Hiểu rõ về 10 loại bệnh sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những thay đổi nghiêm trọng trong não gây mất trí nhớ, thay đổi hành vi và tính cách. Nhận biết từng loại sa sút trí tuệ để biết cách điều trị phù hợp.

bệnh sa sút trí tuệ
Tìm hiểu về các loại sa sút trí tuệ để biết cách điều trị phù hợp

Sa sút trí tuệ thường ảnh hưởng đến ba khu vực của não: vùng ngôn ngữ, vùng hồi ức, vùng ra quyết định. Do đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Hầu hết các trường hợp sa sút trí tuệ là do bệnh gây ra và không thể hồi phục.

1. Bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer là loại bệnh mất trí nhớ phổ biến nhất. Theo Hiệp hội bệnh Alzheimer Hoa Kỳ, có từ 60 – 80% các trường hợp sa sút trí tuệ là do căn bệnh này gây ra. Khoảng 5% trường hợp mắc bệnh Alzheimer khởi phát sớm, từ độ tuổi 40, 50.

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer bao gồm:

  • Trầm cảm
  • Quên tên và các sự kiện gần đây
  • Tâm trạng chán nản

Cần lưu ý, trầm cảm cũng có thể là một tình trạng riêng biệt, không liên quan đến Alzheimer. Nhiều khi người lớn tuổi bị trầm cảm nhưng lầm tưởng là mắc bệnh Alzheimer.

Bệnh Alzheimer được đặc trưng bởi sự chết của tế bào não. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân cảm thấy bối rối, thay đổi tâm trạng, gặp khó khăn khi nói và đi lại.

2. Sa sút trí tuệ mạch máu

Sa sút trí tuệ mạch máu do thiếu lưu lượng máu đến não, nguyên nhân do lão hóa, bệnh xơ vữa động mạch hoặc đột quỵ.

Các triệu chứng của sa sút trí tuệ mạch máu có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.

  • Lú lẫn và mất phương hướng là những dấu hiệu ban đầu
  • Sau đó là khó hoàn thành nhiệm vụ hoặc khó tập trung trong thời gian dài
  • Giảm thị lực, đôi khi cả ảo giác
bệnh sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ mạch máu do thiếu lưu lượng máu đến não

3. Sa sút trí tuệ thể Lewy

Chứng sa sút trí tuệ thể Lewy là do sự lắng đọng protein trong các tế bào thần kinh. Điều này làm gián đoạn các thông điệp hóa học trong não và gây ra các triệu chứng như:

  • Mất trí nhớ
  • Mất phương hướng
  • Dễ bị lạc đường
  • Ảo giác
  • Khó ngủ ban đêm
  • Buồn ngủ vào ban ngày
  • Ngất xỉu

Chứng sa sút trí tuệ thể Lewy cũng có thể dẫn đến run tay, đi lại khó khăn hoặc cảm thấy yếu chân tay – triệu chứng tương đồng với bệnh Parkinson.

4. Bệnh Parkinson

Nhiều người mắc bệnh Parkinson giai đoạn cuối sẽ bị sa sút trí tuệ. Các dấu hiệu ban đầu của loại sa sút trí tuệ này là các vấn đề về suy luận và phán đoán.

Một số dấu hiệu phổ biến là:

  • Gặp khó khăn khi hiểu thông tin hình ảnh
  • Khó ghi nhớ cách thực hiện các công việc đơn giản hàng ngày
  • Gặp khó khăn khi nói
  • Có thể quên từ hoặc không nhớ đang nói chuyện gì
  • Ảo giác
  • Cáu kỉnh
  • Trầm cảm, hoang tưởng
bệnh sa sút trí tuệ
Nhiều người mắc bệnh Parkinson giai đoạn cuối sẽ bị sa sút trí tuệ

5. Chứng mất trí nhớ vùng trán

Chứng mất trí nhớ vùng trán là tên dùng để mô tả một số loại sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến các phần phía trước và bên của não, là những khu vực kiểm soát ngôn ngữ và hành vi.

Chứng sa sút trí tuệ vùng trán ảnh hưởng đến những người trẻ từ 45 tuổi. Nguyên nhân có thể là do đột biến một số gien nhất định.

Chứng sa sút trí tuệ này gây ra các biểu hiện:

  • Ức chế
  • Hành vi cưỡng chế
  • Gặp vấn đề với ngôn ngữ, quên nghĩa của những từ thông dụng

6. Bệnh Creutzfeldt-Jakob (còn gọi là bệnh nhũn não)

Bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD) là một trong những dạng sa sút trí tuệ hiếm gặp nhất, tỷ lệ khoảng 1/ 1 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh này mỗi năm.

Bệnh này tiến triển nhanh, gây tử vong trong vòng 1 năm sau khi được chẩn đoán.

Các triệu chứng của CJD tương tự như các dạng sa sút trí tuệ khác, có một số biểu hiện đặc trưng gồm:

  • Một số người bị kích động, nhưng số khác lại trầm cảm
  • Lú lẫn, mất trí nhớ
  • Co giật và cứng cơ

7. Hội chứng Wernicke-Korsakoff (bệnh não Wernicke)

Hội chứng Wernicke-Korsakoff có nguyên nhân là do thiếu vitamin B1 dẫn đến chảy máu ở các phần dưới của não, nghiện rượu, suy dinh dưỡng và nhiễm trùng mãn tính.

Hội chứng này có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Nhìn đôi
  • Mất phối hợp cơ
  • Gặp rắc rối khi xử lý thông tin
  • Khó học kỹ năng mới
  • Khó ghi nhớ điều mới
bệnh sa sút trí tuệ
Hội chứng Wernicke-Korsakoff có nguyên nhân là do thiếu vitamin B1, nhiễm trùng

8. Sa sút trí tuệ hỗn hợp

Sa sút trí tuệ hỗn hợp là tình trạng mắc nhiều hơn một loại sa sút trí tuệ. Chứng sa sút trí tuệ hỗn hợp rất phổ biến, và thường là kết hợp giữa sa sút trí tuệ mạch máu và Alzheimer. Theo Hiệp hội Bệnh Alzheimer, có tới 45% người bị sa sút trí tuệ hỗn hợp nhưng không hay biết.

Sa sút trí tuệ hỗn hợp có thể gây ra các triệu chứng khác nhau ở mỗi bệnh nhân.

  • Một số người bị mất trí nhớ và mất phương hướng
  • Một số người khác bị thay đổi hành vi và tâm trạng
  • Khó khăn khi nói và đi lại khi bệnh tiến triển

9. Não úng thủy áp lực bình thường

Não úng thủy áp lực bình thường (NPH) là tình trạng tích tụ chất lỏng dư thừa trong não thất. Não thất là không gian chứa đầy chất lỏng để đệm não và tủy sống. Não thất chỉ cần một lượng chất lỏng phù hợp để hoạt động bình thường. Khi chất lỏng tích tụ quá mức sẽ tạo thêm áp lực lên não. Điều này có thể gây tổn thương dẫn đến các triệu chứng sa sút trí tuệ. Theo Johns Hopkins Medicine, ước tính khoảng 5% trường hợp mất trí nhớ là do não úng thủy áp lực bình thường.

Một số nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây ra căn bệnh này là chấn thương, chảy máu, nhiễm trùng, u não, đã từng phẫu thuật não…

Các triệu chứng não úng thủy gồm:

  • Khả năng thăng bằng kém
  • Hay bị ngã
  • Hay quên
  • Thay đổi tâm trạng
  • Phiền muộn
  • Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang

Não úng thủy là một trong những loại sa sút trí tuệ có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật.

10. Bệnh Huntington (rối loạn thần kinh)

Bệnh Huntington là một tình trạng di truyền gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh của não, có thể dẫn đến mất trí nhớ, suy giảm khả năng vận động.

Các triệu chứng bệnh Huntington gồm:

  • Khả năng cử động suy giảm, gây rung giật
  • Đi lại khó khăn
  • Khó nuốt
  • Khó nói rõ ràng
  • Khó học những điều mới

Dựa vào những triệu chứng điển hình của từng căn bệnh này có thể phần nào nhận biết được tình trạng bệnh. Đi khám sớm để được chẩn đoán sẽ giúp người bệnh có cơ hội điều trị tốt hơn.

Vân Anh