Kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron của vi rút Covid-19, các trường hợp tái nhiễm Covid-19 ngày càng trở nên phổ biến hơn. Lý do là gì và có cách nào phòng ngừa tái nhiễm không?
Biến thể Omicron của Covid-19 đang gây ra một làn sóng lây nhiễm tăng cao ở các nước trên toàn thế giới. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ tái nhiễm Covid-19 khi mắc biến thể này trở nên tăng cao.
Theo một phân tích của Vương Quốc Anh thì nguy cơ tái nhiễm khi phần lớn ca nhiễm là biến thể Omicron tăng cao gấp 16 lần trong thời kỳ biến thể Delta chiếm phần đông.
Các phân tích cũng chỉ ra rằng những người không tiêm vắc xin sẽ có nguy cơ tái nhiễm Covid-19 cao gấp đôi so với những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin và có tiêm mũi bổ sung.
Khi tỷ lệ nhiễm Covid-19 tăng lên ở các khu vực trên thế giới thì các ca tái nhiễm cũng tăng lên. Các chuyên gia cho rằng đây là hệ quả của miễn dịch suy giảm sau khi nhiễm trước đó hoặc hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm dần theo thời gian.
Tái nhiễm Covid-19 là gì?
Tái nhiễm Covid-19 là tình trạng một người đã từng bị nhiễm Covid-19, đã hồi phục và sau đó bị nhiễm lại. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ biến thể nào của coronavirus.
Theo CDC Hoa Kỳ, việc tái nhiễm nếu người bệnh xét nghiệm dương tính trở lại sau hơn 90 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính lần đầu tiên.
Khoảng thời gian 90 ngày được giải thích bởi một số bệnh nhân vẫn còn lượng vi rút trong cơ thể lâu hơn thời gian trung bình là khoảng 2 tuần, gây khó khăn cho việc phân biệt giữa nhiễm Covid-19 hay tái nhiễm trong khoảng thời gian này.
Theo Tiến sĩ Pere Domingo (Hoa Kỳ) thì “Đa số bệnh nhân có khả năng miễn dịch bình thường sẽ đào thải hoàn toàn viruts trong khoảng 10-14 ngày, tuy nhiên một số trường hợp có khả năng lưu trữ vi rút trong thời gian lâu hơn và do đó thời gian kéo dài tới 3 tháng”.
Nguy cơ tái nhiễm Covid-19 có gia tăng?
Trước đây tỷ lệ tái nhiễm Covid-19 khá hiếm gặp, tuy nhiên đối với biến thể mới xuất hiện vào cuối năm 2021 Omicron thì tỷ lệ tái nhiễm đang tăng đáng kể.
Một phân tích từ các dữ liệu đã thu thập cho thấy các ca tái nhiễm chiếm khoảng 10% các trường hợp phát hiện dương tính mới ở Anh vào tháng 1/2022. Các trường hợp tái nhiễm trước đó chỉ chiếm chưa đến 2% trong số các ca bệnh phát hiện vào 6 tháng trước đó.
Theo tiến sĩ Domingo thì biến thể Omicron đã đột biến khá nhiều so với các biến thể khác, có nghĩa là kháng thể được tạo ra của các biến thể trước đó kém hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm Omicron.
Biến thể Omicron có nhiều đột biến. Những đột biến này đã làm thay đổi kháng nguyên, các protein không giống như Delta, cũng như chủng xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán.
Theo một nghiên cứu từ trường đại học ở London, khả năng bảo vệ do nhiễm vi rút Covid-19 có thể giảm tới 19%.
Lý do khiến các ca tái nhiễm Covid-19 tăng lên?
Vi rút liên tục phát triển và nhân lên khi lây từ người này sang người khác. Trong quá trình phát triển này, những thay đổi tự nhiên dẫn đến sự xuất hiện các chủng vi rút mới gây nhiễm trùng.
Theo Tiến sĩ Domingo thì luôn có cuộc chiến giữa một bên là sự phát triển của vi rút và bên kia là sức đề kháng của cơ thể.
Theo nghiên cứu từ Nam Phi, những người bị nhiễm biến thể Omicron đã phát triển phản ứng kháng thể đối với các chủng hiện tại và trước đó. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu thì khả năng miễn dịch khi nhiễm Covid-19 chủng Delta lại không có khả năng tránh lây nhiễm với chủng Omicron.
Việc từng nhiễm Covid-19 trước đây hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin và có mũi tiêm tăng cường sẽ giúp cung cấp khả năng bảo vệ khỏi bị lây nhiễm. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch sẽ bị suy giảm theo thời gian dẫn tới các ca tái nhiễm ngày càng tăng cao.
Khi vi rút biến đổi tạo ra nhiều biến chủng mới thì khả năng bảo vệ cơ thể khỏi lây nhiễm sẽ bị lấn át.
Tái nhiễm Covid-19 liệu có nguy hiểm hơn lần đầu hay không?
Theo các nghiên cứu sơ bộ thì hầu hết người bệnh tái nhiễm Covid-19 phần lớn là các ca nhẹ. Các trường hợp tái nhiễm có tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn tới 90% so với người nhiễm Covid-19 lần đầu.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ William Schaffner (Đại học Vanderbilt, Mỹ) thì mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân tái dương tính với Covid-19 tùy thuộc vào hệ miễn dịch của họ.
Đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc thể trạng ốm yếu thì việc tái nhiễm Covid-19 có thể nặng, cần điều trị trong viện. Tuy nhiên, với người có sức khỏe bình thường thì việc điều trị tại nhà là khá đơn giản.
Việc tái nhiễm Covid-19 sẽ cung cấp thêm sức đề kháng để tránh nhiễm lại vi rút này trong tương lai. Việc vừa tiêm vắc xin vừa có kháng thể do vừa nhiễm bệnh có thể giúp tạo ra được phản ứng “siêu miễn dịch” để ngăn ngừa đại dịch.
Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan không thực hiện các biện pháp 5K. Bởi dù đã bị nhiễm Covid -19 khỏi bệnh và hồi phục nhưng vẫn sẽ có nguy cơ người bệnh gặp phải các di chứng sau đó.
Làm thế nào để ngăn ngừa tốc độ tái nhiễm Covid-19?
Các chuyên gia y tế cho biết để ngăn ngừa tái nhiễm Covid-19 hiện nay chỉ có cách là thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc 5K và tiêm đủ liều vắc xin cơ bản cũng như tăng cường theo khuyến cáo.
Bạn nên tránh tới nơi đông người, đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay thường xuyên và che miệng, mũi sau khi ho và hắt hơi.
Duy trì các phương pháp phòng ngừa vừa giúp bảo vệ bản thân vừa bảo vệ cho người thân và cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Đào Tâm