Tìm ra nguyên nhân gây rụng tóc sau Covid-19 – nỗi ám ảnh của nhiều người

Có câu “cái răng cái tóc là góc con người”. Bởi thế, rụng tóc sau Covid-19 khiến tóc rụng nhiều, từng mảng, tóc mỏng hẳn đi khiến không ít người lo lắng. Tình trạng này do đâu, có cải thiện được không?

Rụng tóc sau Covid-19
Cần tìm ra chính xác nguyên nhân gây rụng tóc sau Covid-19 để điều trị

Nhiễm Covid-19 có thể ảnh hưởng đến mọi người theo nhiều cách khác nhau. Một số người có thể không có triệu chứng, trong khi những người khác có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng lâu dài. Rụng tóc cũng là một trong số những di chứng để lại sau Covid-19 khiến nhiều người lo lắng.

Rụng tóc sau Covid-19 là gì?

Nhiều người nhận thấy tóc rụng trong những tháng sau khi đã âm tính với Covid-19. Thống kê cho thấy có hơn 20% số người đi khám do rụng tóc trong vòng 3 đến 6 tháng sau khi bị Covid-19. Một số nghiên cứu khác cho thấy, tình trạng rụng tóc sau Covid-19 thực sự phổ biến hơn nhiều.

Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc, trong đó căng thẳng là nguyên nhân phổ biến nhất. Rụng tóc thường xảy ra khoảng 3 tháng sau một sự kiện căng thẳng nào đó và tình trạng này có thể kéo dài đến 6 tháng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, các trường hợp bị căng thẳng dẫn đến rụng tóc cũng tăng theo, đến hơn 400%. Các nhà nghiên cứu chưa hiểu được nguyên nhân nào gây ra điều này, nhưng nó có liên quan đến sự căng thẳng, lo lắng về dịch bệnh. Chưa có bằng chứng nào cho thấy coronavirus trực tiếp gây rụng tóc.

Rụng tóc sau Covid-19
Nhiều người bị rụng tóc từng mảng sau Covid-19

Rụng tóc có phải là tác dụng phụ của phương pháp điều trị Covid-19?

Không, rụng tóc không liên quan đến việc điều trị Covid-19. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng rụng tóc là do căng thẳng, lo lắng và sợ hãi dịch bệnh.

Rụng tóc liên quan đến Covid-19 thường bắt đầu khi nào?

Thông thường rụng tóc sẽ bắt đầu khoảng 2 đến 3 tháng sau khi bị Covid-19 hoặc một số sự kiện căng thẳng khác trong cuộc sống.

Các tình trạng tự miễn dịch liên quan đến Covid có thể gây rụng tóc không?

Có mối liên hệ giữa Covid-19 và các tình trạng tự miễn dịch. Đôi khi, rụng tóc từng mảng có thể do tình trạng tự miễn dịch nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết liệu Covid-19 có gây ra điều này hay không.

Các triệu chứng sớm nhất của rụng tóc sau Covid-19 là gì?

Việc rụng tới 100 sợi tóc mỗi ngày là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu rụng nhiều hơn con số này thì lại là vấn đề đáng quan tâm.

Những người bị rụng tóc liên quan đến Covid-19 có thể rụng gần 300 sợi tóc mỗi ngày và kéo dài trong vài tháng. Bạn có thể nhận thấy tóc rụng nhiều hơn khi chải đầu, gội đầu, hoặc giật mình khi thấy tóc mỏng hẳn đi.

Tóc có ba giai đoạn phát triển chính:

  • Giai đoạn tăng trưởng: nang tóc phát triển
  • Giai đoạn chuyển tiếp: nang tóc ngừng phát triển.
  • Giai đoạn nghỉ ngơi: tóc ở lại trong 2 đến 3 tháng cho đến khi rụng.

Rụng tóc bệnh lý xảy ra khi các nang tóc bị đẩy vào giai đoạn nghỉ ngơi sớm hơn bình thường. Trong 2 đến 3 tháng sau sự kiện căng thẳng, những sợi tóc này sẽ bắt đầu rụng.

Rụng tóc sau Covid-19
Tìm hiểu các giai đoạn phát triển của sợi tóc

Tóc có thể mọc lại sau khi bị rụng do căng thẳng không?

Có, tóc sẽ mọc lại sau khi bị rụng. Hầu hết mọi người thấy tóc trở lại như bình thường trong vòng 6 đến 9 tháng.

Làm thế nào để ngăn rụng tóc sau Covid-19?

Nếu bạn gặp phải một sự việc căng thẳng, chẳng hạn như nhiễm Covid-19, bạn có thể thực hiện một số bước để ngăn ngừa rụng tóc. Các biện pháp gồm: có chế độ dinh dưỡng tốt, kiểm soát căng thẳng và chăm sóc tóc cẩn thận.

Chế độ dinh dưỡng tốt

Tóc cần dinh dưỡng tốt để phát triển và khỏe mạnh, đặc biệt là protein và các vitamin và khoáng chất quan trọng. Để nuôi dưỡng tóc, nên bổ sung thêm các dưỡng chất sau:

  • Chất đạm
  • Sắt
  • Vitamin D
  • Vitamin C
  • Kẽm
  • Axit folic
  • Vitamin B12

Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng có thể gây ra nhiều triệu chứng về thể chất và cảm xúc. Kiểm soát căng thẳng không phải là điều dễ dàng. Có thể thực hiện một số biện pháp giúp giảm căng thẳng như sau:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Thực hành chánh niệm
  • Có những mối quan hệ lành mạnh
  • Đảm bảo ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm
  • Nếu không thể kiểm soát được căng thẳng thì hãy đi khám để được bác sĩ tâm lý điều trị

Chăm sóc tóc

  • Tránh buộc tóc quá chặt, vì sẽ dễ làm gãy sợi tóc
  • Tránh làm tóc như ép tóc, nhuộm tóc
  • Hạn chế sấy tóc quá nóng quá khô
Rụng tóc sau Covid-19
Nên chú ý chăm sóc tóc, tránh để gãy rụng nhiều

Bị rụng tóc sau Covid-19 có nên đi khám?

Bạn nên đi khám nếu tình trạng rụng tóc kéo dài hơn 6 tháng hoặc nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác như rụng tóc từng mảng, ngứa hoặc kích ứng da đầu.

Nếu bạn nghi ngờ tình trạng rụng tóc là do nguyên nhân nào đó chứ không phải là căng thẳng, thì hãy đi khám da liễu để bác sĩ tìm hiểu vấn đề và có hướng điều trị phù hợp.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý đến các nguyên nhân khác gây rụng tóc như rối loạn nội tiết tố, thiếu hụt dinh dưỡng hoặc rụng tóc tự miễn dịch. Trong khi chờ đợi tóc tự mọc lại, bạn cũng nên áp dụng các biện pháp can thiệp và chăm sóc tóc để phục hồi và nuôi dưỡng mái tóc của mình.

Vân Anh