Xử trí bỏng đúng cách để tránh các biến chứng nguy hiểm

Bỏng có nhiều cấp độ khác nhau có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nắm rõ cách xử trí khi bị bỏng để hạn chế những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra.

Xử trí bỏng đúng cách
Xử trí bỏng đúng cần dựa trên mức độ và nguyên nhân gây bỏng

Các nguyên nhân gây bỏng

Bỏng là một tổn thương thường gặp có thể do nhiệt, điện, bức xạ hoặc hóa chất:

Do nhiệt

Nhiệt độ trên 45 độ C có thể làm tổn thương tế bào gây bỏng. Bỏng nhiệt có thể do nước, chất lỏng sôi hoặc bỏng khô do tiếp xúc với các vật nóng như kim loại, bỏng bô, khí nóng…

Do điện

Bỏng điện do luồng điện cao thế, tiếp xúc vật dẫn điện có thể gây tổn thương sâu, sốc điện, ngưng tim, ngừng thở. Biểu hiện bên ngoài thường không rõ ràng nhưng thường bệnh nhân tổn thương sâu bên trong.

Do bức xạ

Bỏng bức xạ do tiếp xúc với các loại tia bức xạ.

Do hóa chất

Bỏng hóa chất do tiếp xúc hóa chất như acid, kiềm, chất oxy hóa.

Các cấp độ bỏng

Bỏng có thể được phân loại theo độ sâu thành 4 độ hoặc 5 độ. Thang phân loại bỏng 4 độ thường dùng ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên bỏng độ 1, 2 và 3 là các cấp độ bỏng thường gặp và có thể nhận biết qua mức độ tổn thương trên da.

Xử trí bỏng
Ba cấp độ bỏng thường gặp nhất

Bỏng độ 1: Viêm da nông, chỉ bị ảnh hưởng lớp biểu bì, các biểu hiện gồm:

  • Đau rát ít
  • Không có nốt phồng rộp
  • Da khô đỏ, bong tróc xảy ra khi vết bỏng lành
  • Bỏng độ 1 có thời gian lành trung bình khoảng 1 tuần

Bỏng độ 2: Tổn thương bỏng sâu vào lớp trung bì, có sự hoại tử biểu bì, lớp tế bào mầm, màng đáy còn nguyên vẹn, các biểu hiện gồm:

  • Có nốt phồng dịch
  • Rát đỏ, đau rất nhiều hoặc giảm cảm giác đau so với bình thường
  • Có thể đóng vảy trên vết thương
  • Thường tổn thương lành khoảng từ 1 đến 3 tuần
  • Bỏng độ 2 thường không để lại sẹo nhưng gây ra sự thay đổi sắc tố trên da
  • Trong một số trường hợp bỏng độ 2 cũng yêu cầu điều trị bằng ghép da hoặc các biện pháp phẫu thuật để lấy dần các vùng da hoại tử

Bỏng độ 3: Chia làm 2 loại:

Bỏng toàn bộ lớp da, biểu hiện:

  • Mụn bỏng
  • Phồng da chỗ trắng chỗ hồng
  • Da nền đỏ ướt
  • Lông, tóc, móng, rụng, dùng kẹp gắp lông dễ dàng
  • Mất cảm giác đau, phải đâm kim sâu mới biết
  • Đâm kim sâu tới hết lớp da mới rỉ máu

Bỏng độ 3 sâu có những đặc điểm sau:

  • Da bị phá hủy khô
  • Không xuất hiện mụn nước
  • Tổn thương cháy đen hoặc bị hủy hoại màu trắng hoặc đỏ
  • Lông, tóc, móng rụng
  • Mọi cảm giác đau đều mất do tổn thương phá hủy dây thần kinh nhận cảm đau
  • Châm kim không chảy máu, không thấy đau

Bỏng độ 4: sâu hơn nữa, tổn thương cháy tới tận lớp cơ, xương

Xử trí bỏng
Bỏng độ 4 tổn thương đến lớp gân, cơ, xương

Bỏng độ 3 và bỏng độ 4 không chỉ để lại sẹo mà có thể gây co rút bề mặt da nghiêm trọng, cần được điều trị bằng các biện pháp can thiệp chuyên khoa đặc biệt. Không có mốc thời gian cụ thể nào để chữa lành bỏng độ 3, 4. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách vết bỏng rất lâu lành, nhiễm trùng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng của bỏng

Các vết bỏng không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc da mà trong các trường hợp nặng có thể dẫn đến các rối loạn toàn thân như sốc bỏng, biến chứng đường tiêu hóa, đường hô hấp và tiết niệu, nhiễm trùng huyết.

Sốc bỏng

Tình trạng này thường xảy ra ở thời gian đầu và có nguy cơ cao hơn trong các trường hợp:

  • Diện tích bỏng ≥ 10%
  • Bỏng da có kèm theo bỏng hô hấp
  • Dễ xảy ra hơn với trẻ em

Có 2 thể lâm sàng của sốc bỏng

  • Sốc cương thường sớm vài giờ đầu, kích thích vật vã. Huyết áp tăng cao, mạch nhanh nhỏ.
  • Sốc nhược thường ở giờ thứ 5, 6 sau bỏng, nếu bỏng sâu, lớn thì xuất hiện sớm hơn, diễn tiến nặng. Triệu chứng huyết áp tụt <90mmHg, hạ thân nhiệt, thiểu niệu, nước tiểu đục đỏ, buồn nôn, nôn dai dẳng, rối loạn điện giải.

Biến chứng hô hấp

  • Viêm phổi, đặc biệt với bỏng hô hấp, tràn máu phế nang.
  • Biến chứng đường tiết niệu
  • Viêm nhiễm đường tiết niệu và suy thận cấp.
  • Biến chứng ống tiêu hóa
  • Thủng loét đường tiêu hóa.

Xử trí khi bị bỏng như thế nào cho đúng cách

Bỏng nặng độ 3, 4 và một số trường hợp bỏng độ 2 sâu bắt buộc phải đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Cách xử trí bỏng đúng cách đối với cấp độ 1 và độ 2 như sau:

Để da dưới nước mát trong 15 phút hoặc lâu hơn hoặc làm mát bằng gạc lạnh càng sớm càng tốt cho đến khi hết đau. Không để đá cục, nước đá trực tiếp lên chỗ bỏng để tránh làm tổn thương nặng hơn.

  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen.
  • Bôi kem có tác dụng kháng khuẩn, làm dịu da.
  • Băng vết bỏng với gạc vô trùng nếu cần.
  • Thay băng gạc và vệ sinh vết bỏng đều đặn.
  • Tránh làm vỡ chỗ rộp, tránh trầy xước để hạn chế nhiễm trùng.
  • Nếu bị nhiễm trùng, mưng mủ nhiều cần đi khám ngay.
  • Dùng kem chống nắng sau khi da đã lành để tránh tăng tạo sắc tố da tại chỗ bỏng.
Xử trí bỏng
Làm mát vết bỏng độ 1,2 dưới vòi nước để giảm đau

Sơ cứu bỏng nặng độ 2, 3, 4: Trước khi xe cứu thương đến nên xử lý bỏng đúng cách theo các bước sau:

  • Không cởi quần áo bị cháy dính vào vết thương bỏng
  • Không ngâm vết bỏng rộng và nặng vào nước lạnh
  • Che phủ vùng da bị bỏng

Sơ cứu bỏng hóa chất:

  • Rửa sạch hóa chất gây bỏng bằng vòi nước mát chảy liên tục qua vết thương trong 20 phút
  • Cởi bỏ quần áo và trang sức
  • Đắp khăn mát, ướt lên vết bỏng để giảm đau
  • Băng lỏng vùng da bị bỏng

Khi bản thân hoặc người thân bị bỏng, chúng ta cần bình tĩnh nhận biết đúng các mức độ của bỏng, nguyên nhân gây bỏng và xử lý đúng cách, tránh những việc làm gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và thẩm mỹ.

Ds. Thanh Loan