ngày, cùng với chế độ ăn uống lành mạnh có nhiều rau tươi và trái cây.

tự điều trị Covid tại nhà
Có thể bổ sung vitamin C qua một số loại rau củ quả

Nghệ và gừng

Cả nghệ và gừng đều có đặc tính chống viêm và cũng chứa rất nhiều chất chống oxy hóa. Gừng chứa các chất hóa học giúp chống lại cảm lạnh và làm dịu dạ dày. Nghệ giúp giảm đau và chứa nhiều dưỡng chất có lợi khác.

Bạn có thể uống trà gừng, pha sữa nghệ hoặc cho thêm gừng, nghệ vào một số món ăn để làm ấm cơ thể, chống viêm.

Máy tính, sách hoặc các lựa chọn giải trí khác

Trong thời gian tự điều trị Covid-19 tại nhà, người bệnh cũng cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần của mình.

Thay vì ngồi lo lắng và sợ hãi, thì nên xem một bộ phim, đọc sách, vẽ tranh hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Hãy làm bất cứ thứ gì mà bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ!

Lưu ý các triệu chứng Covid nghiêm trọng cần cấp cứu ngay:

  • Khó thở
  • Đau hoặc tức ngực kéo dài
  • Không tỉnh táo
  • Môi, mặt hoặc móng tay nhợt nhạt, xám hoặc hơi xanh

Vân Anh