Nhiều người sử dụng aspirin mỗi ngày để ngăn ngừa đau tim, đột quỵ hoặc giảm viêm đau. Tuy nhiên, nên cẩn trọng bởi loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.
Aspirin là thuốc gì?
Aspirin được phát hiện vào năm 1853, nhưng mãi đến năm 1897, nó mới được sử dụng trong y học ở dạng bột. Sau đó, viên thuốc aspirin nhỏ màu trắng mà chúng ta biết ngày nay đã được ra đời vào năm 1915.
Hợp chất hoạt động mạnh nhất trong aspirin là acid acetylsalicylic, ban đầu được phân lập từ vỏ cây liễu. (Bạn có biết rằng thành phần này cũng được tìm thấy trong đậu, đậu Hà Lan, hoa nhài và cỏ ba lá?). Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng vỏ cây liễu để giảm đau trước khi họ hiểu được lợi ích của acid acetylsalicylic.
Các thành phần khác trong aspirin bao gồm bột ngô, hypromellose, cellulose dạng bột, triacetin (một dung môi) và sáp carnauba.
Thuốc aspirin có công dụng gì?
Aspirin được nhiều người sử dụng thường xuyên do 3 lý do:
- Để giảm đau và giảm viêm.
- Để ngăn ngừa đau tim và đột quỵ.
- Để giảm sốt.
Nghiên cứu cho thấy đối với những người có tiền sử đau tim, đau ngực hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ, aspirin được sử dụng như một liệu pháp phòng ngừa. Aspirin cũng được dùng để giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Cũng có nghiên cứu cho thấy việc sử dụng aspirin ở nam giới từ 45-79 tuổi và nữ giới từ 55-79 tuổi giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Viên thuốc nhỏ màu trắng này được tiêu thụ với tốc độ đáng kinh ngạc là 120 tỷ viên mỗi năm, khiến nó trở thành loại thuốc đầu tiên trong ba loại thuốc được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Aspirin hoạt động bằng cách làm giảm các prostaglandin, là các chất giống như hormone kiểm soát các phản ứng và quá trình viêm của cơ thể như lưu lượng máu và sự hình thành các cục máu đông. Đây là cách dùng aspirin có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim do cục máu đông trong động mạch vành hoặc mạch máu gây ra.
Dùng aspirin mỗi ngày có an toàn không?
Thỉnh thoảng dùng aspirin để giải quyết những vấn đề sức khỏe này không có gì đáng ngại, nhưng khi dùng aspirin hàng ngày trong một thời gian dài, thì sẽ có nguy cơ mắc các tác dụng phụ và biến chứng.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ không khuyến nghị dùng aspirin thường xuyên để ngăn ngừa cơn đau tim hoặc đột quỵ. Đối với những người có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột quỵ, mối đe dọa của những tình trạng này có thể lớn hơn mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ của aspirin gây ra.
Hãy trao đổi với bác sĩ để kiểm tra xem dùng aspirn thường xuyên có an toàn không và có phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại hay không.
Tác dụng phụ nguy hiểm của aspirin
1. Suy thận
Nghiên cứu cho thấy có thể xảy ra tổn thương thận do tác dụng phụ của aspirin khi sử dụng thường xuyên. Nhiều khi bệnh thận mạn tính không có các triệu chứng sớm, đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, cần phải lọc thận.
2. Suy gan
Khi sử dụng aspirin thường xuyên, nó sẽ được gan hấp thụ, có thể dẫn đến bệnh gan hoặc suy gan. Đây là một vấn đề nghiêm trọng vì gan là hệ thống giải độc của cơ thể, và khi chất độc liên tục được đưa vào sẽ dẫn đến quá tải khiến gan không thể hoạt động bình thường.
3. Loét dạ dày
Tác dụng phụ của aspirin là gây kích thích niêm mạc dạ dày và hình thành các vết loét gây đau. Ngoài ra, việc sử dụng aspirin thường xuyên khi đã có vết loét có thể dẫn đến các biến chứng khác, bao gồm chảy máu và thủng dạ dày.
4. Ù tai và mất thính giác
Ù tai là triệu chứng của chứng rối loạn thính giác và các dây thần kinh gần tai. Nó có thể được gây ra do sử dụng quá nhiều aspirin và được coi là một dấu hiệu ban đầu của nhiễm độc.
5. Đột quỵ xuất huyết
Nhiều người dùng aspirin hàng ngày để làm loãng máu nhằm ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ, nhưng việc sử dụng aspirin thực sự có thể gây nhiều tác hại. Đôi khi, đột quỵ là do chảy máu trong não và khi sử dụng aspirin làm loãng máu, nó chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề và có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.
6. Hội chứng Reye
Hội chứng Reye là một tình trạng nguy hiểm chết người làm tổn thương các cơ quan quan trọng của trẻ em, đặc biệt là não và gan. Nghiên cứu chỉ ra rằng hội chứng Reye cực kỳ hiếm gặp nhưng thường gây tử vong, với khoảng 30% đến 40% trường hợp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng loại thuốc này hoạt động như một yếu tố đồng tác động ở những người nhạy cảm. Vì lý do này, trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm siêu vi trùng không nên dùng aspirin.
Tương tác giữa aspirin và các thuốc khác
Dùng aspirin cùng với các loại thuốc khác cũng có thể gây tương tác thuốc. Có một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến cách aspirin hoạt động trong cơ thể. Bao gồm thuốc trị viêm khớp, thuốc trị bệnh gút, thuốc huyết áp, thuốc làm loãng máu, thuốc trị cục máu đông, thuốc steroid, thuốc điều trị co giật…
Những ai dễ bị các biến chứng do aspirin?
Những đối tượng sau đây không nên dùng aspirin nếu không có chỉ định của bác sĩ:
- Người bị suy tim
- Bệnh thận hoặc gan
- Bệnh hen suyễn
- Viêm loét dạ dày
- Chảy máu, cục máu đông hoặc rối loạn đông máu
- Tăng huyết áp không kiểm soát
- Bệnh tiểu đường
- Người bị dị ứng với aspirin
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú
Sử dụng và liều lượng an toàn
Aspirin được sử dụng vì một số lý do, bao gồm giảm đau, sưng tấy và giảm các biến cố tim mạch. Một số loại đau thường được giải quyết bằng aspirin bao gồm đau bụng kinh, đau đầu, viêm khớp dạng thấp và bong gân.
Liều aspirin được khuyến cáo là dao động từ 50 miligam đến 6.000 miligam mỗi ngày. Aspirin liều thấp hàng ngày thường được khuyến cáo cho những người bị bệnh tim hoặc mạch máu, lưu lượng máu kém, cholesterol cao, tăng huyết áp và tiểu đường.
Những người hút thuốc và những người đã từng bị đau tim, đột quỵ hoặc cục máu đông cũng có thể dùng aspirin liều thấp hàng ngày.
5 lựa chọn thay thế aspirin có trong tự nhiên
1. Chế độ ăn uống chống viêm
Có nhiều loại thực phẩm đã được chứng minh là có khả năng gây viêm, sưng và đau – như đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến và đóng gói, thực phẩm có thành phần nhân tạo và đường bổ sung, caffeine và rượu.
Hãy cắt giảm những thực phẩm này, thay vào đó, hãy ăn những thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe và giảm viêm nhiễm. Những thực phẩm chống viêm bao gồm:
- Rau xanh và các loại rau nhiều màu sắc khác
- Trái cây, như quả việt quất và dứa
- Chất béo lành mạnh, như cá hồi và dầu dừa
- Các loại hạt, như hạt óc chó, hạt lanh và hạt chia
- Thịt bò ăn cỏ và thịt gà hữu cơ
- Gia vị chống viêm, như gừng, ớt cayenne và nghệ
2. Gừng
Ăn gừng thường xuyên thực sự có thể giúp ngăn ngừa đau tim và đột quỵ. Ngoài ra, gừng cũng có đặc tính chống đau và chống viêm.
Nghiên cứu cho thấy rằng do có khả năng giảm đau và viêm, gừng thường được sử dụng như một liệu pháp tự nhiên cho các tình trạng thoái hóa như viêm khớp, thấp khớp và các rối loạn tim mạch như tăng huyết áp và xơ vữa động mạch.
Sử dụng những thảo mộc chống viêm có thể làm giảm nguy cơ cục máu đông
3. Nghệ
Nghiên cứu cho thấy rằng lợi ích của nghệ vượt xa những lợi ích của thuốc chống viêm, thuốc chống đông máu và thuốc giảm đau. Thêm vào đó, nghệ hầu như không có tác dụng phụ nào trừ khi dùng quá nhiều.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng curcumin – hợp chất có lợi nhất trong nghệ – có tác dụng chống huyết khối, chống đông máu.
4. Quế
Quế có khả năng chống viêm và bảo vệ tim. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lợi ích sức khỏe chính của quế là khả năng làm giảm một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, bao gồm huyết áp cao và mức cholesterol cao.
Quế cũng làm tăng lưu thông máu, thúc đẩy quá trình sửa chữa mô, hỗ trợ tái tạo các tế bào tim để cơ thể có thể chống lại các cơn đau tim và đột quỵ.
5. Dứa
Enzyme bromelain được tìm thấy trong dứa thường được sử dụng để điều trị chứng viêm như viêm khớp, giảm đau và sưng sau phẫu thuật, đau khớp và viêm xoang.
Bromelain cũng có hiệu quả làm tăng lưu thông máu và tăng cường hệ thống miễn dịch.
Vân Anh